Quản lý Thuế thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay

19/12/2022, 14:10

TCDN - Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trong những năm qua có sự phát triển nhanh, mạnh mẽ nên việc quản lý thuế TMĐT gặp nhiều khó khăn và thách thức khi phải nhanh chóng ban hành các chính sách thuế để kịp thời điều tiết hành vi của các bên liên quan đến thị trường TMĐT.

1. quan ly thue TMĐT

TÓM TẮT: 

Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trong những năm qua có sự phát triển nhanh, mạnh mẽ nên việc quản lý thuế TMĐT gặp nhiều khó khăn và thách thức khi phải nhanh chóng ban hành các chính sách thuế để kịp thời điều tiết hành vi của các bên liên quan đến thị trường TMĐT. Bên cạnh đó còn có những khó khăn trong việc quản lý thuế TMĐT như đăng ký, kê khai, nộp thuế; quản lý thông tin người nộp thuế và hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế. Vì vậy, bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng hoạt động quản lý thuế TMĐT, từ đó gợi ý một số biện pháp nhằm hỗ trợ các nhà quản lý thuế khắc phục những bất cập đó, giúp cho việc thu đúng, thu đủ thuế TMĐT trở nên dễ dàng hơn, góp phần giúp đảm bảo nguồn thu và tránh thất thu ngân sách nhà nước.

1. Thực trạng quản lý thuế TMĐT tại Việt Nam

Thị trường TMĐT tại Việt Nam tăng trưởng khá nhanh với 35,4 triệu người dùng và tạo ra doanh thu hơn 2,7 tỷ đô la trong năm 2019 do thế mạnh dân số trẻ cũng như lượng người dùng điện thoại thông minh chiếm tỷ trọng lớn dẫn đến lượng người giao dịch TMĐT trên điện thoại thông minh tăng nhanh. (Bộ Công Thương, 2021) Bên cạnh những lợi ích mà TMĐT mang đến như giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, thanh toán nhanh thì vẫn còn nhiều hạn chế trong việc mua bán trên thị trường trực tuyến như vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội; hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức; tranh chấp với đối tác trong TMĐT, đặc biệt các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch TMĐT phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh, v.v… Các hành vi vi phạm trong TMĐT diễn ra ngày càng phức tạp khiến người tiêu dùng còn nhiều lo ngại trong việc mua hàng và thanh toán trực tuyến.

Hiện tại, trung bình mỗi ngày có 3,5 triệu giao dịch được thực hiện trên các sàn giao dịch TMĐT tại Việt Nam, nhưng nhiều người kinh doanh có doanh thu không thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc kê khai không trung thực. Do đó, các quy định, chính sách thuế TMĐT sẽ góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh. Đồng thời giúp tăng cường quản lý, chống thất thu thuế với nhóm đối tượng này.

1.1. Các chính sách thuế TMĐT tại Việt Nam

Việt Nam đang từng bước trở thành một trong những thị trường TMĐT tiềm năng của khu vực và thế giới. Nhằm đảm bảo việc thu thuế đúng và chống thất thu ngân sách nhà nuớc, các cơ quan nhà nước đang từng bước xây dựng khung pháp lý nhằm quản lý các hoạt động TMĐT một cách hiệu quả nhất. Chính sách thuế TMĐT giúp nhà quản lý thuế xác định được các giao dịch trực tuyến phải nộp thuế và xác định được thông tin của thông tin của các đối tượng phải nộp thuế nhằm thu đúng thu đủ, tránh bỏ sót các đối tượng nộp thuế.

1.1.1. Xác định các giao dịch trực tuyến phải nộp thuế TMĐT

Tại Việt Nam, chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống và hoạt động kinh doanh theo phương thức TMĐT. Việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT đang được thực hiện theo đúng quy định của các Luật Thuế (Giá trị gia tăng, Thu nhập doanh nghiệp, Thu nhập cá nhân), Luật Quản lý thuế (QH, 2019) và các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thì doanh nghiệp Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam có hoặc không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó. Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam. Từ năm 2016, tất cả các doanh nghiệp áp dụng mức thuế suất 20%. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp có tổng doanh thu không vượt quá 200 tỷ đồng được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Nguồn thu thuế TMĐT chủ yếu từ 3 loại giao dịch gồm: Bán hàng qua mạng xã hội hoặc các sàn TMĐT (Shopee, Lazada, Tiki…); Thu nhập từ hoạt động viết các ứng dụng trò chơi, quảng cáo qua Facebook, Google, YouTube...; Các tổ chức, gia đình có hoạt động cho thuê nhà thông qua các trang mạng điện tử (Agoda, Booking...)

