Mùa thoái vốn 2019 bắt đầu sôi động

07/05/2019, 01:58

TCDN -

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã có kế hoạch thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp như Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang...

Mùa thoái vốn 2019 bắt đầu sôi động

SCIC chưa công bố danh sách các doanh nghiệp thoái vốn năm 2019, tuy nhiên, con số được dự đoán không dưới 100 doanh nghiệp.

Dọn đường cho thoái vốn

Ðại hội đồng cổ đông Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh mới đây đã thông qua chủ trương nới room ngoại lên 100%. Rất nhiều người tỏ ra bất ngờ với quyết định này vì cho rằng bảo hiểm lâu nay là lĩnh vực không mở hoàn toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài, có hạn chế room ngoại. Tỷ lệ tối đa nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu chỉ là 49%.

Tuy nhiên, khi các cán bộ phụ trách danh mục của SCIC rà soát lại các quy định pháp luật có liên quan, đặc biệt là các cam kết WTO, thì thấy lĩnh vực bảo hiểm không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế, tại Việt Nam cũng có nhiều công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài đang hoạt động.

Việc nới room sau đó được thực hiện và Ðại hội đồng cổ đông Bảo Minh đã thông qua vấn đề này. Hiện Bảo Minh chỉ còn chờ thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là hoàn tất quá trình nới room, mở đường cho các nhà đầu tư ngoại sở hữu chi phối doanh nghiệp.

Bảo Minh có vốn điều lệ hơn 900 tỷ đồng, SCIC sở hữu 50,7%. Ngoài SCIC sở hữu cổ phần lớn nhất, Bảo Minh còn có Tập đoàn AXA (Pháp) là cổ đông lớn, nắm 16,6% cổ phần. Khi AXA đầu tư vào Bảo Minh, có thỏa thuận với SCIC rằng khi thoái vốn hai bên sẽ cùng thoái vốn.

Như vậy, nếu lần này AXA muốn thoái vốn cùng SCIC thì tỷ lệ sở hữu hai bên thoái vốn lên tới gần 70%, tức là đủ để chi phối hoàn toàn Bảo Minh. Thương vụ do vậy được nhìn nhận là hấp dẫn, đặc biệt với các nhà đầu tư ngoại muốn gia nhập thị trường Việt Nam, vào lĩnh vực bảo hiểm, chứ không phải đầu tư tài chính đơn thuần.

Xét về các chỉ số tài chính cũng như thị phần, thị trường, Bảo Minh hiện là doanh nghiệp nằm trong nhóm trung bình trên thị trường. Do đó, dư địa để doanh nghiệp tăng trưởng khi có thêm nguồn lực và năng lực quản trị mới là rất lớn.

Tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (Sa Giang), vốn điều lệ hơn 700 tỷ đồng, việc thoái vốn nhà nước cũng đã sẵn sàng. Tỷ lệ sở hữu vốn của SCIC tại Sa Giang là trên 49,89%. Trong khi đó, room ngoại của Sa Giang tối đa là 49%.

Nếu SCIC bán lô cổ phần này và nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua toàn bộ, room ngoại tại Sa Giang có thể vượt trần. Ðây cũng chính là lý do SCIC đã nhận được đề nghị hạn chế bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài từ Sa Giang, hoặc SCIC không được bán cổ phần theo lô.

Trong cơ cấu cổ đông lớn của Sa Giang, ông Lê Văn Phúc và người có liên quan nắm gần 30%. Nhiều khả năng, tăng tỷ lệ sở hữu tại Sa Giang lên mức chi phối cũng là mục tiêu của những cổ đông này. Ðây sẽ là bài toán SCIC phải tìm hướng xử lý, vì nếu nhà đầu tư nước ngoài được cạnh tranh tham gia mua cổ phần, có nhiều khả năng đạt giá cao hơn.

Với các chỉ số tài chính và năng lực cạnh tranh của mình, Sa Giang được nhìn nhận là doanh nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư nhưng trên sàn chứng khoán, thanh khoản cổ phiếu rất kém, vì hầu như không có nhà đầu tư muốn bán ra cổ phiếu.

Nhiều doanh nghiệp được đánh giá có tiềm năng có tên trong danh sách thoái vốn của SCIC năm 2018, nhưng Tổng công ty chưa thực hiện xong như Công ty Cổ phần FPT, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong... Những doanh nghiệp này được chuyển sang danh sách thoái vốn năm 2019.

Sẽ cấp tập thoái vốn

Vừa qua, SCIC đã thực hiện thoái vốn thành công ở một số doanh nghiệp như phiên đấu giá bán cổ phần tại Công ty Cổ phần Công nghệ Ðiện tử, Cơ khí và Môi trường EMECO. 150.000 cổ phần có giá khởi điểm 43.900 đồng/cổ phần, nhưng giá đấu thành công đạt 73.500 đồng/cổ phần.

