Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngành công nghiệp môi trường tại Tp.HCM

22/05/2024, 11:04

TCDN - Việc tạo ra các giá trị gia tăng từ chính việc giải quyết các vấn đề môi trường, đã và đang có những đóng góp thiết thực và hiệu quả hco phát triển theo hướng bền vững, chiếm vị thế quan trọng trong cơ cấu công nghiệp.

4-1

TÓM TẮT:

Việc tạo ra các giá trị gia tăng từ chính việc giải quyết các vấn đề môi trường, đã và đang có những đóng góp thiết thực và hiệu quả hco phát triển theo hướng bền vững, chiếm vị thế quan trọng trong cơ cấu công nghiệp.

Nếu triển khai các đồng bộ các giải pháp sẽ giúp các doanh nghiệp ngành Công nghiệp môi trường khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống các ngành công nghiệp và đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho thị trường đối với công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành này trong cả nước nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng đang đối diện không ít thách thức do thiếu động lực và nguồn lực phát triển.

1. Thực trạng

Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang chú trọng việc xây dựng và phát triển thị trường cho ngành Công nghiệp môi trường để thúc đẩy thị trường sản phẩm hàng hóa cho ngành này phát triển, từng bước phát triển ngành Công nghiệp môi trường trở thành một ngành kinh tế không chỉ đáp ứng các yêu cầu về xử lý các vấn đề môi trường mà còn đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Theo đó, kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường (2014) thực thi, ngành Công nghiệp môi trường được nhìn nhận như một ngành kinh tế gồm sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực chính là công nghệ, thiết bị, sản phẩm công nghiệp môi trường; dịch vụ công nghiệp môi trường (thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải; quan trắc, phân tích…); sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường.

Hiện nay, các hoạt động nhằm phát triển ngành Công nghiệp môi trường tại Việt Nam đang từng bước được cân đối, hài hòa giữa ba lĩnh vực chính, gồm: Dịch vụ môi trường (Phân tích và quan trắc môi trường; Quản lí, kiểm soát ô nhiễm, Dịch vụ tư vấn quản lý môi trường); Phát triển công nghệ và sản xuất thiết bị (Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xử lý môi trường; Sản xuất thiết bị và vật liệu xử lý môi trường; Phát triển công nghệ thông tin chuyên ngành môi trường; Sản xuất thiết bị đo lường và kiểm soát ô nhiễm môi trường; Công nghệ ngăn ngừa ô nhiễm); Phát triển và khôi phục tài nguyên (Phát triển các dạng năng lượng mới; Phục hồi tài nguyên; Các hoạt động tái chế chất thải).

Tại Việt Nam, ngành Công nghiệp môi trường có tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm ở mức trên 15% do nhu cầu xử lý ô nhiễm và các thiết bị môi trường luôn cao trong điều kiện kinh tế tăng trưởng liên tục. Đến nay, tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải là 107.616 người...

Về dịch vụ công nghiệp môi trường, các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, trong giai đoạn vừa qua, dịch vụ môi trường mới chú trọng phát triển các hợp đồng dịch vụ thuê, mướn xử lý chất thải - vấn đề nóng thu hút được sự quan tâm của người dân và xã hội tại các thành phố lớn.

Chẳng hạn, thống kê cho thấy, hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn TP. Hà Nội khoảng 6.500 tấn/ngày và dự báo tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn Thành phố sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP. Hà Nội (giai đoạn 2017-2020) giao cho 20 đơn vị thực hiện thông qua gói thầu Dịch vụ công ích vệ sinh môi trường và đến nay, đã giao về cho các địa phương tự tổ chức đấu thầu.

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trong ngày tại các quận nội thành đạt khoảng 98-99%, tại các huyện đạt khoảng 87%-88% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp chiếm khoảng 89%, xử lý bằng phương pháp đốt chiếm khoảng 11% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu thực hiện bằng các xe gom đẩy tay (công kềnh, lạc hậu) thường xuyên hình thành các điểm tập kết xe gần mặt đường, đầu ngõ gây mất vệ sinh môi trường, mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, gây bức xúc cho người dân trong khu vực...

