Nhiều doanh nghiệp sẽ trở lại khoác áo "nhà nước"?

23/03/2020, 15:24

TCDN - Theo dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đối tượng mà Nhà nước có sở hữu 75% trở lên được coi là doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Như vậy, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa sẽ trở lại khoác áo "nhà nước". Bởi theo quy định hiện nay doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mới được gọi là DNNN.

xang dau

Thực hiện Chương trình làm việc Phiên họp thứ 43, sáng ngày 23/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, liên quan đến DNNN cần làm rõ 4 nội dung. 

Về DNNN theo Điều 87a của dự thảo Luật, nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi khái niệm DNNN phải bám sát với quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương (Nghị quyết số 12). Theo đó, cần nghiên cứu thận trọng, có quy định phù hợp để tránh ảnh hưởng xấu đến quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc quy định DNNN gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước theo Nghị quyết số 12. Việc quy định tỷ lệ như dự thảo Luật quay trở lại quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 trước đây. Tại Báo cáo số 73/BC-CP, Chính phủ đề nghị tiếp tục bảo lưu nội dung đã trình.

Để bảo đảm tính khả thi của quy định trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ thêm một số nội dung sau:

Một là, quy định trên tác động thế nào đến hệ thống pháp luật hiện hành và hướng khắc phục nếu xảy ra chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật khi Luật này có hiệu lực. Việc sửa đổi khái niệm về DNNN cần dự kiến cụ thể các điều, khoản sửa đổi, bổ sung tại các luật, nghị quyết của Quốc hội có liên quan về Doanh nghiệp nhà nước và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 để bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật, có hiệu lực thi hành cùng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Hai là, cần đánh giá tác động toàn diện về cơ chế chính sách, quản trị doanh nghiệp... của quy định trên đối với hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Ba là, việc quy định như dự thảo Luật nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ hơn hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước trên 50% đến dưới 100% có thể tác động thế nào đến tâm lý của các cổ đông khác là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, nhà đầu tư tiềm năng, ảnh hưởng thế nào đến quá trình cổ phần hóa và môi trường đầu tư kinh doanh.

Bốn là, đánh giá sự phù hợp giữa dự thảo Luật với nội hàm của yếu tố "chi phối" như yêu cầu của Nghị quyết số 12. Quy định của dự thảo Luật phải bảo đảm DNNN là doanh nghiệp mà Nhà nước có thể chi phối các vấn đề của doanh nghiệp. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp có tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước thấp nhất là 75% thì có quyền chi phối trong mọi quyết định về quản trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm việc thông qua nghị quyết của Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần.

Do đó, đối tượng mà Nhà nước có sở hữu 75% trở lên được coi là DNNN là phù hợp. Đối tượng doanh nghiệp mà Nhà nước có sở hữu trên 50% đến dưới 75% chưa bảo đảm việc Nhà nước chi phối như yêu cầu của Nghị quyết số 12.

Có ý kiến đề nghị cần báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về nội dung này, để bảo đảm đánh giá đầy đủ các tác động đối với doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước.

Minh Tình
Bạn đang đọc bài viết Nhiều doanh nghiệp sẽ trở lại khoác áo "nhà nước"? tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thoái vốn và CPH DNNN: Có tiếp tục lùi?
Do tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thoái vốn và cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đang ở mức thấp, nên áp lực về khối lượng công việc năm 2020 sẽ rất lớn. Đây là lý do khiến giới đầu tư kỳ vọng về những thương vụ thoái vốn và CPH của các DNNN lớn, nhưng liệu có diễn ra suôn sẻ trong năm 2020?
TP HCM chỉ đạo DNNN rút vốn đầu tư ngoài ngành
UBND TP vừa yêu cầu các Tổng Công ty 100% vốn nhà nước thuộc UBND TP căn cứ danh mục chuyển nhượng vốn theo phương án cơ cấu lại giai đoạn 2018 - 2020 của Tổng Công ty đã được duyệt tiến hành rút vốn khỏi lĩnh vực đầu tư ngoài ngành.
Bị cáo Phạm Đình Trọng: ‘Nếu áp dụng đúng luật khi mua bán cổ phần thì 100% DNNN đều bị khởi tố’
Cựu Vụ trưởng Vụ QLDN, Bộ TTTT Phạm Đình Trọng cho rằng: “Trong vụ Mobifone mua AVG, các cơ quan nhà nước đều lúng túng trong áp dụng pháp luật, nhất là quy định mới. Nếu cứ áp dụng đúng luật khi mua bán cổ phần thì khả năng 100% các doanh nghiệp nhà nước đều bị khởi tố như tôi đứng ở đây”.