Grab đẩy trách nhiệm thuế cho tài xế là không phù hợp

11/12/2020, 09:06

TCDN - Liên quan đến tranh luận gần đây trong việc thực hiện Nghị định 126, ông Nguyễn Văn Được cho rằng, khi chính sách thuế thu đúng bản chất của giao dịch, cả Grab và tài xế phải cùng thực hiện nghĩa vụ thuế này chứ không chỉ đẩy cho tài xế gánh chịu là điều chưa phù hợp trong quan hệ hợp tác kinh doanh.

Đảm bảo công bằng giữa các loại hình kinh doanh

Theo ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín, việc Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa tài xế và hãng công nghệ phải thực hiện kê khai tính thuế GTGT 10% cho toàn bộ doanh thu thu được là hợp lý, phù với các quy định hiện hành đồng thời phù hợp với bản chất của giao dịch và đảm bảo tính công bằng, bình đẳng giữa các loại hình kinh tế.

Ông Được phân tích: Các quy định của pháp luật cho đến nay đã quy định đối với Hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân có thực hiện phân chia doanh thu thì các bên phải cử ra một bên thực hiện hạch toán kế toán, xuất hóa đơn và kê khai nộp thuế theo quy định. Như vậy, trong hợp đồng hợp tác giữa tài xế và hãng xe công nghệ phải cử ra một bên thực hiện nghĩa vụ hạch toán kế toán và kê khai nộp thuế.

Ông Nguyễn Văn Được cho rằng việc tăng thuế GTGT đối với Grab là đúng quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Được cho rằng việc tăng thuế GTGT đối với Grab là đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tài xế là cá nhân thực hiện nộp thuế khoán hoặc thuế theo phương pháp trực tiếp trong khi đó hãng công nghệ thực hiện nộp thuế GTGT theo khấu trừ và thuế Thu nhập doanh nghiệp theo kê khai. Bên cạnh đó cá nhân tài xế không thực hiện hạch toán kế toán và hóa đơn chứng từ nên cá nhân tài xế không thể thực hiện khai thuế, tính thuế cho Hợp đồng hợp tác kinh doanh này được. Vì vậy, hãng công nghệ phải thực hiện công việc này thay cho tài xế là hoàn toàn phù hợp với thực tế và với quy định của pháp luật.

“Khi hãng công nghệ thực hiện hạch toán kế toán và xuất hóa đơn, kê khai nộp thuế thì việc áp dụng chính sách thuế phải được nhất quán, đồng bộ cho tất cả các giao dịch. Cụ thể thuế GTGT của dịch vụ vận tải là 10% phải được tính thuế xuyên suốt tất cả các quá trình mà không phân biệt vận tải trực tiếp hay vận tải gián tiếp”, ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.

Cũng theo ông Được, Nghị định 126 quy định hãng công nghệ phải thực hiện hạch toán, xuất hóa đơn và kê khai nộp thuế cho toàn bộ doanh thu vận tải với thuế suất 10% sau đó mới thực hiện phận chia cho tài xế theo tỷ lệ là phù hợp với quy định hiện hành và phù hợp với bản chất của giao dịch.

“Quy định này cũng nhằm đảm bảo đồng bộ về thuế GTGT đối với vận tải cho dù mô hình kinh doanh như thế nào và đảm bảo tính công bằng, minh bạch giữa các loại hình kinh tế cũng như quyền lợi của khách hàng khi được nhận hóa đơn”, ông Được khẳng định.

Grab làm không đúng

Những ngày qua, Grab cho rằng do tác động của NĐ 126 dẫn đến Grab tăng giá cước từ 8% đến 18% đối với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau, đồng thời giảm tỷ lệ chia cho tài xế 7%, trong khi đó Tổng cục Thuế khẳng định Grab làm không đúng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Được cho rằng, tỷ lệ phân chia doanh thu của hãng công nghệ và tài xế đó là giao dịch dân sự giữa các bên, pháp luật không điều chỉnh trong trường hợp này. Vì vậy các bên tự thỏa thuận nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa trên cơ sở các bên cùng có lợi.

Grab cho rằng do Nghị định 126 nên phải tăng giá cước và giảm tỷ lệ chia cho tài xế là sai.

Grab cho rằng do Nghị định 126 nên phải tăng giá cước và giảm tỷ lệ chia cho tài xế là sai.

Bên cạnh đó, Thuế GTGT của dịch vụ vận tải là của “hợp đồng hợp tác” tức là cả hai bên phải có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ thuế. Vì vậy khi chính sách thuế thu đúng bản chất của giao dịch thì cả hai bên phải cùng thực hiện nghĩa vụ thuế này chứ không phải chỉ đẩy cho tài xế gánh chịu là điều chưa phù hợp trong quan hệ hợp tác kinh doanh ngoại trừ các bên đồng ý tài xế phải gánh chịu toàn bộ về nghĩa vụ thuế này.

Dưới góc độ chính sách, ông Được nhấn mạnh “đã quá rõ ràng”, khi thu đúng, thu đủ với bản chất của giao dịch. Việc còn lại sẽ thuộc về các bên tự thỏa thuận với nhau nhằm hài hòa và đảm bảo lợi ích cao nhất.

Tuy nhiên, theo ông Được, các cơ quan nhà nước cũng cần sớm làm rõ về khung pháp lý của hình thức kinh doanh này đồng thời thực hiện chính sách tuyên truyền và phổ biến pháp luật thuế rõ ràng, minh bạch và dễ hiểu để các bên có liên quan hiểu thấu đáo chính sách, từ đó có cơ sở thực hiện đúng, đủ theo quy định tránh những cách hiểu chưa đúng về chính sách thuế làm ảnh hưởng đến tâm lý cũng như an ninh trật tự xã hội (nếu có) từ đó ảnh hưởng đến nền kinh tế đặc biệt là ảnh hưởng đến đông đảo tài xế công nghệ…

Ngoài ra các bên cũng cần vận dụng chính sách pháp luật để tìm ra một mô hình tổ chức kinh doanh hợp lý để thực hiện kê khai nộp thuế đúng bản chất tránh thiệt hại cho cả hãng công nghệ và tài xế từ đó là động lực cho quan hệ hợp tác này được tiếp tục phát triển và bền vững.

Ngày 9/12 Tổng cục Thuế đã có buổi làm việc với đại diện Grab về vấn đề này. Tại cuộc họp, Tổng cục Thuế đã giải thích rõ cho Grab biết về Nghị định 126/2020/NĐ-CP không có thay đổi về chính sách GTGT. Nghị định 126 quy định nghĩa vụ khai thuế GTGT đối với hoạt động hợp tác kinh doanh là do doanh nghiệp thực hiện.

Doanh nghiệp phải khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh. Đối với Grab là hoạt động kinh doanh vận tải, doanh nghiệp khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì thuế suất thuế GTGT là 10% và doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định.

Tại cuộc họp, đại diện của Grab cũng chưa thông tin rõ cho cơ quan thuế về việc tăng giá và tăng mức chiết khấu đối với tài xế là do ảnh hưởng của Nghị định 126.

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Grab đẩy trách nhiệm thuế cho tài xế là không phù hợp tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Grab là biến thể của kinh tế chia sẻ
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải, Grab không phải tận dụng phương tiện nhàn rỗi kinh doanh lấy tiền nên mô hình này chưa hẳn là kinh tế chia sẻ.
Grab, Bee, phải nộp thay thuế thu nhập cá nhân của tài xế từ 5/12
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, từ ngày 5/12, theo quy định tại Nghị định 126, các doanh nghiệp vận tải công nghệ như Grab, Bee, Gojek sẽ phải hạch toán toàn bộ doanh thu, nộp 10% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và nộp thay 1,5% thuế thu nhập cá nhân của tài xế.