Sau Grab, hàng trăm tài xế beBike quây trụ sở vì cắt thưởng
TCDN - Hàng trăm tài xế beBike đã tụ tập tại trụ sở be ở Hà Nội khi cho rằng hãng này đã cắt thưởng vô lý. Trước đó, nhiều lái xe Grab cũng đã tập trung rất đông để phản đối tăng chiết khấu thuế VAT.
Chiều 11/12, hàng trăm tài xế beBike đã tụ tập tại trụ sở be ở Hà Nội nhằm phản đối hãng này cắt tiền thưởng tuần mà không thông báo cho đối tác.
Theo chia sẻ từ một tài xế beBike, đơn vị này đã thay đổi mức thưởng vào tin nhắn cũ chứ không thực hiện nhắn tin thông báo mới. "Sự việc bất ngờ này khiến nhiều anh em rất bức xúc", tài xế này chia sẻ.
Tuy nhiên, trao đổi với báo trí, đại diện hãng be cho biết "đây chỉ là sự hiểu nhầm".
Theo hãng này, ứng dụng be vừa qua triển khai nhiều chương trình thưởng dịp cuối năm dành cho tài xế. Nhằm phục vụ nhu cầu di chuyển tăng cao trong giai đoạn Giáng sinh và năm mới sắp đến, ứng dụng gọi xe be vừa tung ra hàng loạt chương trình thưởng hấp dẫn dành cho tài xế thân thiết.
Theo đó, các tài xế sẽ được tham gia cùng lúc 3 chương trình thưởng khác nhau: thưởng hoàn doanh thu của chương trình "Tài xế be thân thiết"; thưởng tuần "Lái nhiều thưởng cao"; và thưởng Tết "cùng đón Tết về - lái be nhận thưởng".
"Tuy nhiên, nhiều tài xế hiểu lầm họ chỉ được áp dụng một chương trình thưởng tuần (thấp hơn so với tuần trước do áp dụng cùng lúc thêm 2 chương trình mới), nên đã tụ tập trước văn phòng be tại Hà Nội để nêu ý kiến", đại diện hãng be cho biết.
Trước đó, vào ngày 7/12, tại khu vực trước trụ sở GrabBike (ngõ 78 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội), rất đông tài xế đã tập trung để phản đối việc đơn vị này tăng chiết khấu thuế VAT lên đối tác tài xế.
Giải thích về việc này, đại diện Grab giải thích rằng việc tăng chiết khấu thuế là áp dụng Nghị định 126/2020/NĐ-CP Luật Quản lý thuế.
Trao đổi với báo chí về việc này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết cơ quan này đã giải thích rõ cho Grab về Nghị định 126 không thay đổi về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Doanh nghiệp phải khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh. Đối với Grab là hoạt động kinh doanh vận tải, doanh nghiệp khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì thuế suất thuế GTGT là 10% và doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định.
Tại cuộc họp, đại diện của Grab cũng chưa thông tin rõ cho cơ quan thuế về việc tăng giá và tăng mức chiết khấu đối với tài xế là do ảnh hưởng của Nghị định 126.
Trước đó, cũng trao đổi với báo chí, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng thời gian qua do chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế cho mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân nên dẫn đến việc thực hiện khai thuế đối với mô hình Grab không thống nhất.
Tổng cục Thuế khẳng định, Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế (tài xế chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế giá trị gia tăng 10% đối với vận tải không thay đổi mà được áp dụng từ trước đến nay).
Do đó, Tổng cục Thuế nhấn mạnh, Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế.
Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng cách hiểu của Grab là Nghị định 126 làm tăng giá cước từ 8 - 18% (đối với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau) và làm giảm tỷ lệ chia cho tài xế 7% là hoàn toàn không đúng.
Theo lý giải của đại diện Tổng cục Thuế, Nghị định 126 của Chính phủ là văn bản hướng dẫn về quản lý thuế nên chỉ quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế giá trị gia tăng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899