Ngân hàng lên phương án đối phó với những diễn tiến phức tạp

16/03/2023, 18:58

TCDN - Bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước được dự báo còn nhiều bất trắc, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường để có những phản ứng linh hoạt, kịp thời.

Lạm phát tặng sát mục tiêu

Theo nhận định, thời gian qua, triển vọng kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, lạm phát nhiều nước tiếp tục duy trì ở mức cao. Đặc biệt, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái, xung đột Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận định, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều bất trắc, lạm phát dù đã có dấu hiệu hạ nhiệt và qua đỉnh nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại nhiều nền kinh tế. Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023, như IMF (1/2023) là 2,9%, WB (1/2023) là 1,7%, trong khi dự báo lạm phát được điều chỉnh tăng, như IMF (1/2023) là 6,6% (trước đó dự báo 6,5%) và 4,3% năm 2024 (trước đó là 4,1%).

Bên cạnh đó là tác động về sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank vào cuối tuần qua cũng như động thái Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Theo phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS), sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank đã cho thấy một cuộc khủng hoảng niềm tin vào tài sản của các ngân hàng, đồng thời thúc đẩy các cơ quan quản lý Mỹ phải nhanh chóng hành động để ngăn chặn vấn đề về rủi ro lây lan.

Sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) tác động đến thị trường tài chính toàn cầu.

Sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) tác động đến thị trường tài chính toàn cầu.

Trong phiên điều trần mới đây, ông Powell, Chủ tịch Fed nhấn mạnh rằng Fed, có thể phải nâng lãi suất lên mức cao hơn dự báo trước đó để ghìm cương lạm phát. Trước khi bước vào cuộc họp chính sách tháng này, ông Powell cho biết báo cáo việc làm tháng 2 và báo cáo CPI tháng 2 sẽ tác động tới quyết định sẽ nâng 25 điểm cơ bản hay 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 3/2023. Các dữ liệu cho thấy “áp lực lạm phát mạnh hơn dự báo tại thời điểm diễn ra các cuộc họp chính sách trước đó”, ông Powell cho biết.

Từ tháng 3/2022, Fed đã cố gắng kìm hãm hoạt động đầu tư, chi tiêu, tuyển dụng bằng cách nâng lãi suất. Khi lãi suất tăng, việc vay nợ sẽ tốn kém hơn và giá tài sản, như chứng khoán, bất động sản, sẽ gặp bất lợi. Lãi suất chuẩn của Fed cũng sẽ tác động tới các loại lãi suất khác trong nền kinh tế.

So với tháng trước, CPI trong nước tháng 2/2023 tăng 0,45% (khu vực thành thị tăng 0,47%; khu vực nông thôn tăng 0,42%) và tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 2 tăng 0,97% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,31% do giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới. Còn giá nhà ở thuê tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán.

Và cả Signature Bank đã cho thấy một cuộc khủng hoảng về niềm tin.

Và cả Signature Bank đã cho thấy một cuộc khủng hoảng về niềm tin.

Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá. Nhóm giáo dục tháng 2/2023 tăng cao nhất với 10,4% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch, đồng thời vào năm học 2022-2023 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 7,88% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và nhà ở thuê tăng. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,74% do dịch Covid-19 được kiểm soát, giá tour, khách sạn, nhà hàng tăng khi nhu cầu du lịch trong nước tăng.

Mặc dù vậy, lãnh đạo NHNN cho biết, không chủ quan với áp lực lạm phát gia tăng trong bối cảnh lạm phát 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5% ngay từ đầu năm 2023, trong khi lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao. Đồng thời, các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao, đặc biệt là động thái của Fed trong cuộc họp tới đây (ngày 21-22/3/2023) trước mức độ ảnh hưởng của sự kiện Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản tại Mỹ.

Nghiêm cấm lách vượt trần lãi suất huy động

“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước còn nhiều bất trắc, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành qua đó góp phần thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế của Quốc Hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Đồng thời, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh”, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN khẳng định.

Trong đó, NHNN đã triển khai các giải pháp đồng bộ để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Cụ thể, chỉ đạo các TCTD duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro. Đồng thời, không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.

NHNN đang phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

NHNN đang phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Song song đó, NHNN cũng nghiêm cấm TCTD thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn. Mặt khác theo dõi các trường hợp TCTD tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các TCTD này.

Hơn nữa, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Trong tháng 2/2023, các ngân hàng thương mại đã tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo đó, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với kỳ hạn 6 đến 12 tháng. Đến nay mặt bằng lãi suất dần ổn định, hiện lãi suất tiền gửi phát sinh mới của các ngân hàng thương mại khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,4%/năm, trong đó nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi và cho vay. 

Thanh Tùng
Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng lên phương án đối phó với những diễn tiến phức tạp tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thị trường tài chính với sự 'căng thẳng gần đây trong hệ thống ngân hàng'
Giới phân tích đang nghiêng về khả năng thị trường chứng khoán tiếp tục có sự phân hóa với lợi thế nghiêng về nhóm cổ phiếu bluechips đang được các quỹ ETF cơ cấu. Trong khi bối cảnh thế giới cho thấy, Fed mò mẫm tìm mức lãi suất thích hợp để dập lạm phát và tránh phá vỡ hệ thống tài chính.
HDBank nhận cú đúp giải thưởng tài chính bền vững và thanh toán quốc tế
Vượt qua nhiều tiêu chí đánh giá khắt khe của Hội đồng bình chọn với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng toàn cầu, với tổng tài sản, lợi nhuận, các chỉ số tăng trưởng, định hướng kinh doanh... ấn tượng, HDBank vừa được Tạp chí hàng đầu châu Á - The Asset trao tặng giải thưởng danh giá.