Phải thanh tra đột xuất để giải quyết vấn đề "tham nhũng vặt"

12/01/2021, 20:00

TCDN - Thủ tướng Chính phủ cho rằng, vẫn còn tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Do đó, phải thanh tra đột xuất để giải quyết vấn đề tham nhũng vặt, xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng vặt.

Chiều nay, 12/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành thanh tra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, toàn ngành thanh tra, với 40.000 người có nhiều thành tích nổi trội, có sản phẩm cụ thể, đóng góp vào việc giữ gìn kỷ cương phép nước, tạo niềm tin cho nhân dân.

Tuy nhiên, một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, nhiều cuộc triển khai chậm so với kế hoạch. Kết quả đôn đốc, xử lý về thanh tra của các bộ, ngành, địa phương còn thấp. Một số vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Việc tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng các cấp, các ngành chưa thường xuyên.

Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng, vẫn còn tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tình trạng mới được ngăn chặn một bước. Do đó, phải thanh tra đột xuất để giải quyết vấn đề tham nhũng vặt. Thủ tướng đặt vấn đề lắp camera tại tất cả các điểm giải quyết công việc, xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng vặt và các chế tài khác mà Thanh tra Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng hoạt động thanh tra còn nhiều hạn chế. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Chính phủ cho rằng hoạt động thanh tra còn nhiều hạn chế. (Ảnh: VGP)

Năm 2021, Thủ tướng đề nghị ngành thanh tra tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2021 theo hướng bảo đảm trọng tâm, hiệu quả, nhất là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều dư luận xấu, chú ý thanh tra đột xuất.

Lựa chọn thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, những hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp. Không thanh tra chồng chéo để tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó cần tiếp tục triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, nhất là những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.

Tích cực hơn nữa trong phòng ngừa kết hợp chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ. Tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng chống tham nhũng...

Xây dựng tổ chức, đơn vị thanh tra tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Rà soát, hoàn thiện các bộ phận, cơ quan làm công tác tranh tra từ trung ương đến địa phương.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thanh tra, nhất là cấp cơ sở; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ngành thanh tra.

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2016-2020, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.199 cuộc thanh tra hành chính và 181.227 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 23.843 tỷ đồng và 830 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 2.123 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 90.193 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7.164 tỷ đồng.

Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng được tăng cường. Qua kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch tại 3.956 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã phát hiện 55 đơn vị có vi phạm; tiến hành 2.421 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 374 vụ việc với 482 người vi phạm, đã xử lý kỷ luật 36 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 74 tỷ đồng.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra, phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có vụ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, như vụ Mobifone mua cổ phần của AVG, việc cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn, các dự án, gói thầu liên quan đến Đinh Ngọc Hệ, Dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2…

Đã phát hiện và kiến nghị xử lý 454 vụ, 650 người có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Hiệu quả thu hồi tài sản có chuyển biến rõ rệt, trung bình đạt trên 73%, riêng năm 2019 đạt trên 98%.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Phải thanh tra đột xuất để giải quyết vấn đề "tham nhũng vặt" tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan