Lý do giá dầu thô không tăng bất chấp nỗ lực kéo của OPEC

23/06/2023, 08:29
báo nói -

TCDN - Bất chấp các đợt giảm sản lượng của OPEC, giá dầu thô vẫn không tăng mạnh, còn giá khí đốt ở châu Âu giảm gần 90% kể từ đỉnh năm ngoái.

Trong vài tháng sau khi Nga tấn công Ukraine, một dấu hiệu nhỏ cũng có thể khiến giá năng lượng tăng vọt. Khi hỏa hoạn buộc một nhà máy khí đốt của Mỹ đóng cửa, đình công làm tắc nghẽn các kho cảng dầu của Pháp, Nga đòi châu Âu thanh toán tiền nhiên liệu bằng đồng ruble hay thời tiết có vẻ xấu hơn mọi năm, thị trường đều phát hoảng.

Tình hình đảo chiều bất ngờ

Nhưng từ tháng 1 năm nay, tình hình đã thay đổi. Giá dầu Brent dao động quanh mức 75 USD/thùng, thấp hơn hẳn mức 120 USD/thùng vào năm ngoái. Tại châu Âu, khí đốt giờ có giá 35 euro (khoảng 38 USD)/MWh, rẻ hơn 88% so với đỉnh hồi tháng 8 năm ngoái.

Lý do không phải là các tin tức trong năm 2023 bỗng nhiên trở nên dễ chịu hơn. Tổ chức OPEC và các nước đồng minh đã công bố các đợt cắt giảm sản lượng lớn.

Tại Mỹ, số lượng giàn khoan dầu và khí đốt đã giảm 7 tuần liên tiếp. Hà Lan đang đóng cửa mỏ khí đốt lớn nhất châu Âu. Tuy nhiên, mọi đợt tăng giá đều nhanh chóng hạ nhiệt. Yếu tố nào đang đè nặng lên giá dầu khí?

Một trong những nguyên nhân có thể là nhu cầu yếu. Trong những tháng gần đây, các tổ chức dự báo liên tục hạ ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Sự sụp đổ của vài nhà băng làm dấy lên nỗi sợ về suy thoái tại Mỹ. Lạm phát cao làm khổ người tiêu dùng ở châu Âu. Trong khi đó, đà phục hồi hậu đại dịch của Trung Quốc yếu hơn nhiều so với dự báo. Tăng trưởng mờ nhạt khiến nhu cầu dành cho nhiên liệu cũng giảm theo. 

cong nhan dau mo

Nhưng nếu phân tích kỹ hơn chúng ta có thể thấy lý do nhu cầu yếu chưa thực sự thuyết phục. Dù cuộc phục hồi kinh tế không mạnh như kỳ vọng, Trung Quốc vẫn tiêu thụ kỷ lục 16 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 4. Sự trỗi dậy của lĩnh vực vận tải và du lịch đồng nghĩa với việc người Trung Quốc đang tiêu thụ nhiều xăng dầu hơn.

Ở Mỹ, giá xăng giảm 30% so với một năm trước khuyến khích các gia đình lái xe đi du lịch cho kỳ nghỉ hè. Tại châu Á và châu Âu, dự kiến nhiệt độ cao sẽ tiếp diễn, làm tăng nhu cầu sản xuất điện bằng khí đốt để làm mát.

Giá dầu nằm ngoài tầm kiểm soát của OPEC

Lý do hợp lý hơn nằm ở phần cung. Giá năng lượng cao trong suốt hai năm đã thúc đẩy việc sản xuất dầu khí tại các nước ngoài OPEC, và giờ nguồn cung bổ sung đó đang di chuyển ra thị trường.

Dầu đang chảy ra thị trường từ khu vực Đại Tây Dương, từ các giếng dầu thông thường ở Brazil và Guyana hoặc từ các mỏ dầu đá phiến và cát dầu ở Mỹ, Argentina và Canada. Na Uy cũng đang bơm nhiều dầu hơn. Ngân hàng JPMorgan ước tính rằng sản lượng dầu mỏ của các nước ngoài OPEC sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày vào năm 2023.

