Nợ công Việt Nam hơn 3,5 triệu tỷ đồng
TCDN - Tính đến 31/12/2020, tổng số nợ công 3.520.601,39 tỷ đồng, tăng 6,02% so với năm 2019 (3.320.608,77 tỷ đồng), bằng 55,94% so với GDP (dưới mức trần 65% GDP được Quốc hội phê duyệt).
Chiều 1//7, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Họp báo công bố kết quả kiểm toán 2021, kết quả kiểm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN năm 2020. Báo cáo chuyên đề về “ Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”.
Kết quả 234 BCKT của 177 cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2021 đối với niên độ ngân sách năm 2020, với kết quả như sau: Dự toán (bao gồm cả dự toán bổ sung) Quốc hội quyết nghị và Chính phủ giao 1.539.052 tỷ đồng, trong đó: Thu nội địa 1.290.776 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 338.000 tỷ đồng (hoàn thuế GTGT 130.000 tỷ đồng); thu từ dầu thô 35.200 tỷ đồng; thu viện trợ 5.076 tỷ đồng.
Dự toán thu tiền sử dụng đất chưa sát với khả năng nguồn thu, các địa phương lập dự toán chỉ bằng 72% ước thực hiện năm 2019 (79.266/110.155 tỷ đồng), mặc dù trung ương đã giao dự toán cao hơn số địa phương lập 18,3%(93.800/79.266 tỷ đồng), song thực hiện thu sử dụng đất năm 2020 vượt tới 80,4% dự toán giao, là thực tế nhiều năm.
Bộ Tài chính xây dựng dự toán hoàn thuế GTGT đầu năm (130.000 tỷ đồng) chưa sát với số phải hoàn trong năm dẫn đến hoàn vượt dự toán Quốc hội quyết nghị 7.019 tỷ đồng.
Từ khi Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực, ngoại trừ năm 2017, việc chi hoàn thuế vượt dự toán liên tục diễn ra. Chính phủ đã có Tờ trình số 65/TTr-CP ngày 10/3/2022 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tổng hợp trong Báo cáo quyết toán NSNN năm 2020 để trình Quốc hội phê chuẩn theo quy định.(3) Một số địa phương lập dự toán chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu; 04/45 địa phương ước thực hiện năm 2019 làm cơ sở xây dựng.
Về dự toán bội chi NSNN Quốc hội quyết nghị đầu năm 234.800 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP; tại Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020, Quốc hội cho phép tăng bội chi NSTW thêm 133.500 tỷ đồng nên tổng bội chi NSNN tương ứng lên mức tối đa là 368.300 tỷ đồng, tương đương 5,41% GDP kế hoạch.
Quyết toán số bội chi NSNN là 216.405,59 tỷ đồng, giảm 18.394,41 tỷ đồng so với dự toán đầu năm, bằng 3,44% GDP thực hiện, bằng tỷ lệ bội chi theo dự toán đầu năm, thấp hơn so với mức 5,41% GDP theo Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội (giảm 151.894,41 tỷ đồng).
Trong đó bội chi NSTW quyết toán 213.088,59 tỷ đồng, giảm 2,2% so với dự toán (4.711,41 tỷ đồng), bội chi NSĐP quyết toán 3.316,99 tỷ đồng, giảm so với dự toán 13.683 tỷ đồng.Về nguồn bù đắp bội chi của NSTW: Vay trong nước 178.515,16 tỷ đồng; vay ngoài nước 34.573,43 tỷ đồng, các khoản vay đa dạng về kỳ hạn nợ, nâng kỳ hạn trái phiếu Chính phủ vay trong nước, nhờ đó kỳ hạn vay bình quân năm 2020 đã được kéo dài.
Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2020 đã dài gấp trên 3,5 lần năm 2011, từ mức 3,9 năm lên bình quân khoảng 13,94 năm (tăng 0,5 năm so với năm 2019), nâng kỳ hạn nợ bình quân danh mục trái phiếu Chính phủ thời điểm cuối năm 2020 lên 8,42 năm, dài gấp gần 5 lần so với thời điểm cuối năm 2011 (1,84 năm); lãi suất huy động bình quân cũng giảm mạnh, từ mức 12,01% bình quân năm 2011 xuống còn khoảng 2,86% năm 2020 (giảm 1,65% so với năm 2019).
Theo Kiểm toán Nhà nước tính đến 31/12/2020, tổng số nợ công 3.520.601,39 tỷ đồng, tăng 6,02% so với năm 2019 (3.320.608,77 tỷ đồng), bằng 55,94% so với GDP (dưới mức trần 65% GDP được Quốc hội phê duyệt), trong đó: Nợ Chính phủ 3.138.620,82 tỷ đồng, tăng 8,31% so với năm 2019 (2.897.857,78 tỷ đồng), bằng 49,87% GDP (dưới mức 54% GDP); nợ được Chính phủ bảo lãnh 367.823,62 tỷ đồng,giảm 8,52% so với năm 2019 (402.066,16 tỷ đồng), bằng 5,84% GDP; nợ chính quyền địa phương 14.156,95 tỷ đồng, giảm 31,56% so với năm 2019 (20.684,83 tỷ đồng), bằng 0,22% GDP.
Chỉ số nợ công đến cuối năm 2020 nằm trong giới hạn được cho phép của Quốc hội không quá 65% GDP. Nợ công bình quân đầu người là 35,1 triệu đồng/người và có xu hướng tăng (năm 2018 là 31,69 triệu đồng/người; năm 2019 là 33,62 triệu đồng/người).
Về huy động, quản lý sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch covid - 19 và các chính sách kết quả kiểm toán cho thấy, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu nên công tác phòng, chống dịch đã đạt được nhiều kết quả to lớn trên tất cả các lĩnh vực.
Nhờ đó, đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững và đưa Việt Nam sang giai đoạn bình thường mới. Trong nhiều yếu tố góp phần thành công trong phòng, chống dịch phải kể đến yếu tố đảm bảo nguồn lực và các chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, phục hồi phát triển kinh tế…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899