Ngân hàng nhỏ bắt đầu gặp khó

06/08/2019, 08:26

TCDN - Bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhóm các ngân hàng có quy mô vốn nhỏ ngày càng gặp khó do các quy định dần chặt chẽ hơn về vốn, về công nghệ cũng như khả năng tiếp cận khách hàng, đặc biệt là mảng bán lẻ.

Saigonbank do đang trong giai đoạn tập trung tái cơ cấu và xử lý nợ xấu nên hoạt động kinh doanh thời gian qua giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Saigonbank do đang trong giai đoạn tập trung tái cơ cấu và xử lý nợ xấu nên hoạt động kinh doanh thời gian qua giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Mùa công bố kết quả kinh doanh (KQKD) bán niên năm 2019 đã đi qua được nửa chặng đường. Tính đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 17 ngân hàng công bố báo cáo tài chính chính thức hoặc công bố KQKD qua buổi sơ kết hoạt động sáu tháng.

Trong số này, hầu hết các ngân hàng lớn vẫn tiếp tục báo lãi ngày càng lớn, thậm chí nhiều ngân hàng ghi nhận KQKD kỷ lục trong sáu tháng đầu năm nay, điển hình như Vietcombank, Techcombank, MB, ACB... Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhóm các ngân hàng nhỏ lại có KQKD không khả quan như nhóm ngân hàng lớn. Đến thời điểm này mới chỉ có VietBank, NCB công bố kết quả lợi nhuận tốt hơn, trong khi Kienlongbank và BacABank đạt tương đương cùng kỳ, còn Saigonbank, PGBank, Viet Capital Bank... đều chứng kiến sự sụt giảm.

Ở nhóm ngân hàng nhỏ có KQKD sụt giảm, Viet Captial Bank có tăng trưởng tổng tài sản và huy động vốn ở mức khá khiếm tốn (lần lượt chỉ tăng 1,1% và 2,3% so với đầu năm). Lũy kế sáu tháng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ đạt 48 tỉ đồng, thấp hơn 17,7% so với cùng kỳ.

Thu nhập lãi thuần của Viet Capital Bank tương đương cùng kỳ năm trước nhưng các mảng còn lại như kinh doanh ngoại hối, chứng khoán, đầu tư đều sụt giảm. Viet Capital Bank không công bố chi tiết báo cáo quí 2 nên không rõ chất lượng tín dụng hiện nay ra sao. Trước đó, trong quí 1, báo cáo tài chính cũng che đi phần thuyết minh. Tại thời điểm cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 2,06%.

Saigonbank do đang trong giai đoạn tập trung tái cơ cấu và xử lý nợ xấu nên hoạt động kinh doanh thời gian qua giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Trong sáu tháng, ngân hàng này ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 316 tỉ đồng, giảm 3,2% so với cùng kỳ; các hoạt động kinh doanh khác cũng giảm, cộng chi phí hoạt động gia tăng 3% khiến lợi nhuận thuần ở mức 132,6 tỉ đồng, giảm 30%. Tính đến hết ngày 30-6-2019, tổng tài sản và dư nợ cho vay của Saigonbank lần lượt tăng 4,5% và 3,73%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,25%.

PGBank - ngân hàng đang trong giai đoạn chờ sáp nhập HDBank - cũng đã công bố báo cáo tài chính, ghi nhận lợi nhuận trước thuế quí 2 chỉ đạt 8 tỉ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ và lũy kế sáu tháng đầu năm 2019 đạt 94 tỉ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ.

Phần lớn các mảng kinh doanh của PGBank đều kém khả quan hơn trong sáu tháng qua. Trong đó, thu nhập lãi thuần giảm nhẹ 1%, đạt 430 tỉ đồng; lãi từ dịch vụ giảm 19%, xuống còn 16 tỉ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng giảm 8%, xuống mức 26 tỉ đồng. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của PGBank tăng từ 2,96% lên 3,06%.

Ở nhóm ngân hàng nhỏ có KQKD đi ngang, Kienlongbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hai quí đầu năm 2019 ở mức hơn 148 tỉ đồng, chỉ tương đương cùng kỳ năm trước, trong đó riêng quí 2 giảm nhẹ 4,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân khiến lợi nhuận không có sự bứt phá là chi phí hoạt động tăng mạnh, mặc dù thu nhập từ hoạt động của ngân hàng này có cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,15% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng, với số tuyệt đối là 357 tỉ đồng.

Còn BacABank thì công bố báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận trước thuế sáu tháng đầu năm đạt 436 tỉ đồng, chỉ nhỉnh hơn 2 tỉ so với mức đạt được cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần của BacABank có tăng trưởng nhưng không ấn tượng với mức tăng 5,7%, đạt 943 tỉ đồng. Điểm sáng lớn nhất của ngân hàng này là lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 54 tỉ đồng, tăng 80%.

Ở nhóm ngân hàng nhỏ có KQKD khởi sắc, VietBank ghi nhận sự tăng trưởng tốt về lợi nhuận khi sáu tháng đầu năm nay đạt 250 tỉ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Lợi nhuận tăng không chỉ nhờ một số hoạt động tích cực mà còn nhờ giảm trích lập dự phòng tới 84% (xuống còn 21,5 tỉ đồng) so với cùng kỳ. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này đạt 590 tỉ đồng, tăng 8,9%.

Hoạt động dịch vụ có lãi gần 13 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động khác tăng hơn 4,5 lần và đạt 59 tỉ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán kém khả quan hơn, lần lượt có lãi 8 tỉ đồng và 51 tỉ đồng, giảm 32% và 66% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Ngân hàng Quốc dân (NCB) có lợi nhuận trước thuế đạt 7,2 tỉ đồng riêng trong quí 2, tăng hơn ba lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức lãi này có được chủ yếu nhờ chi phí dự phòng giảm mạnh 42%, còn hầu hết các mảng kinh doanh đều có kết quả đi xuống. Lũy kế sáu tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của NCB đạt 463 tỉ đồng, giảm 22,7% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động giảm 21%, chi phí dự phòng giảm 42%. Theo đó, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 21 tỉ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Cuối tháng 6, tổng tài sản của NCB là 70.696 tỉ đồng, giảm 2,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 1,6% đạt 35.846 tỉ đồng.

Như vậy, bức tranh chung của những ngân hàng nhỏ đã công bố KQKD sáu tháng đầu năm 2019 là sụt giảm nhiều hơn khởi sắc. Ngay cả trong nhóm các ngân hàng có KQKD tăng trưởng so với cùng kỳ thì đóng góp phần lớn cũng là sự sụt giảm của chi phí dự phòng chứ không phải tăng trưởng về thu nhập lãi thuần.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhóm các ngân hàng có quy mô vốn nhỏ ngày càng gặp khó do các quy định dần chặt chẽ hơn về vốn, về công nghệ cũng như khả năng tiếp cận khách hàng, đặc biệt là mảng bán lẻ. Trên cơ sở đó, sự phân hóa về lợi nhuận trong ngành ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, mà thách thức phần nhiều thuộc về nhóm ngân hàng nhỏ.

Theo TheSaiGontimes
Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng nhỏ bắt đầu gặp khó tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Nhân dân tệ rớt giá mạnh, tỷ giá USD/VND sẽ biến động ra sao?
"Áp lực quốc tế bất ngờ gia tăng và sự mất giá mạnh của đồng Nhân dân tệ hiện tại sẽ tạo áp lực nhất định lên VND. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng với nhiều dư địa chính sách tiền tệ cùng nguồn dự trữ và nguồn cung ngoại tệ trong nước", SSI nhận định.