MBKE: Cổ phiếu ngân hàng sẽ trở lại ngoạn mục cùng cổ phiếu trụ trong quý IV
TCDN - Chứng khoán Maybank Kim Eng dự báo các cổ phiếu vốn hóa lớn và cổ phiếu ngân hàng có khả năng sẽ dẫn đầu thị trường từ quý IV đến hết năm 2022
Trong Báo cáo chiến lược tháng 10, Chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam (MBKE) nhận định nền kinh tế đã thực sự phục hồi một thời gian trước khi bước vào quý IV.
Sự nới lỏng đi lại từ giữa tháng 9 dẫn đến mức độ cải thiện lớn trong chỉ số xu hướng di chuyển của Việt Nam. Bên cạnh đó, các biện pháp giải quyết gián đoạn nguồn cung và hậu cần đã giúp vận chuyển hàng hóa trong nước tăng 26% so với tháng trước về khối lượng và doanh thu bán lẻ tăng 6,5% so với tháng trước và trong tháng 9.
TP HCM đã đạt tỷ lệ tiêm chủng ít nhất một liều cho 70% dân số, trong đó 30% dân đã tiêm đầy đủ. Hệ thống y tế nâng cấp để đáp ứng 25.000 ca nhiễm mới mỗi ngày (gấp 5 lần trước đây). MBKE cho rằng thời kỳ khó khăn nhất đã qua và thành phố đã chuẩn bị tốt cho giai đoạn "Sống chung với COVID" một cách chậm rãi và đủ thận trọng so với các nước trong khu vực.
Với việc tỷ lệ tiêm chủng tăng ở các tỉnh phía Nam, dự kiến thiết lập vùng di chuyển bao gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An sẽ sớm triển khai thí điểm, thúc đẩy sự phục hồi của toàn nền kinhtế nhờ sự kết nối kinh tế mạnh mẽ giữa các tỉnh miền Nam.
Để kích thích nền kinh tế khi COVID-19 rút lui, chính phủ sẽ tăng tốc đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, nên vật liệu xây dựng sẽ là ngành hưởng lợi chính. Các ngành lớn như bán lẻ, bất động sản, ngân hàng, tiêu dùng và hàng không cũng sẽ phục hồi mạnh mẽ từ giữa quý IV/2021.
Cơ hội tích lũy các cố phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt nhóm cổ phiếu ngân hàng
Với kịch bản cơ sở của MBKE, định giá P/E năm 2021 của toàn thị trường đang dưới mức 15,5 lần, với mức tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp đạt 19% trong nửa cuối năm và 33% trong cả năm 2021. Ngay cả khi lợi nhuận nửa cuối năm không đổi, MBKE dự báo P/E năm 2021 vẫn sẽ ở mức hấp dẫn 16,5 lần, tương đương mức định giá bình quân 5 năm.
Trong quý III, các cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ mang lại hiệu quả đầu tư vượt trội so với các mã vốn hóa lớn lần lượt là 24% và 15%, mặc dù đây là nhóm dễ giảm hơn bởi COVID-19. Theo quan điểm của MBKE, thực tế đó cho thấy tâm lý đầu cơ đang chiếm ưu thế.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong VN-Index đã bị định giá không hợp lý do đánh giá chưa thấu đáo của thị trường về rủi ro nợ xấu và khả năng sinh lời của nhóm này.
Thứ nhất, những khách hàng vay (doanh nghiệp phi tài chính) phải gặp khó khăn trước khi các khoản nợ được ghi nhận là nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của bên cho vay là ngân hàng. Do đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp phi tài chính, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đúng ra sẽ có hiệu suất kém hơn các cổ phiếu ngân hàng.
Mặc khác, các ước tính và tỷ lệ nợ xấu có thể tăng lên mức 7,1 - 7,7% sẽ không gây ra rủi ro hệ thống, dẫn đến sự đổ vỡ như giai đoạn 2012 - 2014 khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 17,2%. Mặt khác, bộ đệm dự phòng rủi ro của các ngân hàng đã cao hơn cùng các chính sách hiện hành đang tạo dư địa tốt trong quản lý trích lập dự phòng và duy trì tăng trưởng lợi nhuận.
Khi việc tiêm chủng được đẩy mạnh trên toàn quốc trong quý IV, MBKE dự đoán thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục ổn định và phục hồi, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng và các mã vốn hóa lớn sẽ đóng vai trò dẫn dắt trở lại. Việc định giá không hợp lý đối với các cổ phiếu này đang tạo ra cơ hội mua tích lũy cho các nhà đầu tư dài hạn.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899