Trên lý thuyết, nguồn cung bổ sung của những nước trên sẽ bị triệt tiêu bởi các đợt cắt sản lượng mà  OPEC công bố hồi tháng 4 (1,2 triệu thùng/ngày) và Nga (500.000 thùng/ngày). Arab Saudi còn tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 6. Nhưng sản lượng của những quốc gia đó không giảm nhiều như hứa hẹn. Trong khi đó, một số nước OPEC khác lại đang tăng cường xuất khẩu.

Sản lượng dầu mỏ của Venezuela đã tăng nhờ khoản đầu tư của tập đoàn Chevron (Mỹ). Sản lượng của Iran đang ở mức cao nhất kể từ năm 2018, thời điểm nước này bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới. Tờ Economist cho biết trên thực tế, 1/5 nguồn cung dầu mỏ của thế giới hiện đến từ các nước bị phương Tây cấm vận, do đó chúng được bán với giá chiết khấu và giúp làm giảm áp lực giá.

Về mặt khí đốt, tình hình nguồn cung có phần phức tạp hơn. Đường ống dẫn khí chính từ Nga sang châu Âu vẫn đang bị khóa. Nhưng Freeport, cơ sở xử lý 1/5 lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) xuất khẩu của Mỹ, đã hoạt động trở lại sau khi bị hư hại do một vụ nổ vào năm ngoái.

Dòng chảy khí đốt từ Na Uy sẽ hoàn toàn nối lại vào giữa tháng 7. Quan trọng nhất, châu Âu vẫn còn nhiều khí đốt dự trữ. Các cơ sở lưu trữ của khối đã đầy 73% và đang trên đà đạt mục tiêu 90% trước tháng 12. Các nước châu Á giàu có, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng có nhiều khí đốt.

Khi lạm phát tăng vọt và lãi suất vẫn còn ở mức thấp, hàng hóa, đặc biệt là dầu thô, là công cụ phòng vệ hấp dẫn trước giá cả tăng cao. Nhưng giờ khi những người đầu cơ dự kiến lạm phát sẽ giảm, sức hấp dẫn của hàng hóa cũng đi xuống.

Lãi suất cao cũng làm tăng chi phí cơ hội của việc trữ dầu thô, do đó các thương nhân đang bán bớt hàng. Khối lượng dầu trong các kho dự trữ nổi đã giảm từ 80 triệu thùng vào tháng 1 xuống 65 triệu trong tháng 4, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020.

Giá năng lượng vẫn có thể tăng trong nửa cuối năm. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt mức kỷ lục 102,3 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Và khi mùa đông đến gần, cạnh tranh giữa châu Á và châu Âu cho LNG sẽ càng gay gắt.

Nhưng cơn ác mộng của năm ngoái sẽ khó mà lặp lại. Nhiều nhà phân tích dự kiến giá dầu Brent sẽ ở gần mức 80 USD/thùng và không tăng lên ba chữ số. Thị trường khí đốt tương lai cho thấy giá vào mùa thu sẽ tăng 30% so với nay thay vì diễn biến cực đoan hơn. Trong 12 tháng qua thị trường hàng hóa đã thích ứng với hoàn cảnh mới. Một chút tin xấu không thể khiến giá năng lượng phi mã được.

Tùng Lâm/Economist
Bạn đang đọc bài viết Lý do giá dầu thô không tăng bất chấp nỗ lực kéo của OPEC tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thu từ dầu thô vượt dự toán 230%
Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế 10 tháng năm 2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 1.219.964 tỷ đồng, bằng 103,8% so với dự toán pháp lệnh trong đó thu từ dầu thô ước đạt 65.536 tỷ đồng, bằng 232,4% so với dự toán, bằng 195,0% so với cùng kỳ.