Nhà đất phục vụ hoạt động đối ngoại: Quy định pháp lý tài chính còn "lỏng"

13/01/2021, 09:13

TCDN - Những quy định pháp lý tài chính đối với các cơ sở nhà đất phục vụ hoạt động đối ngoại nhưng lại liên doanh, liên kết cho thuê hiện còn khá lỏng lẻo có thể là nguyên nhân gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Theo báo cáo của Bộ ngoại giao (Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn), hiện Bộ đang được giao quản lý 114 cơ sở nhà, đất trên địa bàn thành phố Hà Nội; trong đó có 1 cơ sở nhà, đất sử dụng làm trụ sở làm việc của Cục Phục vụ; 113 cơ sở nhà, đất còn lại (gồm 121 biệt thự và 440 căn hộ cao tầng tại các khu Đoàn ngoại giao) để phục vụ hoạt động đối ngoại của nhà nước.

Nhà, đất phục vụ đối ngoại theo hình thức hỗ tương và hình thức giao sử dụng nhà, đất không phải trả tiền có 10 đơn vị sử dụng 29 biệt thực, 30 căn hộ, 01 khu nhà, 11 gara, 01 nhà kho. Diện tích đất: 40.263,03 m2; nhà: 23.861,74 m2; sân vườn: 29.241,20 m2.

Cụ thể, nhà, đất theo hình thức hỗ tương: 07 đơn vị sử dụng 28 biệt thự, 23 căn hộ, 09 gara. Diện tích đất: 34.269,67 m2; nhà: 19.040,38 m2; sân vườn: 24.748,20 m2. Nhà, đất theo hình thức không phải trả tiền: 03 đơn vị sử dụng 01 biệt thực, 01 khu nhà, đất , 07 căn hộ, 01 nhà kho, 02 gara. Diện tích đất: 5.993,36 m2; nhà: 4.669,06 m2, sân vườn: 4.493 m2.

Nhà, đất phục vụ đối ngoại theo hình thức cho thuê: gồm có biệt thự cho thuê (88 biệt thự; diện tích đất: 89.713,48 m2; nhà: 51.751,46 m2); căn hộ cho thuê (410 căn hộ, tổng diện tích: 43.039,18 m2).

Bộ Tài chính cho hay, tình hình thu chi tài chính của loại hình nhà đất phục vụ hoạt động đối ngoại theo Quyết định số 56/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, không đóng tiền thuê đất đối với cơ sở nhà, đất hỗ tương và miễn tiền thuê đất các cơ sở nhà, đất phục vụ nhiệm vụ nhà nước giao. Đối tượng không phải là cơ quan đại diện ngoại giao thuê: hiện nay đối tượng này chỉ thuê một, hai căn hộ hoặc một đơn nguyên làm văn phòng, giá cho thuê khoảng 8,5-9 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng/căn/tháng. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí, thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, hàng năm Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn trích lập các quỹ theo quy định đối với đơn vị sự nghiệp nhằm duy trì hoạt động của đơn vị.

Nhiều khu nhà đất phục vụ hoạt động đối ngoại đang được liên doanh, liên kết nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước. (Ảnh minh họa)

Nhiều khu nhà đất phục vụ hoạt động đối ngoại đang được liên doanh, liên kết nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhận định, hiện nay còn một số quy định tại Quyết định số 56/2014/QĐ-TTg đến nay đã phát sinh những bất cập, hạn chế cần phải sửa đổi như số tiền cho thuê nhà thu được sau khi trừ chi phí hợp lý, nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính được hạch toán quản lý, sử dụng theo chế độ quy định đối với đơn vị sự nghiệp. Nay, theo quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì phần trừ chi phí còn bao gồm: nguồn vốn vay, vốn huy động, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, chưa cập nhật nội dung quy định việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập theo pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công để phù hợp với quy định mới. Đồng thời, cần bổ sung nội dung báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại cần được sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công.

“Một số nội dung như quản lý số tiền thuê nhà thu được; sử dụng cơ sở nhà, đất cho thuê nhưng không thuộc nhiệm vụ Nhà nước giao. Bộ Tài chính thấy cần đánh giá lại để điều chỉnh, đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần xem xét bổ sung quy định về việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết theo quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản pháp hướng dẫn có liên quan”, tờ trình Bộ Tài chính nêu rõ.

Theo Dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng nhà đất phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, đơn vị sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại để góp vốn, liên doanh, liên kết phải lập đề án theo Mẫu số 02/TSC-ĐA ban hành kèm theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại xem xét. Thẩm quyền xem xét, phê duyệt đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.

Về quản lý nguồn thu, dự thảo quy định, đối với nguồn thu từ việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê phục vụ đối ngoại, sau khi chi trả các chi phí có liên quan, đơn vị quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm nộp ngân sách nhà nước.

Đối với các khoản thu từ liên doanh, liên kết được quản lý, sau khi chi trả các chi phí hợp lý có liên quan, trả nợ vốn vay, vốn huy động (nếu có), thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, phần được chia còn lại của đơn vị sự nghiệp công lập được quản lý, sử dụng theo quy định của Chính phủ về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

T. Phương
Bạn đang đọc bài viết Nhà đất phục vụ hoạt động đối ngoại: Quy định pháp lý tài chính còn "lỏng" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bài 3: Đưa phương án sắp xếp nhà đất vào điều kiện cổ phần hóa
Hiện Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP. Trong đó, nội dung được quan tâm nhất là phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất được đưa vào điều kiện cổ phần hóa.