Phát triển kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam

25/10/2023, 11:07
báo nói -

TCDN - Ngày nay, phát triển kinh tế tuần hoàn đã trở thành một xu hướng đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh nguồn tài nguyên toàn cầu đang cạn kiệt với tốc độ báo động.

11-1

TÓM TẮT:

Ngày nay, phát triển kinh tế tuần hoàn đã trở thành một xu hướng đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh nguồn tài nguyên toàn cầu đang cạn kiệt với tốc độ báo động. Trong những năm gần đây, một số quốc gia như Thụy Điển, Hà Lan, Pháp, Đức, Canada, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đã quyết tâm thực hiện mạnh mẽ các chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Bài viết này nghiên cứu các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn được áp dụng tại một số quốc gia trên khắp thế giới và rút ra những bài học có giá trị cho Việt Nam trong việc thúc đẩy xu hướng này.

1. Tổng quan về kinh tế tuần hoàn

Nền kinh tế tuần hoàn (Circular economy) là một mô hình kinh tế và hệ thống quản lý tài nguyên được thiết kế để tối ưu hóa sự sử dụng và tái sử dụng tài nguyên trong quá trình sản xuất và tiêu dùng. Trong mô hình này, nguồn tài nguyên không chỉ tiêu thụ một lần và sau đó bị loại bỏ, mà chúng được thiết kế để tuần hoàn và sử dụng lại nhiều lần trước khi trở nên không còn giá trị.

121

Nói cách khác, mô hình kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, theo đó, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn được đánh giá là giải pháp có thể giúp các quốc gia trên thế giới thích nghi và tiến bước theo cách thân thiện với môi trường.

Kinh tế tuần hoàn ngày nay đang trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt. Các hiệp định, thỏa thuận toàn cầu về môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đề ra nhiều quy định về tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đối với quốc gia, phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

Đối với xã hội, kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân...

Đối với doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...

Theo tính toán từ các chuyên gia môi trường, nếu các quốc gia ứng dụng thành công nền kinh tế tuần hoàn có thể thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên. Ứng dụng này sẽ giúp giảm chi phí điều hành doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh và đưa tới cơ hội phát triển toàn cầu trị giá tới 4.500 tỷ USD vào năm 2030.

2. Vai trò của Chính phủ trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại một số quốc gia trên thế giới

2.1. Kinh nghiệm ở một số quốc gia khu vực Châu Âu

a) Thụy Điển

Thụy Điển là quốc gia hàng đầu thế giới về quản lý và tái chế rác thải khi từ giữa những năm 90 thế kỷ XX, quốc gia này là nước hiếm hoi cân bằng được sự tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Tại quốc gia này, Chính phủ đã thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp song hành với việc xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bằng việc đánh thuế cao các loại chất thải, đồng thời, có chính sách ưu đãi với sử dụng năng lượng tái tạo từ thủy điện và nhiên liệu sinh học… Nhờ đó, Thụy Điển đã tái chế 53% vật liệu nhựa tiêu dùng trong đời sống xã hội, 50% chất thải trong ngành xây dựng, tái chế 99% rác thải thành năng lượng điện.

Kể từ năm 2011 đến nay, có tới 99% rác thải của quốc gia này đã được xử lý và tái chế, còn lại chưa đến 1% rác thải từ các hộ gia đình của Thụy Điển được chuyển đến bãi đổ rác. Theo tính toán mức phát thải khí nhà kính tính theo đầu người của Thụy Điển nằm ở mức thấp nhất trong khu vực EU và các nước thuộc tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Năm 2013, phát thải khí nhà kính (GHG) của Thụy Điển chỉ còn là 55,8 triệu tấn CO2 so với 71,8 triệu tấn năm 1990 - giảm đến 22%.

b) Hà Lan

Điểm khởi đầu của việc tiếp cận kinh tế tuần hoàn tại Hà Lan quay trở lại từ năm 1979 khi đề xuất chính sách trong lĩnh vực quản lý chất thải của Ad Lansink được Quốc hội thông qua. Theo đó, đề xuất này cung cấp một hệ thống phân cấp trong phương pháp quản lý chất thải (còn được gọi là "thang Lansink"), ưu tiên ngăn ngừa và hạn chế phát sinh chất thải, thúc đẩy tái sử dụng và tái chế, sau đó là việc xử lý rác bằng phương pháp đốt trước khi áp dụng biện pháp cuối cùng là chôn lấp. Năm 2013, Chính phủ Hà Lan đã triển khai một loạt chương trình và dự án nhằm biến nước này trở thành "trung tâm tuần hoàn" của châu Âu. Đặc biệt, chương trình "Kinh tế tuần hoàn tại Hà Lan vào năm 2050" đưa ra tầm nhìn, định hướng lộ trình và mục tiêu cụ thể. Theo đó, 5 lĩnh vực ưu tiên là: Nhiên liệu sinh khối và thực phẩm, nhựa, chế tạo (tập trung vào vật liệu kim loại và các hóa chất độc hại), xây dựng (tập trung vào tái chế vật liệu xây dựng và phát triển thị trường vật liệu tái chế) và tiêu dùng.

