Những ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine tới kinh tế Việt Nam

05/03/2022, 07:35

TCDN - Xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế Việt Nam như sản xuất, xuất nhập khẩu, lạm phát, cung cầu và giá cả. Tiếp đến là việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, thanh toán các hợp đồng thương mại...

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, cả Nga và Ukraine đều là những đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á - Âu. Xét về kim ngạch thương mại, Nga xếp ở vị trí thứ 1, Ukraine xếp ở vị trí thứ 6.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga năm 2021 đạt 5,5 tỷ USD tăng 13,8% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD (tăng 13,2%) và nhập khẩu đạt 2,3 tỷ USD (tăng 14,9%).

Những ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine tới kinh tế Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Những ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine tới kinh tế Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga bao gồm điện thoại và linh kiện (chiếm 33%), máy vi tính và sản phẩm điện tử (13%), dệt may (10,5%), cà phê (5,4%), thủy sản (5,1%).

Đối với thị trường Ukraine, năm 2021, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 720,5 triệu USD (tăng 50,6% so với năm 2020), trong đó xuất khẩu từ Việt Nam đạt 344,6 triệu USD (tăng 21%), nhập khẩu từ Ukraine đạt 375,8 triệu USD (tăng 94,2%).

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm điện thoại và linh kiện (chiếm 49% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ucraina), thủy sản (8,3%), máy móc, thiết bị phụ tùng (5,4%), giày dép các loại (4,87%), máy vi tính và sản phẩm điện tử (4,84%).

Nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho rằng điều này "chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại song phương giữa Việt Nam và hai nước trên".

Cuộc xung đột này đang là một trong những nguyên nhân chính làm tăng giá trên thị trường một số mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như khí đốt - dầu mỏ, lúa mì, nhôm, nickel, ngô… do thị phần sản xuất và xuất khẩu của các nước trên rất lớn.

Do đó nếu căng thẳng tiếp tục kéo dài có thể khiến nhiều nước, trong đó có Việt Nam, gặp khó khăn về nguồn cung các nguyên, nhiên liệu trên trong thời gian tới.

Theo nhóm nghiên cứu VnDirect, xung đột Nga - Ukraine sẽ đẩy giá dầu và phân đạm tiếp tục neo ở mức cao cũng như gây khó khăn cho chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên theo các chuyên gia này, dầu Brent có thể đạt đỉnh ở vùng giá quanh 105- 110 USD/thùng. Sau đó, giá dầu sẽ dần hạ nhiệt và ổn định quanh mức 90 USD/thùng trong một vài tháng tới nhờ nguồn cung bổ sung tiềm năng đến từ Mỹ, Iran và OPEC.

Nga hiện là nước xuất khẩu phân đạm, NPK hàng đầu thế giới. Dưới tác động của các lệnh trừng phạt và việc Nga áp dụng hạn ngạch xuất khẩu để phòng vệ, giá phân bón dự kiến tiếp tục leo thang trong năm 2022.

PV (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Những ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine tới kinh tế Việt Nam tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giá dầu thô tăng vọt do căng thẳng Nga - Ukraine
Trong phiên giao dịch đầu tuần 21/2, giá dầu thô ghi nhận tăng vọt gần 2% do lo lắng gia tăng về xung đột tiềm tàng giữa Nga và Ukraine. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước dự kiến chiều nay điều chỉnh tăng từ 800-1.100 đồng/lít.