Quy hoạch điện VIII: Mất cân bằng cung cầu, tạo sức ép lên truyền tải điện liên miền
TCDN - Bộ Công Thương vừa có văn bản báo cáo Thường trực Chính Phủ về các nội dung của quy hoạch điện VIII. Theo đó quy hoạch điện VIII còn bộc lộ nhiều hạn chế, đáng lưu ý là việc gây mất cân bằng cung cầu miền, tạo sức ép lên lưới truyền tải điện liên miền.
Theo Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt các loại hình nguồn điện của hệ thống điện quốc gia đạt 69.342 MW. Trong đó, miền Bắc 25.121MW (chiếm 36,2%), miền Trung 12.323 MW (chiếm 17,7%) và miền Nam 31.898 MW (chiếm 46%).
Trong giai đoạn 2016-2020, tổng số dự án điện mặt trời được phê duyệt bổ sung là 175 dự án với tổng công suất 19.126 MWp. Các dự án được bổ sung quy hoạch tập trung chủ yếu tại miền Trung và miền Nam - chiếm 96%. Trong đó có 58 dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt quy hoạch và 117 dự án do Bộ Công Thương quyết định phê duyệt quy hoạch.
Báo cáo về những kết quả đã đạt được, Bộ Công Thương cho biết ngành điện đã bảo đảm được cân đối lớn về an ninh năng lượng quốc gia giai đoạn 2016-2020. Quy mô nguồn điện của Việt Nam năm 2020 tăng 5 lần so với năm 2015. Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) phát triển mạnh giúp giảm tải khí gây hiệu ứng nhà kính và tăng tính chủ động trong cung cấp điện.
Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng có sự phát triển mạnh mẽ, đưa lưới điện quốc gia tới mọi miền của đất nước với tỷ lệ 99,479% số hộ dân cả nước có điện. Việc liên kết lưới điện với các nước láng giềng được duy trì, công tác nhập khẩu điện được chú trọng. Các thành phần kinh tế tham gia đầu tư điện ngày càng đa dạng; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hơn; giá điện phản ánh sát chi phí sản xuất kinh doanh...
"Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" - báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nêu những hạn chế, tồn tại của quy hoạch điện VIII. Trong đó, đáng lưu ý là việc gây mất cân bằng cung cầu miền, tạo sức ép lên lưới truyền tải điện liên miền; nguồn điện lớn chậm tiến độ kéo dài gây thiếu nguồn điện chạy nền; mức dự phòng công suất khả dụng của hệ thống khá thấp, gây khó khăn cho công tác vận hành sa thải phụ tải.
Không chỉ thế, tỷ trọng và công suất tiêu thụ của các nguồn điện gió, điện mặt trời gây khó khăn trong công tác vận hành kinh tế hệ thống điện, ảnh hưởng vận hành các nguồn điện than, khí. Điện năng sản xuất từ nguồn điện than chiếm tỷ trong lớn - lên đến 50% tổng điện năng sản xuất cần được hạn chế phát triển về dài hạn.
Việc lưới điện truyền tải chưa đi trước 1 bước để phát huy hiệu quả các nguồn điện, lưới điện chưa được đầu tư kịp thời, dự án triển khai kéo dài cũng như việc huy động các nguồn vốn còn nhiều khó khăn, các nhà đầu tư không đủ năng lực và tài chính nên triển khai các dự án kéo dài, bế tắc....
Trong công tác điều hành, quy hoạch cũng bộc lộ nhiều hạn chế như quản lý nhà nước về điều hành chưa hiệu quả, quyết liệt; quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư chưa toàn diện, đồng bộ, chưa theo kịp thực tiễn và nguồn lực thực hiện còn nhiều vướng mắc, chồng chéo; tính tuân thủ thực hiện quy hoạch chưa cao.
Ngoài ra, quá trình giải quyết các vướng còn kèo dài, hướng dẫn thực hiện chung chung, chưa cụ thể; công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc thực hiện quy hoạch chưa phát huy hiệu quả, chưa được thực hiện thường xuyên...
email: [email protected], hotline: 086 508 6899