Hay phiên đấu giá tại Công ty Cổ phần Nước khoáng và Du lịch Sơn Kim, SCIC bán được 367.920 cổ phần với giá 18.100 đồng/cổ phần.

Năm 2018, SCIC công bố danh sách 121 doanh nghiệp nằm trong danh sách thoái vốn. Tuy nhiên, tính đến cuối năm, còn hơn một nửa doanh nghiệp chưa thực hiện xong. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động từ các văn bản quy định mới liên quan đến thoái vốn, xác định giá trị doanh nghiệp.

Thông thường, các doanh nghiệp chưa thực hiện thoái vốn trong các năm trước sẽ tiếp tục được dồn sang thoái vốn trong năm 2019. Cho đến thời điểm này, SCIC chưa công bố danh sách các doanh nghiệp thoái vốn năm 2019, tuy nhiên con số được dự đoán không dưới 100 doanh nghiệp. Theo các quyết định đã được phê duyệt, trong giai đoạn 2017 - 2020, SCIC phải thoái vốn tại ít nhất 136 doanh nghiệp.

Nhìn rộng hơn, số lượng doanh nghiệp phải triển khai việc thoái vốn rất lớn. Theo Quyết định số 1232 của Thủ tướng, năm 2017 thực hiện thoái vốn tại 135 doanh nghiệp, năm 2018 thoái vốn tại 181 doanh nghiệp. Vậy nhưng, số liệu của Bộ Tài chính cho biết lũy kế đến nay mới chỉ có hơn 30 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch (năm 2017 có 13 đơn vị, năm 2018 có 18 đơn vị).

Thoái vốn chậm, kéo theo sự đình trệ của nhiều dự án đầu tư công bởi theo Nghị quyết 26/2016/QH14 của Quốc hội, trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn phải đảm bảo tối thiểu 250.000 tỷ đồng nguồn vốn cho kế hoạch đầu tư công. Bởi thế, chủ trương của Chính phủ là tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn, không giãn, hoãn thời hạn thoái vốn tại các doanh nghiệp.

Nếu cộng cả 62 doanh nghiệp thuộc diện phải thoái vốn năm 2019 theo Quyết định 1232 và những doanh nghiệp chưa thực hiện thoái vốn trong năm 2017 - 2018 thì số lượng doanh nghiệp cần thoái vốn trong năm 2019 lên tới hơn 300 doanh nghiệp.

Trao đổi với báo giới mới đây, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban Ðổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương, cho biết một trong những nguyên nhân dẫn tới chậm trễ thoái vốn thời gian qua là các văn bản quy định mới liên quan đến thoái vốn, xác định giá trị doanh nghiệp được ban hành, cần có thời gian để đi vào cuộc sống.

Bên cạnh việc tiếp tục hướng dẫn thực thi các quy định mới, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch Ðầu tư chủ trì tiếp nhận tổng hợp các ý kiến phản ánh vướng mắc liên quan đến thoái vốn, dự kiến trong quý II năm nay, Chính phủ sẽ ban hành các văn bản gỡ khó cho những vấn đề này.

Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định thời hạn các doanh nghiệp thuộc diện bàn giao vốn sang SCIC theo Quyết định số 1232/QÐ-TTg cũng như các doanh nghiệp chưa thoái vốn giai đoạn 2016 - 2018 phải hoàn tất chuyển giao sang SCIC để thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa trước 31/3/2019.

Doanh nghiệp chuyển giao vốn về SCIC có thể được thoái vốn ngay hoặc cũng có thể được tổng công ty này tái cơ cấu để doanh nghiệp tốt hơn trước khi đưa ra thị trường thoái vốn. Số liệu từ SCIC cho biết đến nay, Tổng công ty đã thoái vốn tại 995 doanh nghiệp (trong đó bán hết 892 doanh nghiệp, bán bớt 84 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp), thu về số tiền trên 47.000 tỷ đồng, gấp 4,2 lần giá vốn (gần 11.100 tỷ đồng).

Thực tế thoái vốn vừa qua của SCIC cho thấy khi các đợt thoái vốn của doanh nghiệp có tiềm năng được thông tin rộng rãi, cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp này được mổ xẻ, phân tích kỹ, sẽ có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tham gia, nhất là khi SCIC thực hiện theo phương thức bán cả lô. Tổng công ty đang nghiên cứu để có thể đưa vào áp dụng phương thức bán dựng sổ.

Ngày 11/4/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 21/2019/TT-BTC hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 3/6/2019.

Phương thức dựng sổ để bán cổ phần là một phương thức phổ biến trên thế giới. Với phương thức này, tổ chức bảo lãnh phát hành sẽ đứng ra quảng bá, thăm dò nhu cầu mua của nhà đầu để dựng sổ, xác định giá phát hành sao cho sát nhất với nhu cầu của thị trường.

Theo ĐTCK

Bạn đang đọc bài viết Mùa thoái vốn 2019 bắt đầu sôi động tại chuyên mục Thoái vốn của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899