Phe bán đang quay trở lại thị trường dầu mỏ

15/07/2022, 19:02

TCDN - Dù nhu cầu trên thị trường dầu mỏ vẫn mạnh, các thương nhân đang tăng mức bán do lo ngại ngày càng sâu sắc về nguy cơ suy thoái của kinh tế toàn cầu.

Trong tháng qua, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã mất hơn 20 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tại Mỹ giảm gần 25 USD/thùng. Lo ngại về suy thoái kinh tế dường như là động lực lớn nhất khiến giá dầu tụt mất mốc 100 USD/thùng, dù nhu cầu trên thị trường dầu mỏ vẫn mạnh mẽ bất chấp mức giá cao.

Reuters đưa tin các quỹ phòng hộ đang bán dầu. Trong tuần tính đến ngày 5/7, các quỹ phòng hộ đã bán lượng dầu thô và nhiên liệu tương đương 110 triệu thùng. Số liệu của Reuters dựa trên 6 hợp đồng giao dịch phổ biến nhất trên thị trường dầu mỏ. Reuters lưu ý rằng trong 4 tuần tính đến ngày 5/7, các quỹ phòng hộ đã bán tổng cộng 200 triệu thùng dầu. Tốc độ bán ra của tuần tính đến ngày 5/7 càng đáng chú ý hơn khi so với con số của cả 4 tuần.

Các dự báo về suy thoái - đặc biệt là ở Mỹ, đang tăng nhanh chóng. Tín hiệu mới nhất đến từ hãng tài chính TD Securities, khi các chuyên gia cảnh báo khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vào đầu năm 2023 là hơn 50%.

Ông Richard Kelly - trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu của TD Securities - đã liệt kê ba yếu tố sẽ quyết định cú lao dốc của nền kinh tế Mỹ, gồm giá xăng tăng cao, chính sách tiền tệ cứng rắn của Fed khi cơ quan này dốc sức khống chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế chung chững lại.

dau tho

Mặt khác, Bloomberg cho rằng quan điểm của công chúng Mỹ về nền kinh tế có vẻ quá bi quan, dù thị trường lao động đang cực kỳ vững mạnh. Theo Bloomberg, chính kỳ vọng của người dân Mỹ có thể khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới suy thoái, tức kỳ vọng trở thành sự thật.

Rõ ràng các dự báo đã tác động mạnh mẽ đến các quỹ phòng hộ và các nhà quản lý tài chính khác. Tốc độ mà những quỹ này bán ra các hợp đồng dầu thô chính là bằng chứng, dù các nguyên tắc cơ bản của thị trường năng lượng không thay đổi trong vài tuần qua.

Ngược lại, nguồn cung dầu thô toàn cầu đang trở nên eo hẹp hơn. Tuần trước, Libya vừa tuyên bố thêm một tình huống bất khả kháng khác khiến nước này lỡ hẹn xuất khẩu dầu mỏ, oilprice.com cho hay.

Công suất dự phòng của Arab Saudi cũng trở thành chủ đề bàn tán. Nhiều người đang nghi ngờ khả năng nâng sản lượng một cách có ý nghĩa của Arab Saudi, một yếu tố có thể giúp hạ nhiệt giá dầu.

Nga vẫn tiếp tục vận chuyển các lô dầu sang châu Á. Cùng lúc, phương Tây đang nghiên cứu cách áp trần giá đối với dầu thô của Nga, nhằm giữ cho dầu của Nga tiếp tục chảy vào thị trường quốc tế nhưng vẫn có thể giảm doanh thu của Moscow.

Song phe bán đã tăng sau tín hiệu mới từ Trung Quốc. Tuần trước, đất nước tỷ dân thông báo họ đã phát hiện các ca nhiễm mang biến chủng phụ của Omicron. Đây là một biến chủng có khả năng lây lan rất cao.

Thị trường dầu mỏ tin rằng Bắc Kinh sẽ triển khai các cuộc xét nghiệm diện rộng và thậm chí có khả năng áp các hạn chế di chuyển để ngăn dịch bệnh lây lan, dựa trên chính sách Zero COVID của nước này.

Nhóm nghiên cứu của EBW Analytics đánh giá: “Thị trường dầu mỏ đang bị kéo căng theo hai hướng. Nguồn cung đang cực kỳ eo hẹp, nhưng lo ngại về nhu cầu trong tương lai khi kinh tế suy thoái cũng xuất hiện”.

Từ giữa tuần, có vẻ như mối lo về nhu cầu, đặc biệt là nguy cơ phong toả COVID - 19 ở Trung Quốc, đã trở thành tâm điểm và thúc giục nhiều quỹ phòng hộ bán ra các hợp đồng dầu thô.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Phe bán đang quay trở lại thị trường dầu mỏ tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Mỹ cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong bối cảnh Moskva đang triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.