Quốc hội thông qua Nghị quyết về khoanh nợ, xóa nợ thuế

26/11/2019, 20:53

TCDN - Chính phủ được xóa các khoản nợ thuế, tiền phạt chậm nộp phát sinh trước tháng 7/2020 của người không còn khả năng nộp ngân sách.

Trước tình hình nợ đọng thuế hiện nay vẫn còn cao, khó đòi, Chính phủ đã trình Quốc hội xin phương án xử lý với số tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi vào ngân sách. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8/2019 là 88.253 tỉ đồng (tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2018). Trong đó, tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là gần 43.000 tỉ đồng, chiếm tới 48,7% tổng số tiền nợ thuế.

Cơ quan quản lý thuế đánh giá lý do nợ thuế vì người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, phá sản, bị thiên tai, thảm họa bất ngờ không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước… Trước tình hình này, Chính phủ đề xuất “xóa nợ”, khoanh nợ khó đòi.

Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết phiên họp chiều 26/11. (Ảnh: Nhân dân)

Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết phiên họp chiều 26/11. (Ảnh: Nhân dân)

Chiều 26/11, với 441/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,30% tổng số đại biểu, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Nghị quyết mới được thông qua gồm tám Điều, trong đó quy định rõ về: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc xử lý nợ; đối tượng được xử lý nợ; các biện pháp xử lý nợ; thẩm quyền và hồ sơ, trình tự thủ tục xử lý nợ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan.

Nghị quyết nêu trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn ba năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về việc này sẽ là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện xử lý nợ, theo đó các cơ quan, người có thẩm quyền phải căn cứ vào từng đối tượng, từng hồ sơ, đáp ứng các điều cụ thể về hồ sơ, thủ tục theo quy định của Nghị quyết thì mới được xử lý nợ.

Đồng thời, Nghị quyết này chỉ khoanh tiền nợ thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, chưa xử lý tiền nợ thuế gốc, theo đó điều kiện tiên quyết để được xử lý nợ là người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN. Đối với tiền nợ thuế gốc sẽ tiếp tục theo dõi và được xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các nội dung của dự thảo Nghị quyết về: tên gọi của Nghị quyết; phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc xử lý nợ; đối tượng xử lý nợ; biện pháp xử lý nợ; thẩm quyền khoanh nợ, xóa nợ; điều khoản thi hành.

Đáng chú ý, Quốc hội giao Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội kết quả xử lý nợ hằng năm khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, đồng thời báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết.

Về thẩm quyền, Thủ tướng được quyết định xoá khoản nợ thuế từ 15 tỷ đồng trở lên. Khoản nợ thuế 10-15 tỷ đồng do Bộ trưởng Tài chính quyết định. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan được xoá nợ thuế với khoản tiền 5-10 tỷ đồng. Còn khoản nợ thuế dưới 5 tỷ đồng do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định xoá nợ.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc thực hiện Nghị quyết, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Bích Thảo (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Quốc hội thông qua Nghị quyết về khoanh nợ, xóa nợ thuế tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi: Bỏ thương, vương nặng
Hiện chưa có quy định cụ thể để xử lý, giải quyết có hiệu quả nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi. Do vậy, số nợ sẽ tăng do tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp ngày càng tăng lên, thêm việc phải làm cho cơ quan quản lý song kết quả vẫn là...không thu được.