Nghiên cứu chính sách ưu đãi mới cho nhà đầu tư khi triển khai thuế toàn cầu

21/02/2024, 13:43
báo nói -

TCDN - Khi thực hiện thuế toàn cầu, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những chính sách hỗ trợ đầu tư mới, thay thế cho các ưu đãi thuế không còn hiệu quả trên thực tế, để các nhà đầu tư có thể yên tâm về môi trường đầu tư tại Việt Nam và thu hút được các nhà đầu tư lớn…

Ước tính thu được khoảng 14.600 tỷ đồng thuế bổ sung

Nghị quyết số 107/2023/QH15 áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu được Quốc hội ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.

Nghị quyết quyết nghị, đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu euro (EUR) trở lên, trừ các trường hợp sau đây: Tổ chức của chính phủ; Tổ chức quốc tế; Tổ chức phi lợi nhuận; Quỹ hưu trí; Quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao; Tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao; Tổ chức có ít nhất 85% giá trị tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức quy định từ điểm a đến điểm e khoản này.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tại Nghị quyết có quy định 2 nội dung về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung: Quy định bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) áp dụng cho đơn vị hợp thành hoặc tập hợp các đơn vị hợp thành của Tập đoàn đa quốc gia nêu trên, có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong năm tài chính.

Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) áp dụng cho công ty mẹ tối cao, công ty mẹ bị sở hữu một phần, công ty mẹ trung gian tại Việt Nam là đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia nêu trên, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp quyền sở hữu đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp tại nước ngoài theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu tại bất kỳ thời điểm nào trong năm tài chính.

Thuế suất tối thiểu được quy định tại Nghị quyết là 15%.

Theo quy định tại Nghị quyết, người nộp thuế phải kê khai: Tờ khai thông tin theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu; Tờ khai thuế TNDN bổ sung kèm theo Bản thuyết minh giải trình chênh lệch do khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán tài chính.

Thời hạn nộp Tờ khai và nộp thuế: Đối với quy định về thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính.

Đối với quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) là 18 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính đối với năm đầu tiên tập đoàn thuộc đối tượng áp dụng; là 15 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính đối với các năm tiếp theo.

Theo số liệu quyết toán thuế TNDN năm 2022, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) tính toán sơ bộ có khoảng 122 Tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của QDMTT và số thuế bổ sung ước tính thu được khoảng 14.600 tỷ đồng.

Cũng theo tính toán sơ bộ dựa trên số liệu quyết toán thuế TNDN năm 2022, nếu Việt Nam áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) thì sẽ có 6 Tập đoàn của Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng và số thuế TNDN bổ sung Việt Nam có thể thu được dự kiến khoảng gần 73 tỷ đồng (trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng QDMTT).

Sớm ban hành Nghị định của Chính phủ

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, Tổng cục Thuế là đơn vị được giao chủ trì trình các cấp có thẩm quyền Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 107/2023/QH15, dự kiến Nghị định sẽ sớm trình Chính phủ ban hành.

Ngoài ra, trong thời gian tới, khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực thi hành, Chính phủ sẽ triển khai đánh giá một cách tổng thể hệ thống chính sách ưu đãi thuế hiện hành và xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cùng phương án điều chỉnh hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế một cách phù hợp.

Đồng thời Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những chính sách hỗ trợ đầu tư mới, thay thế cho các ưu đãi thuế không còn hiệu quả trên thực tế, để các nhà đầu tư có thể yên tâm về môi trường đầu tư tại Việt Nam và thu hút được các nhà đầu tư lớn, chiến lược, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, từ đó góp phần đạt mục tiêu tăng thu ngân sách bền vững.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã làm việc với các tổ chức quốc tế (WB, IMF...) và cơ quan thuế các nước, đề xuất các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, khảo sát trong năm 2024 để học hỏi những kinh nghiệm, thông lệ quốc tế tốt trong quản lý thuế nhằm đào tạo, nâng cao năng lực cho công chức thuế, ứng dụng các thông lệ tốt quốc tế trong đánh giá hiệu quả của cơ quan thuế, hướng tới mục tiêu xây dựng cơ quan thuế hiện đại, hiệu lực, minh bạch.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, Nghị quyết nêu rõ, thời hạn nộp thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn chậm nhất là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính. Theo đó, doanh nghiệp thực hiện quyết toán thuế 12 tháng của năm 2024. Thời gian quyết toán chậm nhất là quý 1 của năm 2025, tức là doanh nghiệp có thêm 3 tháng, tổng là 15 tháng. Như vậy, quy định bắt đầu thực hiện là năm 2024, nhưng thời gian quyết toán thuế là đầu năm 2025.

Để đảm bảo tính thực thi cao, Bộ Tài chính, cơ quan thuế cần thành lập bộ phận hỗ trợ thường xuyên, thậm chí trực tuyến để giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ngoài các vấn đề liên quan đến thuế, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho doanh nghiệp để bù đắp lại một phần cho doanh nghiệp thông qua các giải pháp như tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ cho sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công…, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Tháng 6/2013, OECD đã khởi xướng và được nguyên thủ các quốc gia G20 thông qua sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (Base Erosion and Profit Shifting - BEPS).

Ngày 9/7/2021, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thống nhất về nguyên tắc Giải pháp Hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế.

Ngày 8/10/2021, OECD đưa ra tuyên bố Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số. Đến nay, Khung giải pháp Hai trụ cột đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên Diễn đàn hợp tác toàn cầu về BEPS (IF).

Các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, tương tự như Việt Nam đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó có việc áp dụng quy định bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) để tránh việc nộp thuế bổ sung đối với phần thu nhập của công ty thành viên có thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu về các nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính, đồng thời cũng nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút các nhà đầu tư mới. 

Theo hướng dẫn của OECD về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, thuế tối thiểu toàn cầu có bản chất là thuế TNDN bổ sung và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp. Ngày 29/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu chính sách ưu đãi mới cho nhà đầu tư khi triển khai thuế toàn cầu tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn để bù đắp một phần cho doanh nghiệp
Để đảm bảo việc áp dụng thuế toàn cầu từ năm 2024 đạt hiệu quả cao, ngoài tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn để bù đắp lại một phần cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cơ quan thuế cần thành lập bộ phận hỗ trợ thường xuyên, thậm chí trực tuyến để giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Dự kiến ban hành Nghị định về thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 1/2024
Làm việc với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính xây dựng Nghị định để thực hiện Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, dự kiện sẽ ban hành vào đầu tháng 1/2024.