Với Hà Lan, mô hình kinh tế này có thể tạo ra hơn 50 nghìn việc làm, giảm 10% chất thải ra môi trường, tiết kiệm 20% nước sử dụng trong ngành công nghiệp, giảm 25% nhập khẩu các nguồn cơ bản và tạo ra 7 tỷ Euro cho nền kinh tế. Ngoài ra, Chính phủ Hà Lan cũng cam kết sẽ thực hiện cải cách pháp luật, ưu đãi thị trường trí tuệ, hỗ trợ tài chính, nâng cao tri thức nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế, hướng đến phát triển bền vững.

c) Pháp

Tại Pháp, Chính phủ nước này cũng đã công bố lộ trình phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, theo đó, quốc gia này sẽ biến rác thải thành nguyên liệu phục vụ cho guồng máy sản xuất. Thủ đô Paris đề ra mục tiêu giảm 50% lượng rác thải trước năm 2025, tận dụng tối đa phế phẩm phế liệu để làm ra những sản phẩm mới. Chính phủ dự kiến trong 7 năm tới sẽ có thêm 300 nghìn việc làm được tạo ra nhờ mô hình sản xuất mới này. Theo nghiên cứu của Cơ quan Quản lý môi trường và năng lượng (ADEME), ở Pháp 70% rác trên toàn quốc do ngành xây dựng thải ra, tương đương 247 triệu tấn. Mỗi năm các hộ gia đình thải khoảng 30 triệu tấn rác, các công ty không kể ngành xây dựng thải 64 tấn. Chính vì vậy, vấn đề then chốt là Chính phủ Pháp cần có những biện pháp để khuyến khích các doanh nghiệp chuyển hướng về mô hình sản xuất ít làm tổn hại cho môi trường hơn. Theo đó, lộ trình phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn của Pháp bao gồm 50 biện pháp, xoay quanh 2 nội dung chính: Khuyến khích các nhà sản xuất cung cấp những mặt hàng có độ bền cao, khi hỏng dễ được sửa chữa và khuyến khích các hoạt động tái chế, sử dụng lại nguyên liệu từ những món đồ trước khi chúng được thải ra bãi rác.

d) Đức

Đức khởi đầu khá sớm trên con đường hướng tới kinh tế tuần hoàn, quốc gia này bắt đầu thực hiện triển khai kinh tế tuần hoàn vào năm 1996. Trong những thập kỷ qua, Đức phát triển các chính sách năng lượng, công nghiệp và môi trường đầy tham vọng ở cấp quốc gia và đóng một vai trò rất mạnh mẽ trong các lĩnh vực này ở cấp độ châu Âu. Chính phủ Đức đặt ra các mục tiêu tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên nhằm bảo vệ môi trường một cách toàn diện bao gồm việc giảm chôn lấp, bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng tài nguyên bền vững hơn. Đức đưa ra cam kết và thực tế đã đạt được, đó là giảm 40% lượng khí thải nhà kính nếu các quốc gia thành viên EU khác đồng ý với mục tiêu giảm 30% của EU vào năm 2020. Khung của mục tiêu toàn nền kinh tế này được gọi là Chương trình Năng lượng và Khí hậu Tích hợp của Đức, đưa ra các biện pháp chính sách cho ngành năng lượng. Một số chính sách để thực hiện các mục tiêu này bao gồm các biện pháp chính như Đạo luật Năng lượng tái tạo (Erneuerbare-Energiene-Gesetz, EEG) và cải cách thuế sinh thái.

2.2. Kinh nghiệm của một số quốc gia khu vực Bắc Mỹ

a) Canada

Canada tiến hành tiếp cận kinh tế tuần hoàn bằng việc thành lập Hội đồng không chất thải quốc gia (The National Zero Waste Council). Đây được coi là một sáng kiến lãnh đạo tập hợp chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy ngăn chặn sự xả thải và chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn ở Canada. Ngày 28/11/2018, dựa theo những nguyên tắc và định hướng mà Hội đồng đề ra, Chiến lược quốc gia về Không Chất thải nhựa được đưa ra bởi Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada và Bộ Y tế Canada tại hội thảo với nhiều bên liên quan về kế hoạch quản lý hóa chất Canada ở Ottawa với tầm nhìn giữ tất cả nhựa trong nền kinh tế và ra khỏi môi trường bằng cách sử dụng cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn.