Trong khi đó, theo Sở Tài chính Tp. Hồ Chí Minh, năm 2022, Thành phố dự toán chi 3.311 tỷ đồng cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải; trong đó chi cho các quận, huyện khoảng 1.604 tỷ đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường khoảng 1.707 tỷ đồng. Để vận hành hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, hiện tại toàn Thành phố có hơn 900 điểm tập kết tập trung rác (cả nội thành và ngoại thành); 27 trạm trung chuyển để tập kết tạm thời chất thải rắn sinh hoạt thu gom tại nguồn để vận chuyển đến các khu xử lý tập trung của Thành phố.

Hiện nay, công tác thu gom tại các điểm hẹn, vệ sinh điểm tập kết, vận hành trạm trung chuyển, quản lý rác dân lập tương đối đảm bảo. Tuy nhiên, vẫn còn một số trạm trung chuyển rác nằm trong lòng khu dân cư, có hệ thống máy móc xử lý thô sơ, lạc hậu, trở thành “điểm đen”, ảnh hưởng đến đời sống người dân TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, nước ta từng bước định hình các hoạt động dịch vụ như: Quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường; Cải tạo, phục hồi môi trường, hệ sinh thái các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái; Tư vấn, chuyển giao công nghệ (công nghệ sản xuất thân thiện môi trường, công nghệ môi trường; công nghệ tiết kiệm năng lượng, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo); Tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin (về môi trường; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng); Giám định về môi trường (đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ)...

2. Đánh giá chung

Theo khảo sát, đánh giá của Bộ Công Thương, đến nay, ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam mới đáp ứng 2-3% nhu cầu xử lý nước thải đô thị; 15% nhu cầu xử lý chất thải rắn, 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại. Các doanh nghiệp ngành Công nghiệp môi trường còn hạn chế về số lượng lẫn quy mô, vốn điều lệ thấp. Các doanh nghiệp ngành Công nghiệp môi trường chủ yếu tập trung ở lĩnh vực dịch vụ, trong khi rất thiếu các doanh nghiệp mạnh để giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước. Sản phẩm, thiết bị cung cấp ra thị trường chủ yếu là các sản phẩm cơ khí, chế tạo đơn giản, trình độ thấp, doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư cho nghiên cứu phát triển, hoàn thiện sản phẩm, sáng tạo công nghệ.

Ngoài ra, giới phân tích nhận định, chúng ta chưa có các chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp ngành Công nghiệp môi trường tham gia và chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng công nghệ cao. Hạ tầng đáp ứng cho phát triển ngành Công nghiệp môi trường chưa hoàn thiện, đầy đủ và phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Nguồn nhân lực và cơ cấu nguồn nhân lực cho ngành này vẫn hạn chế, chưa đủ cả về lượng và chất.

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra: Bức tranh công nghiệp môi trường sẵn sàng cho thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Mức độ sẵn sàng để doanh nghiệp tham gia công nghiệp môi trường 4.0 mới chỉ đạt 0,14/5. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực và cơ cấu nguồn nhân lực để thực hiện yêu cầu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa cao, chưa tạo động lực cho thực hiện đổi mới và chuyển sang kinh tế số.

TS. Phạm Thị Tố Oanh, Liên minh các HTX Việt Nam cho biết, riêng giai đoạn 2010-2020 đã có tới 4. 321 doanh nghiệp được thành lập đăng ký hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ môi trường, với tốc độ gia tăng mạnh hàng năm. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp này đang là vấn đề đáng lo ngại. Cụ thể: Thứ nhất, nguồn nhân lực. Ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam đã có những hoạt động thiết thực nhưng sự phát triển còn gặp nhiều cản trở về số lượng và chất lượng nhân lực triển khai. Đó là thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia, kỹ thuật viên giỏi, có trình độ cao, kinh nghiệm, có khả năng nghiên cứu thực tiễn kết hợp lý luận, thiếu nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm quốc tế, thăm quan, học tập để ứng dụng trong điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghiệp môi trường ở Việt Nam chưa thực sự gắn liền với sự phát triển nghiên cứu khoa học, cũng như những thành tựu khoa học công nghệ đạt được trong và ngoài nước. Điều này đã làm cho công nghiệp môi trường giảm đi rất nhiều lợi thế và hướng phát triển thực sự của mình, khiến mức độ lệ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài càng lớn do càng thiếu động lực và nguồn lực phát triển. Điều đó dẫn đến việc giảm sút đáng kể năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam ngay tại Việt Nam chứ chưa nói đến vươn ra thị trường nước ngoài.

Thứ hai, chính sách. Điểm đầu tiên cần phải nhấn mạnh là công nghiệp môi trường là ngành công nghiệp chịu tác động lớn của chính sách, vì vậy, nó chịu sự chi phối của các định hướng chính sách. Sự phát triển và thành công của ngành công nghiệp trên thế giới, thể hiện qua con số thị phần và giá trị thị trường, đã cho thấy một kinh nghiệm thực tế là trong từng giai đoạn, phải cso được một định hướng phù hợp cho sự phát triển khoa học công nghệ và chính sách xã hội trong ngành công nghiệp môi trường. Hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường còn chồng chéo, bất cập, chưa theo kịp những diễn biến nhanh của các vấn đề môi trường và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Các chính sách, chế tài xử lý ô nhiễm môi trường chưa sâu, chưa sát thực tiễn các ngành, lĩnh vực, chưa tác động mạnh đến định hướng sản xuất và đầu tư của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp thiên về tập trung sản xuất mà chưa có chú trọng tạo quỹ, dành quỹ cho xử lý hay đầu tư về phòng ngừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Do đó, sẽ tác động lớn tới ngành công nghiệp môi trường.

TS. Phạm Thị Tố Oanh cho rằng, việc đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách, bao gồm các chính sách thị trường, cơ chế và chính sách đầu tư, cũng như các chính sách hỗ trợ và phát triển khoa học công nghệ cũng cần được tiến hành kịp thời và đồng bộ, nhằm đảm bảo tạo ra thị trường mới, mở, với môi trường đầu tư thích hợp cho doanh nghiệp công nghiệp môi trường, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này với các doanh nghiệp ngoài ngành cả về nguồn lực, năng lực công nghệ, năng lực quản lý.

Thứ ba, tổ chức và kiên kết trong thực hiện. Việc tổ chức thực hiện còn yếu kém, nhất là cấp địa phương, cơ sở, kể cả cấp độ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và quản trị môi trường ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, làng nghề. Năng lực phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường của các doanh nghiệp ở một số địa phương còn nhiều bất cập.

Theo TS. Phạm Thị Tố Oanh, kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp công nghiệp môi trường với các đơn vị nghiên cứu khoa học là hướng đi phù hợp hơn là việc phát triển các thành phần nghiên cứu ngay trong doanh nghiệp. Điều này có thể thấy ở hầu hết các quốc gia phát triển, sự liên kết chặt chẽ này đã tận dụng thế mạnh trong nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm mà đặc biệt là ưu thế trong các nghiên cứu tiên tiến trên mọi lĩnh vực của các đơn vị nghiên cứu cũng như ưu thế về tài chính của các doanh nghiệp môi trường. Trong trường hợp này, doanh nghiệp là “người đặt hàng” cho các đơn vị nghiên cứu dựa vào nhu cầu của xã hội. Sự kết hợp này cho phép doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư phát triển nghiên cứu khoa học, đồng thời có được các thành quả nghiên cứu mới nhất, cũng như có điều kiện phù hợp nhất ứng dụng kết quả nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm vào thực tế, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Tại Việt Nam hiện nay, mặc dù đã có nhiều chương tình, đề án nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất công nghiệp nói chung và công nghiệp môi trường nói riêng, nhưng thực tế kế thừa thành quả và kết quả của các chương trình và đề án này vào trong các doanh nghiệp môi trường còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thiếu thốn về cơ sở vật chất, nguồn lực nghiên cứu, dẫn đến việc lãng phí thời gian, tài chính và công sức của bản thân doanh nghiệp, nhưng hiệu quả không cao. Đây là một trong những yếu tố cần phải được chú ý hàng đầu trong quy hoạch định hướng phát triển ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam.

Thứ tư, công nghệ. Công nghệ ứng dụng trong xử lý, phòng ngừa ô nhiễm, thiết bị phù hợp chưa phải là ưu tiên của doanh nghiệp khi đầu tư sản xuất và mở rộng sản xuất. Nhiều ngành nghề thủ công truyền thống có công nghệ lạc hậu, tồn tại trong nhiều làng nghề truyền thống, gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt công nghệ quá lạc hậu ở những vùng sâu vùng xa; miền núi. Chuyển đổi công nghệ, đưa máy móc thiết bị xử lý môi trường đạt hiệu quả sẽ là bài toán khó trong triển khai hỗ trợ cũng như ứng dụng. Trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới các doanh nghiệp công nghiệp môi trường Việt Nam cũng cần hợp tác liên doanh với các doanh nghiệp cùng loại trong khu vực và thế giới để học hỏi kinh nghiệm, giải mã công nghệ nhằm nâng cao năng lực nội địa trong xu thế vừa hợp tác vừa cạnh tranh.

3. Kiến nghị

Theo “Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025”, Chính phủ đặt ra mục tiêu không chỉ nỗ lực sản xuất các sản phẩm công nghiệp môi trường đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Những chỉ tiêu cơ bản trong Đề án, bao gồm đối với sản xuất thiết bị xử lý nước cấp và nước thải đáp ứng khoảng từ 70% đến 80%; sản xuất thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn khoảng từ 60% đến 70%; sản xuất thiết bị xử lý khí thải khoảng từ 70% đến 80%; sản xuất thiết bị thu gom, vận chuyển và phân loại chất thải khoảng từ 50% đến 60%...

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành này nói chung và tại Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, đồng thời hiện thực hóa các các mục tiêu trên, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức về công nghiệp môi trường. Trong đó, cần tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về ngành công nghiệp môi trường; nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Bên cạnh lồng ghép nội dung phát triển ngành công nghiệp môi trường vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, cần rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp môi trường; hình thành các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành hoặc hỗn hợp để bố trí các doanh nghiệp hoạt động tái chế chất thải.

UBND Tp. Hồ Chí Minh cần ban hành cơ chế khuyến khích hỗ trợ nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng làm chủ và chuyển giao công nghệ bảo vệ môi trường (xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại), phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng, chế tạo thiết bị phương tiện và sản phẩm bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện của Thành phố.

Đồng thời, hỗ trợ việc thành lập các tổ chức dịch vụ tư vấn môi trường phục vụ phát triển bền vững ngành công nghiệp môi trường trên địa bàn Thành phố. Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp công nghiệp môi trường thuộc khu vực Nhà nước; Củng cố tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan đầu mối quản lý, bảo vệ, phát triển môi trường từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã, thông qua việc rà soát, đánh giá và nâng cao chức năng nhiệm vụ môi trường; đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ quản lý; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về hoạt động môi trường nhằm định hướng cho sự phát triển của ngành công nghiệp môi trường trên địa bàn Thành phố.

