Nợ phải trả của Hải Phát Invest lên tới hơn 3.836 tỷ
TCDN - Tính đến ngày 31/12/2019, nợ phải trả của Hải Phát Invest là hơn 3.836 tỷ đồng, trong đó có 2.299 tỷ đồng là ngắn hạn, nợ dài hạn chiếm 1.538 tỷ đồng.
UBND tỉnh Lạng Sơn vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị mới Mai Pha tại địa bàn xã Mai Pha, TP.Lạng Sơn. Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu là Liên danh CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HoSE: HPX) và Công ty TNHH Hà Sơn.
Được biết, dự án khu đô thị mới Mai Pha có tổng diện tích đất sử dụng 91,73ha, quy mô dân số 9.621 người. Trong đó, nhà ở liền kề 2.457 hộ, nhà ở biệt thự 264 hộ, nhà tái định cư 119 hộ, nhà ở xã hội 152 hộ thấp tầng theo kiểu chia lô và khoảng 2.100 căn hộ nhà ở xã hội cao tầng.
Tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng) là gần 2.894,3 tỷ đồng, trong đó giá trị nộp ngân sách nhà nước là 20 tỷ đồng. Thời gian và tiến độ thực hiện dự án trong vòng 6 năm kể từ ngày hợp đồng dự án có hiệu lực.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV năm 2019 của Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát, tính đến ngày 31/12/2019, nợ phải trả của doanh nghiệp này là 3.837 tỷ đồng, trong đó có 2.299 tỷ đồng là ngắn hạn, nợ dài hạn chiếm 1.538 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu lúc này là 2.990 tỷ đồng.
Báo cáo cũng cho thấy, nợ phải trả của Hải Phát tính đến thời điểm ngày 31/12/2019 gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu.
Tài sản ngắn hạn thời điểm 31/12/2019 ghi nhận 3.979 tỷ đồng, chủ yếu là hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn.
Cụ thể, hàng tồn kho của Công ty là 2.160 tỷ đồng, gồm bất động sản để bán đang xây dựng chiếm trên 931 tỷ đồng, 1.219 tỷ đồng là bất động sản để bán đã hoàn thành, và trên 9 tỷ hàng tồn kho khác.
Lý giải nội dung này, Hải Phát cho biết, vào ngày 31/13/2019, một số tài sản là hàng tồn kho của dự án Hải Phát Plaza, dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội Phú Lãm đang được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty tại Ngân hàng Bản Việt – chi nhánh Thăng Long và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Bam – Chi nhánh Đô Thành.
Ngoài ra, Hải Phát cũng đã đặt cọc cho mục đích đầu tư dự án với tổng số tiền lên đến 1.166 tỷ đồng. Bao gồm, đầu tư vào dự án Trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, thành phố phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; góp vốn thành lập doanh nghiệp dự án cho một dự án bất động sản tiềm năng tại khu đô thị Tây Nam, thành phố Bà Rịa Vũng Tàu và hàng loạt các khoản đầu tư không được kê khai chi tiết tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV năm 2019.
Tính đến ngày 31/12/2019, Hải Phát có 2.848 tỷ đồng tài sản dài hạn, chủ yếu được đóng góp từ tài sản cố định, bất động sản đầu tư, các khoản đầu tư tài chính dài hạn, đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh và tài sản dài hạn khác.
Trong đó, hàng loạt chi phí xây dựng dở dang cũng được tính vào mục tài sản dài hạn. Cụ thể, dự án Hải Phát Plaza cao tầng chiếm 130 tỷ đồng, dự án Khu nhà ở biệt thự vườn đồi và du lịch sinh thái Golden Beach Villa chiếm 62 tỷ đồng, tài sản Tân Tây Đô (Đan Phượng) là 46 tỷ đồng, còn dự án khác cũng chiếm 13 tỷ đồng.
Những số liệu từ Báo cáo tài chính có thể thấy, tài sản của Hải Phát chủ yếu là các khoản phải thu, hàng tồn kho, các khoản đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh, chi phí xây dựng dở dang… các khoản trên gia tăng nhanh chóng tuy nhiên vốn chủ sở hữu lại eo hẹp, tăng chậm.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899