Trong khi các chương trình quản lý chất thải trong quá khứ được đưa ra ở Canada, vẫn có hơn 89% nhựa được chôn lấp và đem đi đốt. Nhằm cải thiện tình hình trên, Chiến lược mới đưa ra một hệ thống tích hợp bao gồm ba lĩnh vực hoạt động: phòng ngừa, thu hồi dọn dẹp và phục hồi giá trị. Hệ thống này sẽ được hỗ trợ bằng cách cho phép các hoạt động, bao gồm nâng cao nhận thức và giáo dục, nghiên cứu và đổi mới, các quy định và công cụ dựa trên thị trường. Thiết kế các sản phẩm nhựa sẽ trở thành một trong những hành động ưu tiên góp phần vào mục tiêu chung là các sản phẩm nhựa tái chế và tái chế 100%. Canada cũng có kế hoạch giảm lượng nhựa thải điện tử xuất khẩu sang các nước khác với mục đích tái chế nhiều hơn trong nước.

b) Mỹ

Tại Mỹ, kinh tế tuần hoàn được hình thành trên cơ sở tiếp cận dựa vào thị trường. Cách tiếp cận dựa vào thị trường (Market-Based Approaches - MBAs), là ngoài nhà nước, các chủ thể thị trường khác như doanh nghiệp và các tổ chức có tư cách pháp nhân được tự do tham gia kinh doanh và cung cấp các hàng hoá và dịch vụ (kể cả các hàng hoá và dịch vụ về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu) theo quy luật cung - cầu của thị trường.Thị trường rác thải điện tử tại Bang Colorado (Mỹ) là một ví dụ điển hình của cách tiếp cận dựa vào thị trường để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, năm 2013, việc chôn lấp rác thải điện tử bị cấm tại Bang Colorado. Ngay sau đó đã xuất hiện các doanh nghiệp đứng ra thu gom và tái chế rác thải điện tử. Việc các thị trường tương tự như vậy liên tục được hình thành đã khiến thu gom và xử lý rác thải trở thành một lĩnh vực sôi động và lợi nhuận cao đối với các nhà đầu tư tại Mỹ, từ đó xuất hiện các tỷ phú rác nổi tiếng như Wayne Huizenga của Công ty Quản lý chất thải (Waste Management) và Maria Rios của Công ty Chất thải quốc gia (Nation Waste).

2.3. Kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực Châu Á

a) Trung Quốc

Tại Trung Quốc, Chính phủ đã có những bước đi quan trọng nhằm thông qua Luật thúc đẩy kinh tế tuần hoàn với mục tiêu sử dụng tối ưu tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững. Theo tính toán, với việc áp dụng các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra những hàng hóa và dịch vụ với giá phải chăng hơn đối với các cư dân đô thị, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính 23% và tình trạng tắc nghẽn giao thông 47% vào năm 2040.

Thống kê cho thấy trong giai đoạn 1990-2020, quy mô kinh tế Trung Quốc đã mở rộng khoảng 20 lần, song tiêu thụ năng lượng chỉ tăng 5 lần. Đây là một trong những thành quả tích cực khiến cho quốc gia đông dân nhất thế giới này tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.

b) Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng một khung pháp lý toàn diện nhằm đưa đất nước này hướng tới một xã hội dựa trên việc tái chế. Đạo luật về việc thành lập một xã hội dựa trên tái chế (The Basic Law for Establishing a Recycling-Based Society) có hiệu lực vào năm 2002 cung cấp các mục tiêu định lượng để tái chế và phi vật chất hóa trong dài hạn cho xã hội Nhật Bản. Nhờ vậy, tỷ lệ tái chế của Nhật Bản thực sự đáng kinh ngạc: Nước này tái chế tới 98% kim loại (Government of Japan, 2010) và trong năm 2017, chỉ có chưa đến 2% chất thải của Nhật Bản phải sử dụng phương pháp chôn lấp.

c) Singapore

Trong khu vực châu Á, Singapore trở thành một điển hình về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ rất sớm. Là đảo quốc với nguồn lực tự nhiên rất hạn chế, nên ngay từ năm 1980, nước này đã phát triển công nghệ biến rác thải thành năng lượng với việc xây dựng 4 nhà máy, xử lý 90% lượng rác thải của cả nước với công suất lên đến 1.000 tấn rác/ngày. Với 10% lượng rác thải còn lại, Singapore đã sáng tạo biến chúng thành một hòn đảo rác Semakau - “đảo rác” nhân tạo đầu tiên trên thế giới - đã ra đời.

d) Hàn Quốc

Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành luật về loại bỏ chất thải thực phẩm vào năm 2013, quy định cụ thể về tiêu chuẩn thu gom chất thải. Chất thải được bỏ vào các túi phân hủy sinh học hoặc bỏ trực tiếp vào các thùng kim loại có trang bị thanh đo và đầu đọc chíp nhận dạng tần số vô tuyến. Luật này cũng quy định người dân sẽ phải trả thêm tiền, nếu lượng chất thải này vượt quá khối lượng cho phép và 60% số tiền đó được Chính phủ sử dụng để chi trả chi phí cho việc thu gom và xử lý chất thải phát sinh.

