Mỗi tháng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ Latinh 1 tỷ USD hàng hoá
TCDN - Mỹ La tinh là thị trường mới được khai thác nhưng đầy tiềm năng của Việt Nam. Trung bình mỗi tháng, Việt Nam xuất khẩu sang khu vực này gần 1 tỷ USD hàng hoá.
Thứ trưởng Bộ Công Thương ông Đỗ Thắng Hải khẳng định trên Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Mỹ Latinh năm 2022, Mỹ Latinh luôn nằm trong số các thị trường đạt tăng trưởng cao nhất, xét về trao đổi thương mại.
Không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản... khu vực này còn cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất trong nước như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi...
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Mỹ La tinh đạt 18,7 tỷ USD, tăng 10,5%. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh đạt 10,2 tỷ USD, tăng 5,3%, nhập khẩu từ Mỹ Latinh vào Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD, tăng 17,3%.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ trong vòng 5 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gần gấp đôi từ mức 11,6 tỷ USD của năm 2016 lên mức 21,4 tỷ USD năm 2021. Năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh đạt 12,5 tỷ USD, tăng 46,4%, nhập khẩu từ Mỹ Latinh vào Việt Nam đạt 8,9 tỷ USD, tăng 20,2%.
Đặc biệt, bên cạnh các thị trường chủ lực như Brazil, Mexico, Argentina, Chile, nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latinh.
Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các thị trường này đều đạt mức tăng trưởng rất cao, cụ thể như với Colombia đạt 674,7 triệu USD, tăng 41,5%; với Peru đạt 633,7 triệu USD, tăng 62%; với Panama đạt 465,6 triệu USD, tăng 45,5%.
Để đạt được những kết quả trên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Việt Nam và các đối tác Mỹ Latinh đã triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận để tạo đòn bẩy cho quan hệ kinh tế thương mại đầu tư.
Cụ thể, một số hiệp định được ký kết như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam cùng với Mexico, Chile, Peru là thành viên; Hiệp định Thương mại tự do với Chile (VCFTA) hay Hiệp định Thương mại với Cuba.
Hiện tại, Việt Nam cũng đang tiếp tục trao đổi khả năng đàm phán một hiệp định thương mại tự do với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).
Bên cạnh đó, Việt Nam đang triển khai nhiều dự án quan trọng tại Mỹ Latinh với số vốn hàng trăm triệu USD. Nổi bật gồm các dự án phát triển mạng viễn thông của Tập đoàn Viettel tại Peru và Haiti, các dự án của Tổng công ty Viglacera và Công ty Thái Bình tại Cuba trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất hàng tiêu dùng...
Ở chiều ngược lại, hiện có 21 quốc gia của Mỹ Latinh đầu tư tại Việt Nam với 114 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 670 triệu USD.
Theo một số doanh nghiệp, hiện nay logistic chiếm chi phí khá lớn. Nếu khơi thông tốt vấn đề này, sản phẩm Việt có thể tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ Latinh. Phía Bộ Công Thương cũng cho rằng đây là một trong những thách thức không nhỏ, cần sự phối hợp giữa các bên để tìm ra giải pháp.
Trong giai đoạn này, Bộ Công Thương hiện đang triển khai xây dựng "Đề án Phát triển thị trường các nước Mỹ Latinh đến năm 2030 với mục tiêu phát triển thị trường xuất nhập khẩu bền vững, tăng cường hợp tác công nghiệp và thương mại với các nước trong khu vực” theo Quyết định 493/QĐTTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899