Ngành hải quan: Gỡ vướng quy chuẩn quốc gia đối với phế liệu nhập khẩu

04/12/2018, 04:06

TCDN - Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và 09/2018/TT-BTNMT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu sắt, thép, nhựa, giấy, thủy tinh, kim loại màu và xỉ hạt nhỏ sẽ có hiệu lực từ 1/11/2018.

Đánh giá những vấn đề sẽ phát sinh khi thực hiện hai Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, trong thời gian qua vẫn còn tình trạng danh sách các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận/ Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu (bao gồm cả Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận và thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu do các Sở Tài nguyên và Môi trường cấp) chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cổng thông tin một cửa quốc gia và gửi cho Tổng cục Hải quan. Đây là cơ sở để cơ quan đối chiếu khi làm thủ tục hải quan, tránh trường hợp doanh nghiệp sửa chữa, làm giả chứng từ.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Vụ Quản lý chất thải cho biết, danh sách tổ chức, cá nhân được cấp Giấy xác nhận do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng thời nhiều giấy xác nhận do các Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã được đăng tải, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xem xét yêu cầu các đơn vị địa phương cập nhật.

Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho rằng, ngay cơ quan chủ quản còn chưa cập nhật được đầy đủ danh sách do các Sở Tài nguyên và Môi trường cấp thì cơ quan Hải quan sẽ khó thực hiện thủ tục khi không có cơ sở dữ liệu để đối chiếu. Để gỡ vướng, Tổng cục Hải quan thống nhất, nếu từ ngày 29/10, trường hợp doanh nghiệp làm thủ tục đối với phế liệu nhập khẩu những chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin kịp thời lên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cơ quan Hải quan sẽ không cho phép dỡ hàng xuống cảng.

Trước đó, Tổng cục Hải quan đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phải sớm có văn bản chí́nh thức trả lời Tổng cục Hải quan về những vướng mắc tại Thông tư 08/2018/TT-BTNMT, Thông tư 09/2018/TT-BTNMT. Cụ thể, hai Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT bãi bỏ Điều 10 Thông tư 41/2015/TT-BTNMT liên quan đến hồ sơ khi làm thủ tục hải quan. Theo quy định mới doanh nghiệp không phải nộp cho cơ quan Hải quan một loạt chứng từ như: Bản giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu; văn bản thông báo về lô hàng nhập khẩu; giấy xác nhận ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập do Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc ngân hàng thương mại nơi tổ chức, cá nhân ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu cấp; Văn bản chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu của tổ chức chứng nhận phù hợp có tên trong danh sách đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định.

Tuy nhiên, nếu thực hiện theo Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và 09/2018/TT-BTNMT gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chí́nh phủ. Tại Chỉ thị 27/CT-TTg yêu cầu Bộ Tài chí́nh chỉ đạo Tổng cục Hải quan áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam; hướng dẫn các hãng tàu/ đại lý hãng tàu khi khai thông tin e-Manifest trước khi tàu cập cảng phải khai đầy đủ thông tin cụ thể về chủ hàng tại Việt Nam đối với phế liệu nhập khẩu… Vì vậy, trong trường hợp cơ quan Hải quan không có chứng từ này rất khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, trong Thông tư cũng quy định cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu đối với phế liệu nhập khẩu là Sở Tài nguyên và Môi trường. Tổ chức giám định được chỉ định là tổ chức đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giám định theo quy định và thuộc danh sách các tổ chức giám định được chỉ định thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước đây, theo Thông tư 41/2015/TT-BTNMT, tổ chức chứng nhận sự phù hợp sẽ ban hành thông báo phế liệu đạt tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trên cơ sở đó cơ quan Hải quan sẽ thực hiện việc thông quan.

Với quy định mới thực hiện theo Luật Chất lượng sản phẩn hàng hóa và Nghị định 74/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2008/ NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số Điều Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa) thì sau khi có kết quả kiểm tra của các tổ chức chứng nhận sự phù hợp thì sẽ gửi về các Sở Tài nguyên và Môi trường nơi doanh nghiệp có cơ sở sản xuất, trên cơ sở đó sẽ ban hành thông báo về phế liệu nhập khẩu đạt tiêu chuẩn quy chuẩn về kỹ thuật quốc gia làm cơ sở cho việc thông quan.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng quy định Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có các hoạt động theo dõi quản lý chủng loại phế liệu trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến kiểm tra dẫn đến khó khăn. Bởi theo Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập (Quyết định 15/2017/ QĐ-TTg) thì phế liệu nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, nhưng cơ quan kiểm tra lại là Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố nơi có cơ sở xử lý phế liệu dẫn đến việc phối hợp trong kiểm tra khó khăn, kéo dài thời gian kiểm tra, ảnh hưởng việc thực hiện thủ tục hải quan của cơ quan Hải quan.

Để kịp thời gỡ những vướng mắc trên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có đầu mối phối hợp để tiếp nhận, xử lý các vấn đề liên quan đến việc thực hiện hai Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT trong những ngày đầu triển khai. Các đơn vị Vụ, Cục của Tổng

cục khẩn trương hoàn thiện văn bản hướng dẫn doanh nghiệp, hàng tàu khai báo emanifest thống nhất; hướng dẫn hải quan địa phương xử lý trong trường hợp khai báo không đúng quy định.

Đồng thời, hoàn thiện phần mềm quản lý, trừ lùi số lượng phế liệu nhập khẩu nhằm quản lý lượng phế liệu hạ bãi xuống cảng; quản lý số lượng phế liệu doanh nghiệp khai báo nhập khẩu… để đưa vào áp dụng trong toàn ngành.

--------------------

Tổng cục Hải quan đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13

Tổng cục Hải quan vừa tổ chức họp báo về việc đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) lần thứ 13.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Hải quan cho biết, thực hiện nghĩa vụ thành viên trong khuôn khổ ASEM, Việt Nam sẽ chủ trì đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13 dự kiến vào tháng 10/2019. Hội nghị gồm 53 nước thành viên với gần 200 đại biểu tham dự.

Diễn đàn ASEM đối thoại trên 3 trụ cột nòng cốt gồm chí́nh trị, an ninh-kinh tế, văn hóa xã hội và hợp tác hải quan trong diễn đàn ASEM nằm trong tiến trình đối thoại an ninh - kinh tế với ưu tiên chí́nh là bổ sung và tăng cường thực hiện hệ thống thương mại đa phương trong WTO. Cơ chế làm việc trong diễn đàn hải quan ASEM bao gồm nhóm công tác về hải quan họp thường niên và Hội nghị Tổng cục trưởng hải quan được tổ chức 2 năm một lần.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, trong giai đoạn 2018 - 2019, kế hoạch hành động hải quan ASEM tập trung vào các biện pháp và định hướng hợp tác theo những lĩnh vực ưu tiên đó là: Tạo thuận lợi thương mại và thủ tục hải quan; tạo thuận lợi đối với các quy trình thủ tục hải quan không giấy tờ; quản lý hải quan đối với thương mại điện tử qua biên giới; kết nối và quá cảnh; cơ chế một cửa để thông quan nhanh, quản lý rủi ro tự động và tí́ch hợp; đấu tranh chống hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí́ tuệ; thực thi quản lý biên giới đối với các bưu kiện quốc tế; tầm nhìn về triển vọng ASEM. Việc triển khai thực hiện các nội dung trong kế hoạch hành động này được thực hiện chủ yếu dựa trên việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và khuyến nghị thực thi với sự hỗ trợ của các thành viên là điều phối.

Nối tiếp kế hoạch hành động hải quan ASEM 2018 - 2019, với vai trò là nước chủ trì Hội nghị, Hải quan Việt Nam dự kiến đề xuất một số nội dung ưu tiên để đưa vào chương trình hành động hải quan ASEM 2019 - 2020 gồm: ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc tăng cường tí́ch hợp, kết nối các hệ thống công nghệ thông tin nhằm phục vụ công tác quản lý hải quan hiệu quả; thúc đẩy quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp; bảo vệ môi trường, xã hội, an ninh và tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng.
Trang Nhung/ Tạp chí TCDN Tháng 11.2018
Bạn đang đọc bài viết Ngành hải quan: Gỡ vướng quy chuẩn quốc gia đối với phế liệu nhập khẩu tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận