Những dấu hiệu khiến TP.HCM phải xin tăng tỷ lệ giữ lại ngân sách
TCDN - Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM không phải sẽ giảm đóng góp ngân sách trung ương mà là để tăng lên. Bởi năng suất lao động của thành phố rất cao, gấp 2,7 - 2,9 lần cả nước.
Ngày 30/7, tại Hà Nội, Thành ủy, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các bộ, ngành góp ý cho đề án “Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030”.
Trình bày đề án tại hội nghị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trần Hoàng Ngân cho biết, cứ 5 năm, dân số TP tăng khoảng 1 triệu người, hiện nay dân số khoảng 9 triệu người.
Trong đó đã có 17/19 quận có mật độ dân số ở mức mất an toàn; kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm không khí… ngày càng tăng; nhà ở thiếu, diện tích nhà bình quân đầu người thấp hơn diện tích cả nước; bệnh viện, trường học quá tải.
TP.HCM nộp ngân sách cao nhất nhưng chi thấp nhất
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, trong giai đoạn năm 2021-2030, TP HCM cần nguồn kinh phí cực kì lớn, gần 1 triệu tỉ đồng để đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông.
Đặc biệt ưu tiên tập trung đối với các công trình giao thông trọng điểm, liên kết vùng, các công trình giải quyết ùn tắc giao thông khu vực sân bay, cảng, cửa ngõ TP với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 606.000 tỉ đồng.
Tại hội nghị, hai kịch bản tăng thu, điều tiết ngân sách cho TP.HCM cũng được các đại biểu tham dự báo cáo nêu ra.
Cụ thể, kịch bản thứ nhất, khi tỉ lệ điều tiết tăng từ 18% lên 23%, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước chuyển trung ương bình quân giai đoạn 2022-2025 sẽ tăng 1,41% (tổng thu ngân sách nhà nước chuyển trung ương tăng 39.599 tỉ đồng).
Kịch bản hai, khi tỉ lệ điều tiết tăng từ 18% lên 26%, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước chuyển trung ương bình quân giai đoạn 2026-2030 sẽ tăng 3% (tổng thu ngân sách nhà nước chuyển trung ương tăng 343.861 tỉ đồng).
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM không phải sẽ giảm đóng góp ngân sách trung ương mà là để tăng lên. Bởi năng suất lao động của TP rất cao, gấp 2,7-2,9 lần cả nước. Hệ số đòn bẩy chi ngân sách của TP cũng rất cao, một đồng chi ngân sách của TP có thể tạo ra chín lần, thậm chí 10-14 lần đầu tư xã hội.
Do đó, nếu tăng một đồng chi ngân sách cho TP thì ngân sách trung ương sẽ thu được nhiều hơn.“Xây dựng đề án này là để tăng thu ngân sách nộp về trung ương và tăng thu ngân sách để lại cho TP, tạo tiền đề để TP phát triển nhanh và bền vững. Đề án được thực hiện theo chủ trương tại Nghị quyết số 16/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020”, Bí thư Nhân nhấn mạnh.
Là nền kinh tế lớn nhất cả nước (chiếm gần 1/4 GDP cả nước) song việc thu hút đầu tư nước ngoài của TP.HCM chưa vượt trội và tỉ trọng xuất khẩu so với cả nước ngày càng giảm. Tỉ lệ vốn FDI của TP thu hút được so với cả nước năm 2011-2013 có sự sụt giảm đáng kể, sau đó có sự tăng trưởng lại nhưng cũng không đều.
Đóng góp của TP cho xuất khẩu cả nước ngày càng giảm. Từ chỗ chiếm 56,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2000, đến năm 2019 chỉ còn chiếm 15,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.TP.HCM đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước (khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước).
Năm 2019, tỉ lệ nộp ngân sách cao nhất cả nước (khoảng 83,9% tổng thu trên địa bàn) nhưng có tỉ lệ chi ngân sách trên tổng thu ngân sách trên địa bàn thấp nhất cả nước (17,1%).
Trong thời gian qua, một số yếu tố biểu hiện nguy cơ suy giảm vai trò đầu tàu kinh tế của TP như tốc độ tăng trưởng kinh tế không vượt trội, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giảm dần, quy mô tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TP so với cả nước giảm...
Từ đó, TP đang phải đối mặt với nguy cơ trong việc giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nếu TP suy giảm về kinh tế, cả nước sẽ bị ảnh hưởng và giảm số thu ngân sách nhà nước.
Do vậy, TP.HCM đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết giữ lại lên 23% giai đoạn 2022-2025 và 26% giai đoạn 2026-2030, tức bằng với tỉ lệ điều tiết thời kỳ ổn định ngân sách.
Bộ Tài chính nói gì?
Về kiến nghị nếu trên của TP.HCM, trả lời tại một buổi tiếp xúc cử tri gần đây, đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được phân cấp các nguồn thu riêng.
Thực hiện phân chia một số nguồn thu nhất định. Cụ thể gồm 5 khoản thu: thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế bảo vệ môi trường; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân.
Đồng thời, ngân sách nhà nước đảm bảo mỗi địa phương có đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo phân cấp, tính trên cơ sở hệ thống nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách nhà nước do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Căn cứ vào khả năng thu và nhu cầu chi ngân sách địa phương, tính theo hệ thống nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, có địa phương phải nhận bổ sung cân đối (từ nguồn của ngân sách Trung ương bổ sung cho ngân sách địa phương để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định), có địa phương điều tiết (chia sẻ) một phần nguồn thu về ngân sách Trung ương.
Tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia được ổn định 5 năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Theo khoản 8 điều 9 Luật Ngân sách nhà nước, sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng khả năng tự cân đối, phát triển ngân sách địa phương.
Đồng thời, thực hiện giảm dần tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên so với tổng chi ngân sách địa phương hoặc tăng tỷ lệ phần trăm nộp về ngân sách cấp trên đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách, để tăng nguồn lực cho ngân sách cấp trên thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia và phát triển đồng đều giữa các địa phương.
Ngoài ra, Luật Ngân sách nhà nước cũng quy định, đối với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới, việc xác định dự toán ngân sách của từng địa phương, trong đó có TP HCM, căn cứ vào khả năng thu và nhu cầu chi ngân sách địa phương tính theo hệ thống nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét quyết định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương, trong đó có TPHCM để tính toán, xác định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thời kỳ ổn định ngân sách mới, trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định.
Căn cứ các quy định hiện hành và để thành phố có thêm nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, Bộ Tài chính đề nghị TPHCM triển khai quyết liệt các quy định tại Nghị quyết số 54/2017/NQ-QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Trong đó cần tập trung phát triển nguồn thu cho ngân sách thành phố như đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND thành phố quản lý, đại diện chủ sở hữu; ban hành các khoản phí, lệ phí ngoài danh mục quy định tại Luật Phí và lệ phí.
Sắp xếp lại nhà, đất của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố quản lý; phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương sắp xếp nhà, đất trên địa bàn...
Đồng thời, TP.HCM có các kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội khi thực hiện sơ kết Nghị quyết số 54/2017/NQ-QH14 của Quốc hội vào năm 2020 để có thêm căn cứ xây dựng Đề án điều chỉnh tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899