Tuy nhiên một số giao dịch không nằm trong ba loại giao dịch kể trên như các dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet. Các dịch vụ này đang phát triển và trở thành xu thế của toàn thế giới, chẳng hạn dịch vụ Iflix của Malaysia, WeTV của Trung quốc, Netflix của Mỹ.... Netflix, bắt đầu cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng Việt Nam vào đầu năm 2016, ước tính có 300.000 người dùng, với mỗi người dùng trả từ $6 đến $12 USD mỗi tháng. Các thuê bao Netflix tại Việt Nam hầu hết đăng ký sử dụng dịch vụ, thanh toán phí… đều thông qua phương thức trực tuyến, thẻ tín dụng. Nhìn chung, điều này có nghĩa là Netflix có khả năng kiếm được tới 3,6 triệu USD (≈ 82 tỷ VND) mỗi tháng, nhưng chính phủ Việt Nam không nhận được bất kỳ doanh thu thuế nào từ các giao dịch.

Ông Nguyễn Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết Netflix chưa thành lập văn phòng đăng ký tại Việt Nam, cũng như chưa thực hiện các thủ tục để xin giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến trong nước và điều này dẫn đến thất thu thuế. Tuy nhiên, theo mã số thuế, Chính phủ không có chế tài cụ thể cho trường hợp này. (Tuấn Nguyễn, 2020).

1.1.2. Xác định thông tin đối tượng phải nộp thuế TMĐT

Trong những năm gần đây, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành một số quy định nhằm xác định nguồn thu ngân sách trên thu nhập của các tổ chức nước ngoài, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh trên nền tảng số tại Việt Nam như Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 05 năm 2013 về TMĐT và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT. Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 01 tháng 6 năm 2021 hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; Thông tư 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế 2019 đã có những nội dung chi tiết điều tiết hoạt động TMĐT.

Theo quy định mới nhất tại Thông tư 40/2021/TT-BTC (Thông tư 40) ngày 01 tháng 6 năm 2021 hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh của Bộ Tài chính thì các sàn TMĐT phải kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh. Sàn giao dịch TMĐT căn cứ doanh thu, các khoản thu khác mà cá nhân kinh doanh trên sàn nhận được, bao gồm khoản nhận qua đơn vị vận chuyển - COD, các hình thức trung gian thanh toán... để xác định doanh thu kê khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh. Hàng tháng, các thông tin của người bán sẽ được sàn chuyển cho cơ quan thuế theo hình thức điện tử. Các dữ liệu phải chuyển sang thuế gồm doanh thu, tài khoản ngân hàng, hàng hóa, dịch vụ bán và thông tin cá nhân gồm họ tên, số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân/căn cước công dân/ hộ chiếu, mã số thuế, địa chỉ, email, số điện thoại liên lạc...

Thông tư 40 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2021, trong đó quy định chủ sàn TMĐT phải kê khai và nộp thuế thay các chủ hàng bán qua sàn theo lộ trình. Trước mắt là cung cấp dữ liệu của người bán hàng cho cơ quan thuế. Sau đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng lộ trình để áp dụng quy định này, trong đó đặt mục tiêu tới năm 2022 sẽ kết nối dữ liệu giữa cơ quan thuế với các sàn TMĐT. Tuy nhiên, quy định này vấp phải phản ứng mạnh từ các doanh nghiệp quản lý sàn thương mại vì vậy Bộ Tài chính đã trình Chính Phủ hoãn thực hiện thông tư 40 và kéo dài thời gian để lấy ý kiến, triển khai đầu năm 2022 (thời hạn cũ là 1/8/2021).

