Quản trị chuỗi cung ứng du lịch tỉnh Quảng Nam với cách mạng công nghiệp 4.0
TCDN - Du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ riêng đối với Việt Nam mà ngay cả với các nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành du lịch nói chung và khách du lịch nói riêng luôn luôn đề cập đến chất lượng dịch vụ du lịch.
TÓM TẮT:
Du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ riêng đối với Việt Nam mà ngay cả với các nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành du lịch nói chung và khách du lịch nói riêng luôn luôn đề cập đến chất lượng dịch vụ du lịch. Chính vì vậy, việc quản trị chuỗi cung ứng du lịch là yếu tố then chốt để phát triển ngành du lịch một cách có hiệu quả nhất. Bài viết phân tích thực trạng quản trị chuỗi cung ứng du lịch của tỉnh Quảng Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện hoạt động quản trị chuỗi cung ứng du lịch của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Quảng Nam là tỉnh nằm ở trung tâm của Việt Nam, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung nước ta, là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi và có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Đây là địa phương duy nhất của Việt Nam có 2 di sản văn hóa thế giới là Khu đền tháp cổ Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An. Ngoài ra, du khách đến với Quảng Nam còn được thưởng thức những vẻ đẹp hoang sơ, nhiều loại sản vật quý hiếm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đảo Cù Lao Chàm nên thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
Tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tuy nhiên trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch Quảng Nam nói riêng nên lượng khách du lịch đến Quảng Nam trong những năm vừa qua vẫn chưa đạt được sự kỳ vọng. Để phát triển được du lịch của tỉnh, một trong những giải pháp cần triển khai là quản trị hiệu quả chuỗi cung ứng du lịch, đặc biệt cần ứng dụng triệt để những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
2. NỘI DUNG
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, số lượt khách quốc tế lẫn nội địa đến Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2019 tăng đều qua các năm, tuy nhiên đến năm 2020, do tâm lý ngại dịch bệnh và sự sụt giảm thu nhập của người dân nên số lượt khách giảm đi đáng kể so với trước khi dịch bệnh xuất hiện, lượng khách quốc tế chỉ đạt 766 nghìn lượt/khách, giảm 83,58% so với cùng kì năm 2019. Đến năm 2021, lượng khách quốc tế lại tiếp tục giảm đi 97,59 % so với năm 2020. Trong khi đó, việc các địa phương thực hiện giãn cách xã hội do đợt dịch thứ 4 bùng phát kéo dài khiến khách hủy phòng, hủy tour hàng loạt gây thiệt hại rất lớn cho các cơ sở kinh doanh lưu trú và doanh nghiệp lữ hành nên cũng đã làm cho số lượng lượt khách nội địa đến Quảng Nam trong 3 năm gần đây liên tiếp sụt giảm. Tuy nhiên, đến năm 2022, được sự thống nhất của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết chọn Quảng Nam là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề: “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” đã làm cho lượng du khách đến Quảng Nam tăng vọt với lượng khách lưu trú đạt gần 4,8 triệu lượt, tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong những năm vừa qua, sự bùng phát và lây lan rất nhanh của đại dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Doanh thu xã hội từ du lịch giảm sút nghiêm trọng trong năm 2020 và 2021. Mặc dù trong năm 2019, doanh thu xã hội từ du lịch đạt 14.750 tỷ đồng, cao nhất trong 5 năm vừa qua, song đến năm 2020 mức doanh thu chỉ đạt 2.526 tỷ đồng, giảm 82,87% so với năm 2019 và nguồn thu này chỉ còn lại 1.090 tỷ đồng trong năm 2021.
Trong năm 2022, doanh thu từ du lịch đạt 38.000 tỷ đồng, đóng góp 8.900 tỷ đồng vào doanh thu xã hội từ du lịch. Điều này đã dần khẳng định bức tranh ngành du lịch của Quảng Nam đang phục hồi sau đại dịch Covid - 19.
Chuỗi cung ứng du lịch bao gồm nhiều thành phần, không chỉ có các dịch vụ lưu trú, vận chuyển và các hoạt động tham quan, các hoạt động kinh doanh nhà hàng ăn uống và bar, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất đồ ăn, xử lý rác thải…, mà còn có cả sự tham gia của các cơ quan nhà nước trong các vấn đề về hộ chiếu, visa, hải quan cũng như các dịch vụ hạ tầng phục vụ cho du lịch tại điểm đến.
Quản trị chuỗi cung ứng du lịch là sự liên kết các quá trình trong hoạt động kinh doanh du lịch từ các nhà cung cấp ban đầu (vận chuyển, lưu trú, ăn uống, tham quan, mua sắm trong quá trình du lịch) đến người sử dụng cuối cùng (khách du lịch) nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ và thông tin cho khách du lịch. Việc tạo lập và quản trị chuỗi cung ứng du lịch hiệu quả sẽ giúp tối ưu hóa lợi ích cho các bên liên quan (nhà nước, nhà cung ứng, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch và người dân địa phương tại điểm đến du lịch). Đây cũng chính vấn đề nâng cao chất lượng “sản phẩm du lịch”.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang những thành tựu vượt bậc của công nghệ số tới mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch. Công nghiệp 4.0 giúp cho các nhà kinh doanh du lịch triển khai bán các dịch vụ du lịch cho mọi đối tượng có nhu cầu trên khắp thế giới với chi phí ít nhất, thời gian tiết kiệm nhất và doanh thu cao nhất. Chính nhờ mua và bán hàng qua mạng nên các doanh nghiệp du lịch có thể liên kết, cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn và lợi nhuận, bán hàng cho số lượng khách đông, chi phí và thời gian ít nên họ có thể ổn định giá, giảm giá các dịch vụ du lịch. Intenet kết nối vạn vật đã giúp cho các doanh nghiệp lữ hành dễ dàng kết nối tour, tuyến điểm, tăng lượng khách và tăng hiệu suất kinh doanh du lịch, biến du lịch trở thành một ngành công nghiệp có guồng máy hoạt động không ngừng nghỉ, chạy hết công suất. Nhờ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 giúp cho các doanh nghiệp du lịch thuận tiện hơn trong việc cung cấp thông tin, hình ảnh điểm đến cho du khách mọi lúc, mọi nơi, kích thích và tạo ra nhu cầu khám phá, tìm hiểu điểm đến, từ đó dễ dàng hơn trong việc tạo nên thương hiệu điểm đến trong lòng du khách.
2.1 Thực trạng chuỗi cung ứng du lịch của tỉnh Quảng Nam
Quảng Nam là một tỉnh nằm ở trung tâm của Việt Nam, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung nước ta, là tỉnh có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi và có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phong phú. Sở hữu 125km bờ biển, Quảng Nam được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch biển. Ngoài các địa danh An Bàng, Cửa Đại, những cái tên như Tam Thanh, Bình Minh, Hà My, Bãi Rạn… đã bắt đầu được du khách trong và ngoài tỉnh quan tâm tìm đến, nhất là khi tuyến đường ven biển kéo dài từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ đã kết nối, cùng chủ trương dịch chuyển du lịch vào phía nam của tỉnh. Trong thời gian qua, việc thúc đẩy thương hiệu du lịch biển đã được ngành du lịch tỉnh quan tâm mạnh mẽ, đặc biệt là hàng loạt các sự kiện văn hóa, thể thao gắn liền với không gian biển đã được tổ chức nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa biển trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Cùng với tiềm năng du lịch biển, hệ thống sông ngòi, ẩm thực bản địa đặc sắc, Quảng Nam còn hội tụ nhiều giá trị văn hóa, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử… phong phú tạo nên những nét riêng có về vùng đất và con người xứ Quảng chân tình và mến khách. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam còn được biết đến là địa phương có lợi thế, tiềm năng về du lịch nông nghiệp, nông thôn, miền núi, làng quê, làng nghề với nhiều cảnh quan tự nhiên hoang sơ, hấp dẫn, tính đa dạng sinh học cao và các giá trị văn hóa bản địa độc đáo như: Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, các làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, Đhờ Rôồng (Đông Giang), làng dệt thổ cẩm Zara (Nam Giang), rừng cây Di sản Pơmu (Tây Giang), vùng Sâm Ngọc Linh (Nam Trà My), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), làng rau Trà Quế, Làng du lịch sinh thái Đại Bình (Nông Sơn), làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Xuyên), làng du lịch cộng đồng Gò Nổi… Một số sản phẩm du lịch mới cũng được hình thành để thu hút khách du lịch chẳng hạn như: Tour trải nghiệm tuần hoàn rác thải, tour tâm linh, sự kiện festival biển, festival ẩm thực, Chợ ẩm thực làng quê, Chợ phiên Tân Thành...
