Thị trường tài chính với sự "căng thẳng gần đây trong hệ thống ngân hàng"
TCDN - Giới phân tích đang nghiêng về khả năng thị trường chứng khoán tiếp tục có sự phân hóa với lợi thế nghiêng về nhóm cổ phiếu bluechips đang được các quỹ ETF cơ cấu. Trong khi bối cảnh thế giới cho thấy, Fed mò mẫm tìm mức lãi suất thích hợp để dập lạm phát và tránh phá vỡ hệ thống tài chính.
Thị trường tốt, thanh khoản tăng
Thị trường chứng khoán châu Á phục hồi phiên đầu tuần nhờ sự dẫn dắt từ chứng khoán Trung Quốc. Các chỉ số lớn như: Shanghai, Hang Seng, Kospi... đều tăng điểm trong khi thị trường Nhật Bản tuy đóng cửa giảm nhưng đà giảm đã được thu hẹp một nửa.
Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank vào cuối tuần qua đã cho thấy một cuộc khủng hoảng niềm tin vào tài sản của các ngân hàng, đồng thời thúc đẩy các cơ quan quản lý Mỹ phải nhanh chóng hành động để ngăn chặn vấn đề về rủi ro lây lan. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết, họ không còn kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất vào tuần tới do “sự căng thẳng gần đây trong hệ thống ngân hàng”.
Thanh khoản trên toàn thị trường đạt 12.337 tỷ đồng, tăng 24,6% so với mức bình quân của tuần trước, đây cũng là phiên có thanh khoản cao nhất trong 12 phiên vừa qua. Khối ngoại mua ròng 899 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua tập trung tại các cổ phiếu như: HPG, SSI, VHM... Ở chiều ngược lại: STB, E1VFVN30, HCM... là những cổ phiếu/chứng chỉ quỹ bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên này.
Theo phân tích của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), thị trường trong nước ngược dòng chứng khoán thế giới trong tuần trước tiếp tục duy trì diễn biến tích cực ở phiên đầu tuần nhờ lực kéo từ nhóm cổ phiếu bluechips. Tuần này các quỹ ETF cơ cấu danh mục với lượng mua nhiều hơn bán đang là lực kéo chính giúp thị trường “suýt” có phiên ngược dòng thành công.
Diễn biến trong phiên hôm qua cho thấy, thị trường đang tốt hơn so với kỳ vọng của nhà đầu tư. Lực kéo chính giúp thị trường “suýt” ngược dòng thành công tiếp tục đến từ khối ngoại đang ở tuần cơ cấu danh mục với lực mua nhiều hơn lực bán. Về kỹ thuật, chỉ số VN-index đang dao động trong biên độ hẹp 3 phiên gần đây ngay dưới ngưỡng cản kỹ thuật MA50.
Thị trường phái sinh cũng không chiết khấu nhiều rủi ro từ tác động bên ngoài. Khả năng thị trường tiếp tục có sự phân hóa với lợi thế nghiêng về nhóm cổ phiếu bluechips đang được các quỹ ETF cơ cấu.
Kim chỉ nam của Fed là gì?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang gặp phải rắc rối lớn trong nỗ lực khống chế lạm phát mà không phá vỡ hệ thống tài chính hoặc đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Trước cuộc họp quan trọng vào cuối tháng 3, các nhà hoạch định chính sách đang phải vật lộn với nền kinh tế bền bỉ bất ngờ sau các đợt tăng lãi suất và giới đầu tư lo ngại về sức khỏe của hệ thống tài chính sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank.
Câu hỏi chính mà các quan chức cần tìm lời giải là liệu “kim chỉ nam” mà họ sử dụng để thiết lập lãi suất chính sách đã tăng lên hay chưa, và nếu đúng như vậy thì Fed có nên kéo lãi suất quỹ liên bang lên cao hơn cho phù hợp hay không, dù quá trình đó có nguy cơ làm gia tăng bất ổn tài chính?.
Kim chỉ nam của Fed là R - lãi suất ngắn hạn được điều chỉnh cho lạm phát, không kích thích cũng không kìm hãm tăng trưởng (hay lãi suất trung tính). Nếu Fed muốn giảm tốc tăng trưởng để chống lạm phát thì các quan chức cần kéo lãi suất lên vượt quá mức này. Còn trong giai đoạn suy thoái, ngân hàng trung ương Mỹ hạ lãi suất xuống dưới R để khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng vay tiền và chi tiêu. Sự không chắc chắn bao quanh Fed đang làm tăng rủi ro cơ quan này mắc phải sai lầm chính sách.
Nếu các quan chức tăng lãi suất thêm nhiều hơn nữa mà mức lãi suất trung tính lại chưa đi lên thì họ có nguy cơ kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc suy thoái kinh tế. Nhưng nếu R quả thực đã tăng và họ không phản ứng đúng mức thì Mỹ sẽ mắc kẹt trong môi trường lạm phát cao.
Các nhà kinh tế từng theo dõi sát sao hai ước tính về lãi suất trung tính do ông John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, và các đồng nghiệp phát triển. Song, hai thước đó này đã bị tạm ngừng vào tháng 11/2020 vì sự phức tạp của đại dịch. Khi đó, họ ước đoán lãi suất trung tính sau khi điều chỉnh cho lạm phát ở mức chưa đến 0,5%. Dựa trên kỳ vọng của nhà đầu tư là lạm phát trung bình tại Mỹ trong hai năm tới sẽ đạt 2,8%, lãi suất danh nghĩa sẽ vào khoảng 3,25%. Nếu vậy, phạm vi lãi suất mục tiêu 4,5-4,75% hiện nay của Fed chắc chắn là đang kìm hãm nền kinh tế.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng lãi suất trung tính đã bị đẩy lên 1 điểm % hoặc hơn do các thay đổi trong nền Kinh tế cùng các chính sách gây ra bởi đại dịch cũng như chiến sự Nga-Ukraine, bao gồm sự gia tăng của thâm hụt ngân sách và gánh nặng nợ công.
Nếu nhận định của những nhà phân tích này là đúng thì phạm vi lãi suất mục tiêu hiện nay của Fed hầu như không gây cản trở gì cho nền kinh tế. Quan điểm trên càng có sức thuyết phục khi nền kinh tế Mỹ chứng tỏ được sức bền sau các đợt tăng lãi suất nhanh chóng của Fed.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899