1.2. Thực trạng quản lý kê khai, nộp thuế TMĐT ở Việt Nam

Ngày càng có nhiều cá nhân với trí tuệ, năng lực sáng tạo kiếm được thu nhập từ Youtube, Google, Facebook và các chợ ứng dụng như Playstore, Appstore. Việc kiếm được tiền qua các kênh nội dung chia sẻ trên Youtube, Google cũng như qua mạng xã hội Facebook không đơn giản nhưng cũng không quá khó với các bạn trẻ. Chẳng hạn trên Youtube, một kênh đủ điều kiện bật tính năng kiếm tiền phải có ít nhất 4.000 giờ xem trong 12 tháng gần nhất cho toàn bộ video, có ít nhất 1.000 người đăng ký theo dõi (subscribe) và đạt 10.000 lượt xem (view) thật, không phải lượt xem ảo.

Theo Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế TNCN đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh, các cá nhân có thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế theo quy định. Điều này có nghĩa là các cá nhân nhận thu nhập từ tổ chức như Facebook, Google, Youtube... được xếp là cá nhân kinh doanh, nộp thuế theo tỷ lệ 5% VAT và 2% thuế TNCN. (Tuấn Nguyễn, 2020) Như vậy, các bạn trẻ thông minh, sáng tạo như đề cập ở trên khi có nguồn thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên nếu không tự giác kê khai nộp thuế hay cố tình chây ỳ nộp thuế, sẽ bị xử phạt hành chính và thậm chí khi số thuế lớn có thể chuyển sang truy tố hình sự.

Bên cạnh việc thu nhập của các cá nhân tăng nhanh khi xây dựng các kênh chia sẻ trên các trang mạng xã hội thì doanh thu của Facebook, Google… tại Việt Nam ngày càng tăng khủng khiếp. Các doanh nghiệp này thường không kê khai hoặc kê khai sai doanh thu thuế GTGT hoặc không kê khai thuế đối với dịch vụ của một số công ty đa quốc gia có phát sinh dịch vụ ở Việt Nam. Kết quả là các cơ quan thuế Việt Nam vẫn chưa thể thu thuế từ họ và đây chính là sự bất hợp lý với các doanh nghiệp của Việt Nam đang hoạt động.

Các phương pháp thu thuế dựa trên sự tự nguyện kê khai của người bán hàng, bên cạnh hoạt động giám sát, kiểm tra chuyên ngành của cơ quan thuế. Trên thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân có thu nhập do cung cấp dịch vụ có thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội nước ngoài (Google, Facebook, Youtube, ...) thông qua các dữ liệu do các ngân hàng cung cấp, có hơn 18.300 tổ chức, cá nhân mở tài khoản tại các ngân hàng có tổng số thu nhập từ Google, Facebook, Youtube khoảng 1.462 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã xác định được hơn 1.100 cá nhân hoạt động trong các dịch vụ điện tử, trò chơi trực tuyến và phần mềm và những cá nhân này có tổng thu nhập là 208 triệu USD từ năm 2016 đến năm 2019. Một cá nhân có thu nhập hơn 6 triệu USD nhưng cũng như những người khác, không tự giác kê khai và đóng thuế thu nhập cá nhân. Nhiều cá nhân thực hiện các giao dịch mua bán tiền “ảo”, chuyển nhượng các vật phẩm “ảo” trong game hay cho thuê ứng dụng để đặt quảng cáo trực tuyến có doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nhưng không kê khai, nộp thuế đầy đủ.

