Năm 2025, Kiểm toán Nhà nước tập trung đánh giá hiệu quả quản lý tài chính công

02/02/2025, 17:00

TCDN - “Phải tập trung đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương; tập trung đánh giá xem có thất thoát, lãng phí ở đâu, dư luận - nhân dân - cử tri thấy lãng phí ở đâu thì kiểm toán phải chú trọng tập trung”, Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nói.

Chủ động điều chỉnh đầu mối

Với phương châm “gọn nhưng chất lượng”, Kế hoạch Kiểm toán (KHKT) năm 2024 gồm 121 nhiệm vụ, giảm 8 nhiệm vụ so với năm 2023. Kế hoạch tập trung vào kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tại 34 bộ, cơ quan trung ương, đạt tỷ lệ 83% (34/41 đầu mối), và 57 địa phương, đạt tỷ lệ 90% (57/63 đầu mối). Ngoài ra, các nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề và kiểm toán hoạt động chiếm 26% tổng số nhiệm vụ kiểm toán (31/121).

Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

KHKT năm 2024 đồng thời tập trung kiểm toán một số dự án quan trọng quốc gia như dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1...

Trong quá trình kiểm toán, KTNN đã chủ động điều chỉnh không kiểm toán đối với những đầu mối, đơn vị đã được Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thanh tra, kiểm tra nhằm tránh chồng chéo, trùng lắp; giảm thiểu sự phiền hà cho các đơn vị được kiểm toán. Đến thời điểm 30/9/2024, Tổng Kiểm toán nhà nước đã quyết định bổ sung KHKT năm 09 nhiệm vụ kiểm toán và điều chỉnh giảm 09 đầu mối theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức, tránh chồng chéo với các cơ quan khác nhưng không làm giảm nhiệm vụ của KTNN.

KHKT năm 2024 tiếp tục đổi mới theo hướng tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và chất lượng kiểm toán; bám sát Chiến lược phát triển KTNN, đẩy mạnh và quyết liệt thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN các cấp phục vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phê chuẩn quyết toán NSNN, kiểm toán các chuyên đề phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, UBTVQH. KHKT năm 2024 đồng thời tập trung kiểm toán một số dự án quan trọng quốc gia như dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1...

1

Ngoài nâng cao chất lượng xây dựng KHKT năm, KTNN cũng đã tập trung nâng cao chất lượng lập KHKT của cuộc kiểm toán thông qua ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong khảo sát, thu thập, phân tích thông tin để đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán phù hợp với từng đơn vị kiểm toán.

Muốn có an toàn, uy tín, phải có chất lượng

Định hướng xây dựng KHKT năm 2025 và KHKT trung hạn 2025-2027, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đề nghị toàn Ngành thực hiện thắng lợi 10 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp đã đề ra trong kế hoạch năm, đồng thời nhấn mạnh 6 nội dung quan trọng, trong đó cần tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành. Đó chính là thực hiện tốt Kế hoạch kiểm toán năm 2025; nâng cao chất lượng về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, sẵn sàng tham gia ý kiến có chất lượng vào các dự án lớn và công tác giám sát của Quốc hội…

2

“Công tác kiểm toán phải chú ý phương châm “An toàn - Uy tín”, muốn có an toàn, uy tín thì phải có chất lượng”. Phải tập trung đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương thông qua kiểm toán quyết toán ngân sách, kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, kiểm toán chuyên đề; tập trung đánh giá xem có thất thoát, lãng phí ở đâu, dư luận - nhân dân - cử tri thấy lãng phí ở đâu thì kiểm toán phải chú trọng tập trung vào đó để kiểm toán, xác nhận - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.

4

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; rà soát kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; chú trọng đào tạo bồi dưỡng, đánh giá cán bộ; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hiệu quả cho hoạt động của Ngành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động kiểm toán; tăng cường hợp tác quốc tế thông qua học tập kinh nghiệm tốt, bài học quý đã áp dụng thành công trên thế giới…

Tổng hợp kết quả kiểm toán đối với các Báo cáo kiểm toán (BCKT) đã phát hành tính đến 15/12/2024, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 22.817 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu NSNN 2.637 tỷ đồng, giảm chi NSNN 9.341 tỷ đồng; kiến nghị khác 10.839 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn đối với 125 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý (gồm 1 Luật, 3 Nghị định, 11 Thông tư, 05 Quyết định Thủ tướng Chính phủ và 104 văn bản khác).

Thanh Tầm

Tạp chí in số tháng 1+2/2025
Bạn đang đọc bài viết Năm 2025, Kiểm toán Nhà nước tập trung đánh giá hiệu quả quản lý tài chính công tại chuyên mục Số đặc biệt Xuân Ất Tỵ 2025 của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899