Năm 2022, nợ xấu gộp có thể lên tới 6%
TCDN - TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia dự báo, năm 2022 nợ xấu nội bảng sẽ được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6%.
Tại Toạ đàm “Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 13/7, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, theo nghiên cứu của Viện Đào tạo Nghiên cứu BIDV, có 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022. Cụ thể, ở kịch bản tích cực, tăng trưởng GDP có thể đạt 7,3 - 7,6% năm 2022 và 7 - 7,5% năm 2023. Ở kịch bản cơ sở, GDP tăng 6,8 - 7,1%. Ở kịch bản tiêu cực, GDP tăng 6 - 6,5%. CPI bình quân tăng lên mức 3,8 - 4,2%.
Cũng theo ông Lực, hiện nay nợ xấu nội bảng chỉ đang ở mức khoảng 1,4% nhưng Thông tư 14 hết hiệu lực từ tháng 6 thì nguy cơ nợ xấu sẽ tăng. Theo nhóm nghiên cứu, năm 2022 dự báo nợ xấu nội bảng sẽ được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6%.
Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cũng lưu ý, nợ xấu gộp có thể sẽ giảm bởi vì kinh tế chúng ta phục hồi tốt hơn kỳ vọng thì nợ xấu tiềm ẩn sẽ giảm đi tương ứng.
Đáng chú ý, chuyên gia Cấn Văn Lực tiếp tục đề xuất luật hóa Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Bởi những vướng mắc về cơ chế xử lý tài sản đảm bảo, cũng như các vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 42 cần được luật hóa để tăng hiệu quả xử lý nợ xấu. Qua đó, tăng nguồn lực và tiết giảm chi phí cho hệ thống tổ chức tín dụng, các bên liên quan và nền kinh tế.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Trong 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã xử lý thì: (i) xử lý nợ xấu nội bảng là 196,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 51,79%); (ii) xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 100,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,51%); (iii) xử lý các khoản nợ đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,70%).
Đặc biệt, trong 380,2 nghìn tỷ nói trên, số nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả lên tới 148 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,93%, cao hơn mức 22,8% trung bình năm của giai đoạn 2012 - 2017 do khách hàng tự trả/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899