Xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi: Bỏ thương, vương nặng

23/08/2019, 17:08

TCDN - Hiện chưa có quy định cụ thể để xử lý, giải quyết có hiệu quả nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi. Do vậy, số nợ sẽ tăng do tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp ngày càng tăng lên, thêm việc phải làm cho cơ quan quản lý song kết quả vẫn là...không thu được.

xoano

Sáng 23/8, Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần nhanh chóng ban hành Nghị quyết cho phép xóa nợ các khoản không có khả năng thu hồi. 

Theo thống kê của Bộ Tài chính, số nợ không có khả năng thu hồi do cơ quan Thuế quản lý là 37.572 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 49,3% tổng số tiền thuế nợ, bằng 3,2% tổng số thu nội địa năm 2018). Cùng với đó, số nợ không có khả năng thu hồi do Hải quan quản lý là 3.815 tỷ đồng, chiếm 72,1% tổng nợ của toàn cơ quan Hải quan quản lý. Trong đó, 43,4% các khoản nợ khó thu phát sinh trước thời điểm Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung năm 2012 có hiệu lực.

Phát biểu tại Hội thảo Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước do Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Hiện vẫn chưa có quy định cụ thể để xử lý, giải quyết có hiệu quả nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi được. Nợ đọng thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã chấm dứt sản xuất kinh doanh, không còn đối tượng để thu, tồn tại kéo dài qua nhiều năm, tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp ngày càng tăng lên, tính đến cuối năm 2018 đã chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ.

Ông Lê Duy Minh, Quyền Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, do có số nợ thuế quá lớn, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh luôn bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ với số nợ thuế luôn chiếm 7-8% tổng số thu ngân sách của Cục Thuế. Thực tế, do hiện nay doanh nghiệp thành lập khá dễ dàng, nhanh chóng, khi kinh doanh không như ý là doanh nghiệp có thể bỏ địa chỉ kinh doanh nhiều. Hơn nữa, trong giai đoạn lãi suất ngân hàng lên tới 22%, nhiều doanh nghiệp đã không trả được thuế, từ đó cũng bỏ địa chỉ kinh doanh. Hiện nay, Cục Thuế đang phải quản lý tới 233 nghìn đối tượng không còn địa chỉ kinh doanh. Đây là dữ liệu lớn, cơ quan quản lý thuế vẫn phải liên tục theo dõi dù không có khả năng thu. Do vậy, cơ quan Thuế kỳ vọng Nghị quyết xử lý nợ thuế có càng sớm càng tốt cho việc công tác lý thuế. 

Ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cũng chia sẻ, dù đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế, nhưng số nợ khó thu ngày càng tăng đã kìm hãm tốc độ giảm tổng nợ của Cơ quan Thuế vì về bản chất, Cơ quan thuế không thể thu hồi được các khoản nợ này. 

“Với các đối tượng này, cơ quan Thuế đã áp dụng biện pháp kể cả đôn đốc, cưỡng chế (trước khi doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh), phối hợp với chính quyền địa phương xác minh tình hình hoạt động, thông báo công khai toàn quốc về việc người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu quá 1 năm không hoạt động trở lại... Số liệu nợ của các đối tượng này theo qui định cơ quan thuế vẫn phải theo dõi, vẫn phải tính tiền chậm nộp nên việc xây dựng dự thảo Nghị quyết xử lý nợ đối với nhóm nợ này là vô cùng cần thiết, giảm bớt áp lực cho cơ quan thuế, tránh lãng phí nguồn nhân lực trong vấn đề quản lý…”, ông Mai Sơn phát biểu.

Đông Phong
Bạn đang đọc bài viết Xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi: Bỏ thương, vương nặng tại chuyên mục Ý kiến của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan