Nguyên tắc quản lý nợ của DATC
TCDN - Quản lý nợ là nội dung quan trọng trong Quy chế tài chính của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) được Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư số 62/2021/TT-BTC.
Theo đó, DATC có nhiệm vụ xây dựng và ban hành Quy chế quản lý nợ theo quy định hiện hành (bao gồm nợ phải thu trong đó gồm cả các khoản nợ mua, nợ tiếp nhận; nợ phải trả); phân công và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản nợ; đối chiếu xác nhận, phân loại nợ, đôn đốc thu hồi và chủ động xử lý nợ theo quy định tại Quy chế này và các quy định có liên quan.
Mở sổ theo dõi, hạch toán, thanh toán các khoản nợ theo từng đối tượng nợ; nợ phải thu, nợ phải trả (gồm cả các khoản lãi phải thu, phải trả) thường xuyên phân loại các khoản nợ theo tuổi nợ (nợ chưa đến hạn thanh toán, nợ đến hạn thanh toán, nợ đã quá hạn thanh toán, nợ khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi); theo tính chất khoản nợ (nợ dài hạn, nợ ngắn hạn, nợ vay ưu đãi, vay thương mại, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ, bao gồm cả các khoản nợ phải thu, phải trả phát sinh theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
Đối với các khoản nợ phải thu, phải trả có gốc ngoại tệ, DATC phải mở sổ theo dõi nguyên tệ (bao gồm cả gốc và lãi), quy đổi ra đồng Việt Nam (VNĐ), đánh giá lại và xử lý chênh lệch tỷ giá theo quy định.
Đối với nợ mua, tiếp nhận theo chỉ định, nợ phát sinh khi thực hiện nhiệm vụ theo chỉ định, DATC có trách nhiệm xây dựng phương án đảm bảo phù hợp với ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; theo dõi, hạch toán riêng làm cơ sở để đánh giá, xác định kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, phát sinh nợ quá hạn thanh toán, nợ không có khả năng thu hồi DATC có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nợ phải thu (không bao gồm nợ phải thu phát sinh khi thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) không có khả năng thu hồi, DATC phải xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan. Đối với nguyên nhân chủ quan, DATC có trách nhiệm xử lý bồi thường của cá nhân, tập thể có liên quan. Đối với nguyên nhân khách quan, Hội đồng thành viên, Ban điều hành và các phòng ban có liên quan phải xác định rõ nguyên nhân và có biên bản xác nhận; nếu xác định các khoản nợ này có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì được bù đắp bằng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi, phần còn thiếu thì hạch toán vào chi phí kinh doanh của Công ty.
Nợ không có khả năng thu hồi sau khi đã xử lý theo quy định, DATC vẫn phải theo dõi ngoài Báo cáo tình hình tài chính và trong thuyết minh báo cáo tài chính trong thời hạn tối thiểu là 10 năm kể từ ngày thực hiện xử lý và có các biện pháp để thu hồi nợ. Trường hợp thu hồi được nợ thì số tiền thu hồi được sau khi trừ đi các chi phí liên quan, DATC hạch toán vào thu nhập khác.
Bên cạnh đó, DATC sẽ phải xây dựng kế hoạch trả nợ, cân đối dòng tiền đảm bảo trả nợ; thanh toán các khoản nợ phải trả theo đúng thời hạn đã cam kết; quản lý và điều hành bảo đảm khả năng thanh toán các khoản nợ (không bao gồm nợ phải trả phát sinh khi thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền); có trách nhiệm phát hiện sớm tình hình khó khăn trong thanh toán nợ để có giải pháp khắc phục kịp thời không để phát sinh các khoản nợ quá hạn; trường hợp không xử lý kịp thời để phát sinh tình trạng nợ phải trả quá hạn không thanh toán trên 06 tháng, căn cứ vào hậu quả của việc không xử lý kịp thời, chủ sở hữu quyết định hình thức kỷ luật theo quy định; Trường hợp không xử lý kịp thời dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ thì phải chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước pháp luật.
Khi DATC không có khả năng thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả phát sinh từ hoạt động kinh doanh thì Tổng Giám đốc phải báo cáo Hội đồng thành viên tìm biện pháp khắc phục khó khăn về tài chính và thông báo tình hình tài chính của DATC cho tất cả chủ nợ biết. Trong trường hợp này, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc DATC không được quyết định tăng tiền lương, không được trích lợi nhuận và chi tiền thưởng cho cán bộ quản lý và người lao động của DATC. Riêng đối với các khoản nợ phải trả phát sinh khi DATC thực hiện nhiệm vụ theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, DATC có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền trong trường hợp không đảm bảo khả năng thanh toán nợ đến hạn để Bộ Tài chính, Chính phủ xem xét, có biện pháp xử lý.
Đáng chú ý, DATC được phép loại trừ các khoản nợ phải thu, phải trả khi thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền để đánh giá, giám sát đầu tư vốn Nhà nước, giám sát tình hình tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DATC.
Theo Quy chế tài chính mới, DATC thực hiện xử lý các khoản nợ phải thu phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật về quản lý nợ đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Hình thức, biện pháp xử lý nợ: tổ chức đôn đốc, thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm nợ (nếu có) để thu hồi; Xử lý thông qua các hình thức khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ; Bán các khoản nợ phải thu theo quy định của pháp luật, gồm cả nợ phải thu đã quá hạn thanh toán, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được để thu hồi vốn trên nguyên tắc trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định, không được bán nợ trực tiếp cho Bên nợ. Giá bán các khoản nợ do các bên tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm về quyết định bán khoản nợ.
Đặc biệt, trường hợp bán nợ mà dẫn tới Công ty bị thua lỗ, mất vốn, hoặc mất khả năng thanh toán dẫn đến tình trạng Công ty phải giải thể, phá sản thì Hội đồng thành viên phải làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để bồi thường theo quy định của pháp luật, Điều lệ của Công ty và Quy chế này.
Đối với xóa nợ, Quy chế tài chính nêu rõ, đối với tổ chức kinh tế bên nợ đã hoàn thành việc giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản doanh nghiệp: Quyết định của người có thẩm quyền về việc giải thể đối với doanh nghiệp Bên nợ hoặc Quyết định của Tòa án tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo Luật Phá sản. Trường hợp giải thể thì có thông báo của đơn vị hoặc xác nhận của cơ quan quyết định thành lập đơn vị, tổ chức hoặc tổ chức đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc doanh nghiệp, tổ chức đã giải thể.
Khi Bên nợ là doanh nghiệp, tổ chức đã ngừng hoạt động và không có khả năng chi trả, không có người kế thừa nghĩa vụ trả nợ: có xác nhận của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc tổ chức đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan thuế về việc doanh nghiệp, tổ chức đã ngừng hoạt động không có khả năng thanh toán.
Đối với cá nhân phải có một trong các tài liệu sau: Giấy chứng tử (bản sao) hoặc xác nhận của chính quyền địa phương đối với khách nợ đã chết, mất tích nhưng không có tài sản thừa kế để trả nợ. Giấy xác nhận của chính quyền địa phương đối với khách nợ còn sống nhưng không có khả năng lao động hoặc người được hưởng thừa kế nhưng không có khả năng trả nợ. Lệnh truy nã hoặc xác nhận của cơ quan pháp luật đối với khách nợ mất năng lực hành vi dân sự: đã bỏ trốn hoặc đang bị truy tố, đang thi hành án phạt tù.
Tuấn Kiệt
email: [email protected], hotline: 086 508 6899