Sắp xếp lại, xử lý nhà, đất: Thiếu giá trị, chậm phê duyệt

26/05/2022, 09:58

TCDN - Quá trình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất về cơ bản nắm được số lượng, diện tích, hiện trạng sử dụng và tình trạng hồ sơ pháp lý của nhà, đất do DNNN nắm giữ. Tuy nhiên, công tác xử lý còn gặp nhiều vướng mắc, nhất là việc xác định thẩm quyền lập, phê duyệt phương án sử dụng đất...

2-1

Đề xuất phương án xử lý gần 203.000 cơ sở nhà đất

Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, quá trình thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất về cơ bản từng bước nắm được số lượng, diện tích, hiện trạng sử dụng và tình trạng hồ sơ pháp lý của nhà, đất do các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập công lập, các tổ chức; các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp cấp II, doanh nghiệp cấp III đang quản lý, sử dụng.

Tính đến nay, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất đối với 202.647 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích khoảng 7.287,1 triệu m2 đất và 276,4 triệu m2 nhà. Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 159.870 cơ sở với tổng diện tích là 3.368,3 triệu m2 đất; 230,1 triệu m2 nhà.

Theo tổng hợp từ báo cáo kê khai về Bộ Tài chính, khối doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý hiện nay đang quản lý, sử dụng khoảng 17.564 cơ sở nhà, đất tương ứng 130 triệu m2 đất. Đến nay đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 15.976 cơ sở nhà, đất tương ứng 124 triệu m2 đất.

Quá trình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, thực trạng quản lý, sử dụng nhà, đất hiện nay còn phức tạp và khó xử lý; Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất chưa thực hiện đầy đủ trong việc thực hiện sắp xếp nhà, đất và chính sách di dời của Nhà nước, một số địa phương triển khai chậm, một số dự án kéo dài...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, công tác xử lý về đất đai gặp nhiều vướng mắc, nhất là trong việc xác định thẩm quyền lập, phê duyệt phương án sử dụng đất/phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có số lượng nhà đất lớn, nằm trên địa bàn nhiều địa phương, lịch sử pháp lý đất đai phức tạp.

Tiến độ trên thực tế thường bị chậm ở ngay khâu thống kê, đo đạc địa chính; nhiều trường hợp không được địa phương phê duyệt phương án do hồ sơ, giấy tờ không đầy đủ, không thống nhất về phương án sử dụng đất, về đo đạc diện tích đất, về sự phù hợp với quy hoạch. Có trường hợp doanh nghiệp được giao quản lý, sử dụng đất và tài sản trên đất từ hàng chục năm nay nhưng vẫn không có tài liệu chứng thực hợp pháp.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng không xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa hoặc xây dựng và phê duyệt phương án sử dụng đất sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp; xây dựng phương án sử dụng đất khi hồ sơ pháp lý về đất đai chưa bảo đảm; phương án sử dụng đất được phê duyệt chưa đầy đủ diện tích đất doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng. Thêm nữa, một số trường hợp, doanh nghiệp xây dựng phương án sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, không nêu rõ hình thức sử dụng đất sau cổ phần hóa; khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, còn có trường hợp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường.

Về nguyên nhân, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp có nhiều cách hiểu và khó bảo đảm cơ sở thuyết phục, nhất là khi quy trình cổ phần hóa, thoái vốn có thể kéo dài, có thể xảy ra thất thoát và vì vậy gây bức xúc trong dự luận, khiến dư luận hiểu sai về cổ phần hóa.

Trong khi đó, giá trị quyền sử dụng đất chỉ gia tăng khi có sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hình thức sử dụng đất của doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa không thay đổi, vẫn là Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Sau khi cổ phần hóa, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu có) phải phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Việc đưa phương án xử lý, sắp xếp nhà đất vào quy trình cổ phần hóa, thoái vốn chưa rõ sự cần thiết, gây khó khăn trong việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, trong khi việc rà soát hiện trạng sử dụng đất là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai, được thực hiện cả trước và sau cổ phần hóa, để bảo đảm mục đích, hiệu quả sử dụng đất, tránh hoang hóa, lãng phí.

Tách xác định giá trị quyền sử dụng đất khỏi quy trình cổ phần hóa

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và tránh thất thoát trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tách việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khỏi quy trình cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp vì hình thức sử dụng đất của doanh nghiệp trước và sau khi cổ phần hóa, thoái vốn vẫn là Nhà nước giao đất, cho thuê đất nên giá trị quyền sử dụng đất không gia tăng khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn mà chỉ khi có sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Sau khi cổ phần hóa, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu có) phải phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, cần tách công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khỏi quy trình cổ phần hóa vì rà soát hiện trạng sử dụng đất là nhiệm vụ thường xuyên cả trước và sau cổ phần hóa của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai để bảo đảm sử dụng đúng mục đích và hiệu quả sử dụng đất, tránh hoang hóa, lãng phí chứ không phải chỉ để thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Cục trưởng Cục Quản lý Công sản Nguyễn Tân Thịnh cho rằng, cần tiếp tục thực hiện rà soát để hoàn thiện chính sách, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi Luật Đất đai theo hướng các doanh nghiệp khi chuyển sang cổ phần hóa chỉ được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; không được thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa. Trường hợp doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho Nhà nước và sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Về công tác tổ chức thực hiện, các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố, các Tập đoàn, Tổng công ty khẩn trương đôn đốc các doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất kê khai báo cáo, lập phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo thẩm quyền; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp chậm kê khai, báo cáo đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp của Trung ương đóng trên địa bàn theo đề nghị của Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương nhằm bảo đảm tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất phục vụ việc xây dựng phương án sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hoá.

Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, quản lý tiến độ kê khai, báo cáo, lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và tổ chức xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.

Trà My

Tạp chí in số tháng 5/2022
Bạn đang đọc bài viết Sắp xếp lại, xử lý nhà, đất: Thiếu giá trị, chậm phê duyệt tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Đề nghị trình Quốc hội Luật Đất đai sửa đổi vào kỳ họp năm 2023
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung 2 dự án luật Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 cùng thời điểm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).