Quản lý rủi ro về đăng ký thuế như thế nào?

19/05/2021, 10:18

TCDN - Trường hợp người nộp thuế có thay đổi thông tin đăng ký thuế làm thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp có rủi ro cao cơ quan thuế nơi chuyển đi và nơi chuyển đến sẽ phối hợp thực hiện kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế, thanh tra hoặc kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Tổng cục Thuế khẳng định, việc áp dụng quản lý rủi ro đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế đồng thời phòng chống, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế.

Trong đó, thông tin quản lý rủi ro được thu thập từ các nguồn thông tin bên trong và bên ngoài cơ quan thuế (bao gồm cả thông tin từ nước ngoài) theo quy định của pháp luật; được quản lý tập trung tại Tổng cục Thuế thông qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin và được xử lý, chia sẻ, cung cấp cho cơ quan thuế các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước khác để phục vụ cho mục đích quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, việc đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được thực hiện tự động, định kỳ, theo một hoặc kết hợp các phương pháp quy định tại Thông tư này trên cơ sở các quy định của pháp luật, các quy trình, biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế, dựa trên phân đoạn người nộp thuế, các tiêu chí quy định tại Thông tư này và cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.

Một trong những nội dung của Thông tư đó là áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý về đăng ký thuế.

Trường hợp người nộp thuế có thay đổi thông tin đăng ký thuế làm thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp có rủi ro cao cơ quan thuế nơi chuyển đi và cơ quan thuế nơi chuyển đến sẽ phối hợp thực hiện kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế, thanh tra hoặc kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế theo quy định pháp luật hiện hành.

Cơ quan thuế nơi chuyển đến thực hiện đưa vào giám sát, đề nghị người nộp thuế giải trình, bổ sung thông tin tài liệu khi có yêu cầu của cơ quan thuế với trường hợp rủi ro trung bình. Còn trường hợp rủi ro thấp, cơ quan thuế chưa thực hiện việc kiểm tra, giám sát; thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật người nộp thuế, phân loại rủi ro cho kỳ đánh giá tiếp theo.

Trường hợp người nộp thuế thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh có rủi ro cao, cơ quan thuế sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý thuế theo quy định, phù hợp với tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế để xử lý kịp thời nợ thuế, hóa đơn, hành vi vi phạm.

Cơ quan thuế thực hiện các biện pháp quản lý thuế theo quy định; thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, phân loại rủi roc ho kỳ đánh giá tiếp theo đối với trường hợp rủi ro trung bình và rủi ro thấp.

Trường hợp chấm dứt hiệu lực mã số thuế: cơ quan thuế ưu tiên kết quả xếp hạng rủi ro từ cao xuống thấp để thực hiện thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế tại trụ sở của người nộp thuế theo quy định.

Cập nhật trạng thái giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động trên hệ thống ứng dụng đăng ký thuế đối với các trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế theo quy định. Áp dụng các biện pháp đôn đốc người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi giải thể, phá sản, ngừng hoạt động theo quy định.

Đối với các trường hợp lại, cơ quan thuế thường xuyên rà soát các trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao để xác định danh sách cần kiểm tra, xác minh tình trạng hoạt động tại địa điểm kinh doanh.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Quản lý rủi ro về đăng ký thuế như thế nào? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Siết doanh nghiệp “ma” buôn lậu, trốn thuế
Mỗi năm có hàng nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Các doanh nghiệp “ma” ra đời nhằm mua bán hóa đơn trục lợi tiền thuế, doanh nghiệp ảo nhưng buôn lậu thật.