Hai là, phát triển công nghệ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường. Cụ thể: Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghiệp môi trường nghiên cứu phát triển, ứng dụng, làm chủ và chuyển giao công nghệ sản xuất máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, chế phẩm xử lý môi trường; phát triển, ứng dụng công nghệ quy trình phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Doanh nghiệp cần nghiên cứu phát triển, ứng dụng, làm chủ và tiếp nhận chuyển giao công nghệ xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại; công nghệ sản xuất vật liệu, chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường; công nghệ, quy trình phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên nước, năng lượng: sản xuất nước cấp, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng thu hồi từ xử lý chất thải; công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công nghệ thu hồi và lưu trữ các-bon thấp; công nghệ phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng; công nghệ tái chế chất thải của các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp công nghiệp môi trường phù hợp với điều kiện của Thành phố.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn tài trợ từ các nước, tổ chức quốc tế trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng, làm chủ và chuyển giao công nghệ môi trường.

Ba là, kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường. Theo đó, UBND Tp. Hồ Chí Minh sẽ tiến hành rà soát các doanh nghiệp công nghiệp môi trường và đề xuất quy hoạch, kế hoạch thu hút đầu tư và phát triển các dự án công nghiệp môi trường: Dự án sản xuất máy móc thiết bị, vật tư ngành môi trường, xử lý chất thải, nước cấp; dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có công nghệ thu hồi và lưu giữ cac-bon thấp; sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng thu hồi từ xử lý chất thải; dự án tái chế, tái sử dụng chất thải.

Bốn là, đẩy mạnh phát triển các hoạt động sản xuất, chế tạo thiết bị, cung cấp sản phẩm và dịch vụ môi trường Hỗ trợ việc chế tạo thiết bị và sản xuất sản phẩm bảo vệ môi trường thông qua các chương trình nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp môi trường. Đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ để sản xuất thiết bị và sản phẩm bảo vệ môi trường có hàm lượng công nghệ cao.

UBND Tp. Hồ Chí Minh đầu tư phát triển các hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị tập trung tại các quận, huyện, thị xã; nước thải công nghiệp tập trung tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề.

Ngoài đầu tư phát triển các hệ thống thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn đô thị tập trung tại các quận, huyện, thị xã; chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại tập trung; UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng cần hỗ trợ phát triển các hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn môi trường; quan trắc môi trường; thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm.

Năm là, thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường. Cụ thể, UBND Tp. Hồ Chí Minh cần đa dạng hóa các hình thức và nguồn lực đầu tư, tăng cường thu hút, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường thuộc mọi thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân đầu tư để phát triển ngành công nghiệp môi trường của Thành phố.

Đồng thời, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí sự nghiệp, xây dựng cơ bản và các nguồn kinh phí khác để thực hiện các nhiệm vụ, dự án, công trình đầu tư về phát triển công nghiệp môi trường. Thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào các công trình hạ tầng về môi trường và phát triển các dịch vụ bảo vệ môi trường.

Sáu là, phát triển dịch vụ môi trường. UBND Tp. Hồ Chí Minh Kêu gọi đầu tư phát triển các hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; đầu tư, phát triển các doanh nghiệp dịch vụ môi trường đủ năng lực giải quyết các vấn đề môi trường lớn của Thành phố.

Ngoài hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp môi trường đầu tư, phát triển các hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn môi trường; đầu tư, phát triển các hệ thống thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn đô thị tập trung; chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại tập trung, UBND Tp. Hồ Chí Minh thực hiện việc đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển ngành công nghiệp môi trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội (2020), Luật Bảo vệ môi trường 2020;

2. Chính phủ (2022), Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường 2020;

3. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 192/QĐ-TTg, ngày 13/2/2017, của, về phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025”;

4. Nguyễn Vân (2022), Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường, Thời báo Tài chính Việt Nam;

5. Trong Hiếu (2022), TP. Hồ Chí Minh: Dự chi 3.311 tỷ đồng cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải, Tạp chí điện tử Công nghiệp môi trường;

6. Trường Giang (2022), TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm tập kết rác, Tạp chí điện tử Công nghiệp môi trường.

ThS. Dương Quốc Khánh

Công ty CP Công nghệ thiết bị dịch vụ và Môi trường Ánh Thủy

Tạp chí in số tháng 5/2024
Bạn đang đọc bài viết Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngành công nghiệp môi trường tại Tp.HCM tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899