Ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng xanh và thực hiện cho vay trên môi trường mạng

20/03/2023, 11:21

TCDN - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị nêu rõ ưu tiên cấp tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên, trong đó có tín dụng xanh. Đồng thời chỉ đạo việc cho vay trên môi trường điện tử.

Dẫn chứng tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, Việt Nam dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, trong đó ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong tăng trưởng xanh nguồn đầu tư tư nhân mới đóng vai trò quyết định.

Do đó, theo ông Tuấn các cơ quan nhà nước cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy các chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các công cụ tài chính xanh như tín chỉ các-bon, trái phiếu xanh, thị trường mua bán các-bon…

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cam kết trong thời gian tới tiếp tục xử lý các vấn đề liên quan trực tiếp đến ngành ngân hàng.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cam kết trong thời gian tới tiếp tục xử lý các vấn đề liên quan trực tiếp đến ngành ngân hàng.

Trong khi đó, bà Michele We, Trưởng Nhóm công tác ngân hàng cho rằng, đối với kế hoạch chuyển đổi số và cam kết bền vững của Việt Nam, sẽ cần đến định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và chương trình chuyển đổi số quốc gia; sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng và các cam kết tài trợ tài chính bền vững; xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội với các nội dung môi trường xanh được lồng ghép trong quy trình thẩm định tín dụng và quy trình - sổ tay quản lý/kiểm soát rủi ro ESG; huy động vốn và nguồn lực cho phát triển bền vững tại Việt Nam.

Để thực hiện những mục tiêu này, Nhóm công tác Ngân hàng khuyến nghị Việt Nam cần lộ trình nhanh chóng để áp dụng năng lượng xanh và khuôn khổ tài chính xanh phù hợp cho các dự án có khả năng vay vốn ngân hàng như: phát triển các công cụ tài chính chuyển tiếp, chuẩn bị cho báo cáo môi trường – quản trị - xã hội (ESG); bắt đầu chuyển đổi danh mục đầu tư, các yếu tố trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng mong muốn Chính phủ thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính, hỗ trợ tài trợ chuyển đổi với một số khuyến nghị như hướng dẫn chi tiết hơn về định nghĩa xanh, tiêu chí đánh giá - tiêu chuẩn báo cáo, phát triển thị trường trái phiếu xanh; đòn bẩy về tài chính hỗn hợp. Điều này có nghĩa là Quy hoạch Điện VIII cần cung cấp lộ trình rõ ràng của các dự án, một chính sách cụ thể về đảm bảo tỷ giá hối đoái, khả năng tài trợ năng lượng nhiều hơn đáng kể và Hợp đồng mua bán điện đạt tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng.

Theo ông Phạm Tiến Dũngngành ngân hàng là ngành đầu tiên ban hành Thông tư về eKYC, về xác thực điện tử. Đây là chìa khóa để thực hiện chuyển đổi số và thực hiện ngân hàng số.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành xong Thông tư về bảo lãnh điện tử và sắp tới đây, Thống đốc cũng chỉ đạo việc cho vay trên môi trường điện tử mà các ngân hàng khá quan tâm. Chúng tôi đang phối hợp với các bộ ngành xử lý vấn đề giao dịch điện tử, chữ ký điện tử cho hoạt động ngân hàng và hy vọng sẽ thu được kết quả tích cực đáp ứng được các yêu cầu của hệ thống ngân hàng. Chúng ta biết rằng, nhiều ngân hàng hiện nay đã đưa được trên 90% giao dịch hoạt động trên nền tảng số.

Liên quan đến tín dụng xanh, theo ông Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị nêu rõ tập trung xây dựng cơ sở pháp lý để phát triển tín dụng xanh, xây dựng kế hoạch hành động của ngành ngân hàng để triển khai Chiến lược quốc gia về tín dụng xanh. Trong đó ưu tiên tập trung vào việc phối hợp với các tổ chức quốc tế để huy động các nguồn vốn quốc tế phục vụ phát triển tín dụng xanh.

Đối với vấn đề chính sách tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có chỉ thị ưu tiên cấp tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên, trong đó có tín dụng xanh. Theo chỉ đạo của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng tốt nhất về vốn ngân hàng cho các hoạt động phát triển kinh tế.

Đấy là các vấn đề lớn, còn các vấn đề các ngân hàng và nhóm ngân hàng quan tâm thì chúng tôi cam kết trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xử lý các vấn đề liên quan trực tiếp đến ngành ngân hàng và phối hợp với các bộ ngành xử lý các vấn đề liên quan. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng, nhóm công tác ngân hàng thường xuyên làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Khoa học công nghệ của Quốc hội để bàn bạc trao đổi về hợp đồng điện tử. Đây là vấn đề tác động khá lớn đến ngân hàng.

Hà Giang
Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng xanh và thực hiện cho vay trên môi trường mạng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chính sách tín dụng xanh mang lại cơ hội phát triển bền vững
Kiên định mục tiêu “Vì con người”, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) luôn giữ vững sứ mệnh tư vấn và phục vụ cho một thế hệ các doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo ra giá trị cốt lõi, mang lại giá trị đích thực cho cộng đồng và thân thiện với môi trường.