Lương bình quân của người lao động tăng 4% so với 2020

23/01/2022, 17:33

TCDN - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tiền lương bình quân của người lao động năm 2021 ước đạt 7,84 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2020.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, năm nay, có 41.339 doanh nghiệp có báo cáo, tương ứng với 3,83 triệu lao động (chiếm 15,9% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước) về tình hình tiền lương.

Dựa trên báo cáo của các doanh nghiệp, tiền lương bình quân của người lao động ước đạt 7,84 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2020 (7,54 triệu đồng/tháng) và tăng 0,9% so với năm 2019 (7,77 triệu đồng/tháng).

Lương bình quân của người lao động tăng 4% so với 2020

Lương bình quân của người lao động tăng 4% so với 2020

Theo loại hình doanh nghiệp, Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có mức tiền lương năm 2021 là 9,13 triệu đồng/tháng, tương đương với năm 2020.

Tiền lương của doanh nghiệp dân doanh trung bình là là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 5% so với năm 2020 (7,13 triệu đồng/tháng), tăng 3,4% so với năm 2019 (7,25 triệu đồng/tháng).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có mức tiền lương trung bình là 8,26 triệu đồng/tháng, tăng 2% so với năm 2020 (8,12 triệu đồng/tháng), và giảm 2,4% so với năm 2019 (8,46 triệu đồng/tháng).

Bắt đầu từ ngày 1.4 tới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ khảo sát nhiều doanh nghiệp trên cả nước để thu thập thông tin về tình hình lao động, tiền lương làm cơ sở cho việc đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2023.

Việc khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2023 và hoạch định chính sách về lao động, tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, việc khảo sát sẽ được tiến hành tại 2.000 doanh nghiệp ở 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển.

Trong đó, 3 địa phương có số doanh nghiệp được khảo sát nhiều nhất là TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và TP.Đà Nẵng với mức 150 doanh nghiệp/thành phố.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, các doanh nghiệp trả lương cho người lao động rất khác nhau tùy theo vị trí công việc, ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Mức tiền lương cao chủ yếu tập trung vào các ngành có lợi thế, ít chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như tài chính - ngân hàng, hóa mỹ phẩm, điện tử - công nghệ thông tin, y tế...

Bên cạnh các doanh nghiệp có kết quả sản xuất, kinh doanh tốt, có điều kiện chăm lo đời sống cho người lao động, còn có một số ít doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn dẫn đến nợ lương của người lao động.

Ngọc Diễm
Bạn đang đọc bài viết Lương bình quân của người lao động tăng 4% so với 2020 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Trung ương xem xét việc lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, Ban cán sự đảng Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng các báo cáo về tình hình phòng, chống đại dịch COVID-19; quan điểm, chủ trương và giải pháp về phòng, chống dịch, tài chính ngân sách nhà nước trong đó có việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Quyết tâm cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2022
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ từ 01/7/2022 thực hiện cải cách tiền lương, do đó, phải quyết tâm áp dụng cải cách tiền lương và cương quyết bỏ các cơ chế đặc thù. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính và Hội đồng cải cách tiền lương tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm hợp lý.
Không đề xuất giảm thuế TNCN từ tiền lương, tiền công
Tổng cục Thuế cho biết, khi đề xuất giải pháp hỗ trợ cho người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công, Bộ Tài chính thấy rằng nếu áp dụng việc giảm thuế TNCN từ tiền lương tiền công trong 6 tháng cuối năm 2021 thì đối tượng được hưởng sẽ chủ yếu rơi vào nhóm có thu nhập nhập cao.