PVN kiến nghị cấm nhập khẩu xăng dầu, Bộ Công Thương nói gì?
TCDN - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, việc cấm nhập khẩu xăng dầu phải cân nhắc phải đảm bảo an ninh năng lượng, đủ xăng dầu để cung cấp và đảm bảo hài hòa các quyền lợi giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối, người tiêu dùng...
Liên quan tới kiến nghị mới đây của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về xem xét ban hành các cơ chế chính sách hạn chế tối đa/cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu, phát biểu tại buổi Họp báo thường kỳ 4 tháng đầu năm của Bộ Công Thương chiều 15/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải không nói thẳng là Bộ Công thương “bác” đề xuất của PVN, song Thứ trưởng đã nêu ra nhiều nghi ngại nếu đồng ý với đề xuất này.
Hiện nay, có hai nhà máy cung ứng xăng dầu trong nước là Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (là liên doanh nước ngoài chiếm 75% vốn, PVN đại diện chỉ nắm 25%) và Nhà máy lọc dầu Bình Sơn 100% (vốn trong nước). Hai nhà máy này không xuất khẩu dầu thô, mà dùng dầu thô để chế biến ra thành phẩm xăng dầu để bán và xuất khẩu.
Thời gian qua, PVN gặp khó khăn do giá dầu thô thế giới sụt giảm, trong vòng 3 tháng giảm hơn 60% nên nguồn thu bị ảnh hưởng, qua đó ảnh hưởng đến nguồn thu cả quốc gia.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng thông tin thêm: Hiện có 33 đầu mối nhập khẩu xăng dầu đáp ứng yêu cầu Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, nghĩa là đầu mối trực tiếp được phép xuất nhập khẩu xăng dầu. Bản thân các doanh nghiệp này 3 tháng vừa qua cũng gặp nhiều khó khăn khi giá xăng từ đầu năm đến nay đã 8 lần được điều chỉnh giảm liên tiếp.
Do đó, với đề xuất của PVN, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, Bộ Công Thương đã có bàn bạc kỹ với các đơn vị thuộc Bộ, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp trực tiếp dùng xăng dầu là đầu vào trong sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng… để cân nhắc thận trọng.
"Nếu hạn chế, thậm chí là cấm nhập khẩu xăng dầu nghĩa là 33 doanh nghiệp chỉ 1 đơn vị được phép nhập khẩu hoặc bán; còn lại thì không. Điều này có thể làm đầu vào tại Việt Nam bị ảnh hưởng; qua đó ảnh hưởng đến giá cả, quyền lợi người dân và toàn bộ hoạt động kinh doanh, sản xuất dùng xăng dầu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân tích.
Thứ trưởng Hải cũng bày tỏ lo ngại, việc cấm nhập khẩu có nghĩa là cấm nước khác xuất khẩu một mặt hàng vào Việt Nam. Điều này sẽ vi phạm cam kết FTA với các nước và liệu các nước có đưa ra biện pháp tương tự cấm Việt Nam xuất khẩu mặt hàng thế mạnh sang các nước khác hay không.
Vì vậy, trước mắt cân nhắc việc cấm nhập khẩu xăng dầu và phải hài hòa các quyền lợi giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối, người tiêu dùng. Nhà nước đảm bảo an ninh năng lượng, đủ xăng dầu để cung cấp.
Trước đó, PVN đã có văn bản kiến nghị gửi lên Bộ Công thương và Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ về việc hỗ trợ tiêu thụ xăng dầu trong nước và tạm ngừng nhập khẩu xăng dầu.
Trong đó, PVN mong các bộ xem xét ban hành các cơ chế chính sách hạn chế tối đa/tạm cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong nước sản xuất được trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899