1.3. Thực trạng quản lý thông tin đối tượng quản lý thuế TMĐT ở Việt Nam

Mô hình quản lý và thu thuế chung hiện nay là đăng ký thuế; xử lý tờ khai và chứng từ nộp thuế; quản lý thu nợ thuế; xét hoàn thuế; quyết toán thuế; miễn, giảm thuế. Đối với các cơ sở kinh doanh truyền thống có hệ thống quản lý chặt chẽ từ tài khoản ngân hàng đến đăng ký thuế và hóa đơn bán hàng. Tuy nhiên, đối với hoạt động giao dịch TMĐT trên Internet, có nhiều vấn đề xuất hiện khi thực hiện các hoạt động này. Chẳng hạn trong mô hình C2C, các giao dịch trực tuyến trực tiếp thường không đăng ký thuế và các nhà quản lý thuế không thể thực sự nắm bắt được nguồn thuế, và càng khó hơn để biết được các thông tin về đối tượng quản lý thuế. Có thể thấy, các sàn TMĐT là ứng dụng nổi bật của mô hình C2C, chẳng hạn Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Chotot,.... Theo đó, các cá nhân hay doanh nghiệp tham gia sàn TMĐT có thể đăng sản phẩm rao vặt, hoặc tự tạo được gian hàng của riêng mình và không cung cấp các dịch vụ như giao nhận, thanh toán đảm bảo. Phần lớn các cá nhân tham gia mua bán trên sàn TMĐT không đăng ký thuế, không kê khai và nộp thuế TMĐT do các giao dịch hoàn toàn qua mạng với các tài khoản ảo, dễ che giấu danh tính, khó xác minh địa chỉ và phạm vi kinh doanh của các tài khoản. Các giao dịch kinh doanh qua Internet thì các hóa đơn, sổ sách truyền thống hầu như không được sử dụng mà dữ liệu kỹ thuật số được sử dụng nhiều hơn. Tuy nhiên, các phương pháp quản lý thuế hiện hành không thể thích ứng với sự thay đổi này, và quy trình kiểm toán và thu thập thông tin truyền thống khó thực hiện trong các doanh nghiệp Internet.

Tổng cục Thuế cho biết tổng thu tiền thuế và tiền phạt từ cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và cá nhân kinh doanh TMĐT trên các trang web, Facebook… tại một số cục thuế lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đến tháng 12/2020 chỉ "nhỏ giọt" ở mức 240,89 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội 148 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh 68,55 tỷ đồng, Đà Nẵng 24,33 tỷ đồng. (Đào Đức Thủy, 2021).

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2020, có khoảng 15 nghìn kênh YouTube đã bật nút kiếm tiền, trong đó có khoảng 350 kênh có doanh thu lớn và từ 1 triệu người đăng ký theo dõi trở lên. Chẳng hạn, kênh YouTube Thơ Nguyễn của Nguyễn Hồng Thơ (SN 1992) đạt gần 5 tỷ lượt xem. Mức doanh thu ước tính mỗi năm của kênh này từ 596.600 USD đến 9,5 triệu USD (14 tỷ đồng - 224 tỷ đồng). Cris Phan, người sở hữu kênh YouTube Cris Devil Gamer có tới hơn 9 triệu người đăng ký và hơn 2 tỷ lượt xem. Doanh thu ước tính mỗi năm của kênh Cris Devil Gamer rơi vào khoảng 218.200 USD - 3,5 triệu USD (khoảng 5,1 tỷ - 82 tỷ đồng). Hay một kênh YouTube nổi tiếng khác là bà Tân Vlog với mức doanh thu ước tính mỗi năm có thể từ 1,9-30 tỷ đồng. (Hà An, 2021).

Tuy nhiên, ngành Thuế chỉ nắm được thông tin của 5 nghìn kênh trên tổng số 15 nghìn kênh để yêu cầu đóng thuế hoặc cá nhân tự chủ động đóng thuế. Như vậy, tổng số thuế mà các cá nhân có thu nhập từ hoạt động giao dịch TMĐT đã nộp thấp hơn nhiều so với nghĩa vụ phải nộp. Đáng báo động hơn, các cá nhân đang tìm mọi cách trốn thuế bằng cách không khai báo, khai báo không trung thực, không đúng với thực tế. Ngoài ra, những đối tượng này còn trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế như Papal, Payoneer.

Đối với hoạt động cho thuê nhà, cụ thể là tổ chức, cá nhân đăng thông tin qua các website nước ngoài, năm 2019, cơ quan thuế đã rà soát 483 địa chỉ. Trong đó 107 tổ chức đã nộp khoảng 9,4 tỷ đồng; 68 cá nhân đã nộp 634 triệu đồng. Như vậy, vẫn còn 308 tổ chức, cá nhân trong tổng số 483 tổ chức, cá nhân được rà soát là chưa nộp thuế, còn chưa kể đến những đơn vị chưa được rà soát. Như vậy, nguồn thuế bị thất thu từ hoạt động cho thuê nhà trên nền tảng công nghệ số cũng rất lớn.

1.4. Thực trạng hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế TMĐT ở Việt Nam

Tại Hà Nội, từ năm 2017, cục thuế đã rà soát và gửi tin nhắn SMS thông báo, hướng dẫn tới 13.422 chủ tài khoản Facebook có các hoạt động kinh doanh bán hàng qua mạng với trên 2.000 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế dùng để kê khai, nộp thuế, thu được tổng số thuế và tiền phạt từ loại hình kinh doanh bán hàng qua mạng được hơn 22,7 tỷ đồng. Năm 2019, Tổng cục Thuế đã thanh tra, phát hiện một cá nhân nhận 41 tỷ đồng từ Google để cung cấp dịch vụ quảng cáo trên game nhưng chưa kê khai, nộp thuế. Đoàn thanh tra đã truy thu và xử phạt hơn 4 tỷ đồng.

Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã tiến hành xác minh tại tất cả các ngân hàng trên cả nước để xác định các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có phát sinh thu nhập từ các trang mạng xã hội nước ngoài chưa thực hiện kê khai nộp thuế hoặc kê khai nộp thuế không đúng quy định, từ đó thực hiện thanh tra, kiểm tra để xử lý truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Trong 4 tháng đầu năm 2021, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết các cơ quan thuế của TP Hồ Chí Minh đã ban hành 30.923 quyết định cưỡng chế với số tiền thuế nợ 26.569 tỷ đồng, với số nợ thuế thu hồi được là 3.311 tỷ đồng, tăng 91,83% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng tăng 1.585 tỷ đồng. (Hoàng Phương, 2021) Như vậy, có thể thấy trong những năm qua số tiền thuế và tiền phạt từ hoạt động thanh kiểm tra ngày càng tăng cho dù ngành Thuế đã phối hợp với các đơn vị liên quan (các ngân hàng thương mại…) kiểm soát luồng tiền từ nước ngoài chuyển về cho các tổ chức, cá nhân (thực chất là chi trả lợi tức, thu nhập, lương…). Đồng thời, qua thanh kiểm tra nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, Tổng cục Thuế cũng thu được số tiền rất lớn từ tổng số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp thu nộp được từ các tài khoản trên mạng xã hội nước ngoài.

2. Giải pháp chống thất thu thuế TMĐT

Xu hướng phát triển của nền kinh tế số, nhiều mô hình, hoạt động kinh doanh được thực hiện trên nền tảng TMĐT. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân cùng các nền tảng TMĐT và mạng xã hội quốc tế như Google, Facebook, YouTube... đã tạo ra doanh thu “khổng lồ”. Tuy nhiên những đóng góp của lĩnh vực này vào ngân sách nhà nước còn hạn chế, do đó các cơ quan chức năng cần thực hiện những giải pháp quản lý thuế TMĐT tốt hơn nữa.

2.1. Các đề xuất cải tiến chính sách thuế và quản lý thuế thương mại điện tử ở Việt Nam

Cơ quan quản lý thuế cần xây dựng, chỉnh sửa các chính sách thuế TMĐT theo hướng quy định rõ các giao dịch chịu điều tiết của thuế TMĐT, cách xác định doanh thu thuế TMĐT cũng như quy định rõ các chế tài để xử lý những vi phạm của các đối tượng chịu thuế TMĐT. Cần đưa ra nhiều hướng xử lý đối với những vi phạm của các tập đoàn đa quốc gia lớn như Facebook, Google tại Việt Nam, trong đó bao gồm tiếp tục tập hợp các bằng chứng vi phạm, đấu tranh yêu cầu Facebook, Google tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Luật quản lý thuế cần học kinh nghiệm của nước ngoài trong việc phối hợp và yêu cầu các công ty đa quốc gia tuân thủ nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch xuyên biên giới, tránh thất thu và gây ra tình trạng không công bằng.

Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế đối với TMĐT, Cục Thuế tỉnh và các chi cục thuế trực thuộc đã thực hiện những giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến về nghĩa vụ kê khai nộp thuế, chính sách thuế, các loại thuế phải thực hiện kê khai nộp thuế trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đến với tất cả người nộp thuế. Tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức, kinh nghiệm, kiến thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong phòng, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực TMĐT. Xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền đến từng người nộp thuế mà cán bộ đang trực tiếp quản lý. Xây dựng lực lượng chuyên trách trong phòng, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực TMĐT, tiến tới từng bước hình thành lực lượng trên toàn ngành Thuế tỉnh.