Tính đến ngày 30/11/2021, Quảng Nam có hơn 850 cơ sở lưu trú du lịch với 16.913 phòng. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 về số cơ sở lưu trú là 19,77%/năm và số phòng là 17,78%/năm; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2021 về số cơ sở lưu trú là 12,2%/năm và số phòng là 14,1%/năm. Các doanh nghiệp du lịch đã nỗ lực hoàn thiện đưa các dự án nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí đi vào hoạt động đón khách như: Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana), Khu nghỉ dưỡng TUI Blue Nam Hội An, Shilla Monogram & The five villas,... để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Số lượng các doanh nghiệp lữ hành cũng tăng qua các năm. Các doanh nghiệp lữ hành đã chủ động xây dựng các tour tuyến với nhiều loại hình hấp dẫn hơn, độc đáo hơn. Tuy nhiên, việc liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch khác (khách sạn, nhà hàng, vận chuyển du lịch, các điểm vui chơi giải trí, mua sắm, các làng nghề phục vụ du lịch…) vẫn còn rất hạn chế, chưa tạo được mối quan hệ chặt chẽ.
Năm 2019, ngành du lịch toàn tỉnh sử dụng khoảng 18.000 lao động trực tiếp, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2016. Tốc độ tăng bình quân về lao động giai đoạn 2016 - 2019 là 17,8%/năm. Cuối năm 2020 và năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid, số lao động tạm ngừng việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc tại các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh hơn 14.000 người. Các doanh nghiệp du lịch duy trì một số ít nhân viên bảo vệ, kỹ thuật, buồng phòng, lễ tân và nhân viên quản lý, điều hành chủ chốt. Bên cạnh đó, nhiều lao động du lịch phải chuyển sang các ngành nghề khác, cùng với tâm lý e ngại của du khách… là những khó khăn, thách thức trong việc khôi phục hoạt động du lịch sau dịch bệnh. Tuy nhiên, bước vào năm 2022, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và người dân, đặc biệt là được sự thống nhất của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã quyết định chọn Quảng Nam là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2022 nên số lượng du khách trong và ngoài nước đến với Quảng Nam tăng lên đột biến, đạt khoảng 4,8 triệu lượt khách, chính điều này đã tạo công ăn việc làm cho hơn 16.000 lao động trong lĩnh vực du lịch.
Nhìn chung, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch của Quảng Nam rất phong phú và đa dạng nhưng vẫn chưa thật sự được hình thành và hoạt động theo đúng nghĩa nhằm tối ưu hóa lợi ích cho các bên liên quan, đồng thời góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển cho du lịch Quảng Nam tương xứng với những tiềm năng vốn có của tỉnh nhà. Hiện nay du lịch Quảng Nam vẫn thiếu các mô hình liên kết hiệu quả giữa các bên tham gia trong chuỗi cung ứng để hình thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Đó chính là sự liên kết giữa các tổ chức quản lý, sự liên kết giữa các địa phương lân cận cũng như sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và dịch vụ vận chuyển.
2.2 Giải pháp hoàn thiện hoạt động quản trị chuỗi cung ứng du lịch tỉnh Quảng Nam trong thời gian đến
Để có thể hoàn thiện quản trị chuỗi cung ứng cho du lịch tỉnh Quảng Nam nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
- Tích cực tạo dựng hình ảnh và thương hiệu cho ngành du lịch Quảng Nam, tiếp tục duy trì và khẳng định Quảng Nam: “Thương hiệu du lịch xanh”, “Điểm đến du lịch xanh”, Du lịch an toàn”… phù hợp với điều kiện mới sau đại dịch Covid - 19. Xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch Quảng Nam trong tình hình mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá, xúc tiến trên các trang mạng xã hội (facebook, instagram, tiktok, youtube, zalo…), các kênh thông tin, truyền thông của tỉnh, các Sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp du lịch và các tỉnh, thành phố trong liên kết phát triển du lịch với Quảng Nam, … nhằm tăng cường giới thiệu hình ảnh của Quảng Nam đến với du khách trong và ngoài nước.
- Ủy ban nhân dân Tỉnh cùng với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam cần hỗ trợ, rà soát, kịp thời khắc phục cũng như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch về thuế, bảo hiểm xã hội, lãi vay, thuê đất, giảm giá điện, hỗ trợ người lao động… theo quy định của Chính phủ. - Cần tiếp tục quy hoạch, đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống hạ tầng du lịch vào những điểm du lịch có khả năng thu hút du khách bao gồm hệ thống giao thông, thông tin liên lạc nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và phát triển du lịch nói riêng.
- Tập trung nâng cao chất lượng cũng như nâng cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ hiện có. Đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch mới theo hướng du lịch xanh nhằm thu hút khách, tạo nét độc đáo và khác biệt so với các địa phương khác. Đẩy mạnh việc hỗ trợ xây dựng các sản phẩm du lịch miền núi, du lịch cộng đồng, sinh thái; tích cực hỗ trợ để khai thác các bãi biển du lịch trên địa bàn tỉnh; phối hợp xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đêm.
- Các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh lưu trú và doanh nghiệp vận chuyển tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch có thể chủ động và tích cực trong quá trình hợp tác và liên kết, cần thiết lập một hệ thống thông tin liên kết với nhau ngoài hệ thống thông tin nội bộ của doanh nghiệp. Như vậy, những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch chung sẽ được các doanh nghiệp nhanh chóng cập nhật, nắm bắt và trao đổi với nhau thông qua mạng thông tin này.
- Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành cần phải đẩy mạnh áp dụng công nghệ số. Đại dịch diễn ra đã khiến việc sử dụng thiết bị di động và công cụ số ngày càng trở nên thiết yếu. Trong thời gian tới, cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, trong việc check - in online, hệ thống tự check - out và trả chìa khóa nhanh; thực hiện tư vấn, xử lý tình huống cũng như trả lời các câu hỏi về phục vụ khách qua hệ thống chatbox trả lời tự động. Tăng cường bán hàng qua các kênh OTA (Online Travel Agent) bởi lẽ tại các kênh này có chứa đầy đủ thông tin cần thiết giúp cho khách du lịch có cái nhìn rõ nét hơn và cụ thể hơn về các địa điểm du lịch mà mình cần đến.
3. KẾT LUẬN
Để hoạt động du lịch được phục hồi hiệu quả sau đại dịch Covid - 19 và thích ứng nhanh với trạng thái bình thường mới, ngành du lịch Quảng Nam cần phải xây dựng một mô hình phát triển bền vững hơn và linh hoạt hơn.
Các doanh nghiệp du lịch cần chủ động sẵn sàng thích ứng, có cơ chế chuyển đổi linh hoạt, hiệu quả, giữa các hoạt động du lịch nội địa và quốc tế nhằm kiểm soát và hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch covid gây ra. Đồng thời, các doanh nghiệp trong ngành du lịch cần liên doanh, liên kết, phối hợp với nhau để cùng xây dựng những chuỗi sản phẩm dịch vụ mang tính bổ trợ trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh, quyết tâm đẩy lùi thách thức, tận dụng tốt các cơ hội cũng như các chính sách ưu đãi từ phía Chính phủ.
Tài liệu tham khảo:
1. TS. Nguyễn Thành Hiếu, Quản trị hợp tác trong chuỗi cung ứng, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, 2015.
2. Đinh Thu Phương, Quản trị chuỗi cung ứng du lịch trong cách mạng công nghiệp 4.0, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Trường Đại học Vũng Tàu, 2018.
3. Ths. Đỗ Minh Phượng, Bàn về chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch Việt Nam, Tạp chí Du lịch, tháng 6 năm 2018.
4. GS.TS. Đoàn Thị Hồng Vân, Quản trị cung ứng, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, năm 2011.
5. Ấn tượng từ Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam 2022. Địa chỉ website: https://dangcongsan.vn/xuan-uoc-vong-2023/dang-dan-toc-va-mua-xuan/an-tuong-tu-nam-du-lich-quoc-gia-quang-nam-2022-630178.html.
6. Quyết định Số:1717/SVHTTDL-QLDL. V/v nội dung trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa X. Địa chỉ Website: quangnam.gov.vn
ThS. Nguyễn Thị Mỹ Vân
Trường Đại học Tài chính - Kế toán
email: [email protected], hotline: 086 508 6899