Hiện nay, tới 97% chất thải thực phẩm ở Hàn Quốc được tái chế thành phân hữu cơ, thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón, còn lại chất lỏng sau khi ép ra từ rác thải được lên men thành khí hoặc dầu sinh học để sử dụng. Đây là chu trình khép kín từ thu gom, xử lý đến tái chế các sản phẩm theo hình thức "cộng sinh".

3. Một số bài học kinh nghiệm về vai trò của Nhà nước trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Ở Việt Nam, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững đã được khẳng định. Đó là việc Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính tới nền kinh tế tuần hoàn, với nhiều mô hình kinh doanh mới dựa trên sự ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới về chính sách, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó khẳng định ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức luật hóa quy định về kinh tế tuần hoàn. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “Xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”. Ngoài ra, nhiều chính sách của Nhà nước đã ban hành nhằm hướng đến phát triển nền kinh tế bền vững. Năm 2016, Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP). Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025”, nhằm hình thành ngành công nghiệp môi trường, có thể đáp ứng các nội dung của nền kinh tế tuần hoàn. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030”. Ngày 07/6/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”. Mục tiêu cụ thể của đề án là góp phần giảm cường độ phát thải khí nhà kính ít nhất 15% vào năm 2030, hướng tới giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đồng thời, tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế. Ngoài ra, còn có một số luật và chính sách liên quan, như Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011 - 2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030… Để có thể tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, kinh nghiệm từ các quốc gia đều cho thấy vai trò của Nhà nước là điều quan trọng bậc nhất. Những bài học rút ra từ việc khảo cứu kinh nghiệm của Chính phủ các quốc gia từ Châu Âu, đến Châu Mỹ và Châu Á như sau:

Thứ nhất, trong bối cảnh phát triển bền vững, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn là một trong những mục tiêu cần hướng đến và việc ra các chính sách phù hợp từ phía Chính phủ là rất quan trọng.

Thứ hai, Nhà nước cần tiếp tục xây dựng khung pháp luật và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, Nhà nước cần xác định rõ lộ trình để tiến tới xây dựng luật cho phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thứ ba, Nhà nước ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh mẽ các mô hình kinh tế tuần hoàn, chú trọng tới hiệu quả đầu tư và phát triển kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ tư, Nhà nước cần chú trọng vào đầu tư cho khoa học công nghệ vì đây là yếu tố cốt lõi cho sự thành công khi phát triển kinh tế tuần hoàn. Việc phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là tập trung vào năng lực về công nghệ của các doanh nghiệp, kỹ năng của nguồn nhân lực sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.

Thứ năm, Nhà nước nên có sự lựa chọn các ngành, lĩnh vực phù hợp để ưu tiên phát triển khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, từ đó tạo động lực cho các ngành, các lĩnh vực khác cùng phát triển tạo nên sự thành công chung trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (2020), “Nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các mô hình phát triển nền kinh tế tuần hoàn phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu”;

2. Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, UNDP Việt Nam (2020), Hội thảo tham vấn “Kết quả nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn và một số đề xuất chính sách”.

3. Nguyễn Thị Phong Lan (2022), Kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam, https://www.tapchicongsan.org.vn

4. Vũ Thị Uyên, Nguyễn Phương Mai (2023), Mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới và bài học cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, https://isponre.gov.vn/vi/news/doi-thoai/.

5. Institute for Global Environmental Strategies (2018), Circular Economy in Japan.

6. Gao Ling (2016), An Analysis on Japan’s Circular Economy and Its effects on Japan’s Economic Development.

7. Olabode Emmanuel Ogunmakinde (2019), A Review of Circular Economy Development Models in China, Germany and Japan. 8. William Mcdowall (2017), Circular Economy Policies in China and Europe. 9. We Li and Wenting Lin (2016), Circular Economy Policies in China.

TS. Bùi Thị Thùy Nhi

Học viện Hành chính Quốc gia

Tạp chí in số tháng 10/2023
Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam tại chuyên mục Thư viện của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận