Mỹ tính chuyện tung 4.000 tỷ USD cứu doanh nghiệp

23/03/2020, 07:08

TCDN - Trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, Bộ Tài chính và Cục Dự trữ liên bang Mỹ đang lên kế hoạch về gói hỗ trợ vốn 4.000 tỷ USD để giúp doanh nghiệp.

258565_8924905_updates

Reuters cho biết, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 22/3 nói trên Fox News Sunday rằng, kinh tế Mỹ sẽ bị tấn công bởi Covid-19, nhưng sẽ phục hồi khi tình hình được kiểm soát. Tuy nhiên, nền kinh tế đang cần thêm tiền, và nếu làm được điều đó, mọi thứ sẽ ổn định.

Ông nói rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kết hợp với Bộ Tài chính Mỹ hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp. Quy mô chương trình có thể lên tới 4.000 tỷ USD. Mnuchin cho biết việc này sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua 90-120 ngày sau đó. 

Chương trình cho vay này sẽ được thực hiện cùng gói kích thích tài khóa trị giá 2.000 tỷ USD đang được thảo luận tại Quốc hội Mỹ. Các quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump hy vọng dự luật sẽ được bỏ phiếu thông qua trong ngày thứ hai (23/3) và Chính phủ nước này có thể đưa thêm các biện pháp hỗ trợ nếu cuộc khủng hoảng không giảm trong 10 đến 12 tuần tới.

Một phần tư dân số Mỹ, tương đương 80 triệu người, đang trong tình trạng tự cô lập khi New York, California, Illinois, Connecticut và New Jersey ra lệnh dừng các hoạt động không cần thiết để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của đại dịch.

Khi được hỏi về khả năng suy thoái kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Mỹ chỉ cho biết đóng cửa một phần nền kinh tế để ngăn chặn sự lây lan mới là mối quan tâm lớn nhất trong tình hình hiện nay. "Mọi trường thường chú ý vào vấn đề suy thoái, nhưng đó là chuyện bình thường của một chu kỳ kinh tế. Còn hiện nay lại là một tình huống đặc biệt mà chúng tôi chưa từng trải qua trước đây", Mnuchin nói, "Trường hợp này là chính phủ tự quyết định đóng cửa phần lớn nền kinh tế. Nhưng ngay khi tình hình được kiểm soát, chúng tôi sẽ mở trở lại".

Theo tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ) ngày 22/3, bệnh dịch lây lan sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế Mỹ khi các chuyên gia kinh tế dự báo khoảng 5 triệu người mất việc, GDP sụt giảm 1.500 tỷ USD.

Khảo sát do WSJ thực hiện đối với 34 nhà kinh tế cho thấy ở một góc độ nào đó, mức độ trầm trọng của suy thoái lần này sẽ ngang hàng hoặc thậm chí còn hơn cả đợt suy thoái giai đoạn 2007-2009 do các khoản vay dưới chuẩn và đổ vỡ thị trường nhà đất. 

Ông Bruce Kasman, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại tập đoàn JP Morgan, nhìn nhận đây là cú sốc rất lớn và các hậu quả đối với hoạt động kinh tế sẽ lộ rõ trong hai tháng tới. Dự báo của ông Kasman cũng đại diện chung cho kết quả khảo sát.

Ông cho rằng GDP của Mỹ sẽ giảm 1,8% trong năm nay, dù trước khi xuất hiện COVID-19 ông từng dự đoán GDP sẽ tăng 1,5%. Mức chênh lệch này sẽ tương đương với tổn thất 700 tỷ USD về tổng sản lượng. Cũng theo chuyên gia này, tính đến mùa xuân năm nay, sẽ có 7 đến 8 triệu người mất việc và sẽ trở lại làm việc khi kinh tế hồi phục vào nửa cuối năm 2020. 

Ông Sung Won Sohn, chuyên gia kinh tế tại Đại học Loyola Marymount, dự báo dịch COVID-19 sẽ khiến sản lượng kinh tế Mỹ giảm 592 tỷ USD sau khi trừ lạm phát và khoảng 5,2 triệu người mất việc trong năm 2020.

Ông Joel Prakken, kinh tế gia trưởng tại HIS Markit, đưa ra dự báo cập nhật về tổn thất kinh tế với mức GDP giảm 1.500 tỷ USD dựa trên viễn cảnh kinh tế tăng trưởng âm 13% trong quý 2 và chưa rõ khả năng hồi phục cho đến tận quý 4. Tuy nhiên, ông cũng dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng 3,8% trong năm 2021.

Còn theo các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs, ước tính kinh tế Mỹ sẽ giảm 3,1% trong năm nay, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng vọt lên 9%, kém chút ít so với mức đỉnh 10% tại thời điểm khủng hoảng tháng 9/2009. Số người đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần này dự kiến vượt 2 triệu người. 

Một số các chuyên gia được hỏi ý kiến nhận định, các nỗ lực giải cứu kinh tế chưa có tiền lệ của chính quyền có thể vẫn sẽ giúp tránh các kịch bản tồi tệ nhất. Trong dự báo lạc quan trung hạn, giới phân tích đánh giá kinh tế Mỹ vẫn sẽ giảm sâu trong quý hai, nhưng sẽ hồi phục trong quý 3 và quý 4, với tăng trưởng lần lượt ở mức 1,7% và 3,1%.

Theo ông Kasman, một thông tin tốt lành là khác với suy thoái 2007-2009, kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ lấy lại đà tăng trưởng nhanh chóng nếu chính phủ đủ sức kiểm soát bệnh dịch và giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19.

Hiện Mỹ đã trở thành ổ dịch lớn thứ 3 thế giới, sau Ý và Trung Quốc. Tính đến hết ngày 22/3, đã có 26.888 ca nhiễm được xác nhận trên khắp các bang, với 348 trường hợp tử vong.

Được biết, gói hỗ trợ doanh nghiệp mà Mỹ tính tung ra sắp tới gấp hơn 5 lần gói của EU  cũng như của Đức dự tính đưa ra để hỗ trợ các doanh nghiệp của mình.

Thúy Vy
Bạn đang đọc bài viết Mỹ tính chuyện tung 4.000 tỷ USD cứu doanh nghiệp tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan