Việt Nam tiết kiệm được khoảng 114 triệu bảng tiền thuế khi xuất khẩu sang Anh
TCDN - Các doanh nghiệp Việt sẽ được hưởng ưu đãi từ các chính sách thuế quan khi xuất khẩu hoặc nhập khẩu các mặt hàng từ thị trường Anh. Đây là một trong những nội dung được đàm phán tại Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - UK.
Chiều 11/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss và Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã ký biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA)
Hiệp định sẽ có hiệu lực từ 1/1/2021. Theo đó, 99% thuế xuất nhập khẩu giữa hai nước sẽ được xoá bỏ sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan, bao gồm thuế đối với máy móc thiết bị và dụng cụ cơ khí - các sản phẩm đứng đầu trong danh mục hàng hoá Anh xuất khẩu sang Việt Nam - và dược phẩm - đứng thứ hai trong danh mục xuất khẩu.
Các doanh nghiệp có thể tiếp tục hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu và xuất khẩu, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường. Đến thời điểm cuối lộ trình, Việt Nam sẽ hưởng lợi qua việc tiết kiệm được 114 triệu bảng Anh tiền thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Đối với hàng hóa xuất khẩu của UK, con số tương ứng là 36 triệu bảng Anh.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, hiệp định song phương này mang tới sự tiếp nối quan trọng đối với mối quan hệ thương mại năng động và phát triển nhanh chóng của hai bên. Năm 2019, các doanh nghiệp Anh đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hơn 600 triệu bảng sang Việt Nam, còn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khoảng 4,6 tỷ bảng.
Hiệp định này còn thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thủy sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày.
Ngoài ra, việc ký kết UKVFTA sẽ giúp Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Myanmar, vốn là những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới.
UKVFTA cũng khích lệ các quan hệ hợp tác song phương khác trong các lĩnh vực hỗ trợ phát triển, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục và đào tạo.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899