Tiếp tục tập trung hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của mình theo quy định; thực hiện rà soát, phân tích dữ liệu thanh tra, kiểm tra đối với một số trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh theo hình thức TMĐT trên cả nước; phối hợp với các đơn vị, sở, ngành để thu thập thông tin, hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.

2.2. Giải pháp đối với các cơ quan quản lý thuế TMĐT ở Việt Nam

Rà soát tổ chức, cá nhân hoạt động về công nghệ thông tin. Tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa cho các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT, nhất là các đơn vị giao nhận được uỷ quyền thu tiền khi giao hàng (hình thức COD) để xác định các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT và doanh thu kinh doanh TMĐT.

Đối với các doanh nghiệp bán hàng nhập khẩu từ nước ngoài thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh, cơ quan thuế sẽ phối hợp với Cục Hải quan để nắm dữ liệu hàng hóa nhập khẩu chuyển vào, đối chiếu doanh thu của sản phẩm này với việc thực hiện kê khai nộp thuế.

Đối với cá nhân cư trú trong nước có hoạt động kinh doanh TMĐT, cơ quan thuế sẽ rà soát từng nội dung số trên các trang Youtube xác định tên, địa chỉ của các Youtuber, xác định được người thụ hưởng, các ngân hàng xác minh tài khoản nhận tiền để thực hiện các biện pháp thu thuế.

Tăng cường công tác rà soát, thanh tra các đối tượng mới phát sinh từ hoạt động kinh doanh qua mạng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam để xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế, chống thất thu thuế. Ngoài ra, thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, tổng hợp các hành vi trốn, tránh thuế phổ biến của người nộp thuế.

Nâng cao năng lực và phương thức quản lý của cơ quan thuế đối với thuế TMĐT. Giao dịch trực tuyến ngày nay cần có những công cụ và một trung gian để kết nối và giao tiếp giữa người bán và người mua. Các thiết bị được coi là tài nguyên kỹ thuật số hoặc cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Có hai loại tài nguyên kỹ thuật số trong giao dịch trực tuyến: thứ nhất, hữu hình, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng, mạng internet, máy tính cá nhân, thiết bị di động... và thứ hai, vô hình, chẳng hạn như nền tảng hoặc trang web và luật pháp trong giao dịch trực tuyến. Tài nguyên kỹ thuật số là nền tảng cho giao tiếp và kết nối, ví dụ, internet tốc độ cao là một trong những tài nguyên thiết yếu để kết nối người mua và người bán trực tuyến trên toàn thế giới. Hiện nay, công nghệ 5G là công nghệ truyền thông mới được nhiều quốc gia trên thế giới tích hợp nhằm thể hiện sự sẵn sàng về kết nối và công nghệ truyền thông.

Tóm lại, các nguồn tài nguyên kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số rất cần thiết cho việc thúc đẩy và phát triển đất nước về mặt xã hội số và giao dịch trực tuyến.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Agrawal, D. và cộng sự (2017), “Taxes in an E-Commerce generation”, International Tax Public Finance, Vol. 24, pp. 903-926.

2. Bộ công Thương (2021), “Phát triển thương mại điện tử trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số”, https://moit.gov.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/phat-trien-thuong-mai-dien-tu-tro-thanh-mot-trong-nhung-linh.html

3. Hà An (2021), “Trám” lỗ hổng thất thu thuế TMĐT”, https://cand.com.vn/Thi-truong/Tram-lo-hong-that-thu-thue-thuong-mai-dien-tu-i600030/

4. Laudon, K. và cộng sự (2016), “E-Commerce 2016 business - technology - society”, Pearson Education Limited, twelfth Edition, 2016.

TS. Nguyễn Thị Phương Thu

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

ThS. Đậu Tam Quang

Sở Tài chính Thanh Hóa

Tạp chí in số 12/2022
Bạn đang đọc bài viết Quản lý Thuế thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan