Grab đang “ném đá giấu tay”?

11/12/2020, 08:27

TCDN - Những ngày qua, hàng ngàn tài xế Grab ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… được gọi với cái tên mỹ miều là đối tác đã tắt app, đình công để phản đối Grab cắt xén thu nhập vốn đã còm cõi của họ.

Tài xế Grab tập trung tại buổi đối thoại. Ảnh: Plo

Tài xế Grab tập trung tại buổi đối thoại. Ảnh: Plo

Ngay từ 5/12 và những ngày sau đó, hàng ngàn tài xế Grab trên cả nước đã tắt app phản đối mức khấu trừ quá cao của Grab được biện minh dưới thuế VAT 10% theo Nghị định 126. Nhưng điều đó chỉ trấn an được những người ngoài cuộc và tưởng rằng Grab vẫn chơi công bằng với mọi đối tác. Còn thực tế lại không phải màu hồng như họ vẽ vời.

Chiều nay, sau nhiều ngày chưa tìm được tiếng nói chung, tài xế bức xúc còn Grab thì lắt léo và đổ riệt cho Nghị định 126. Nhưng “… Tại buổi đối thoại, tài xế Đào Thành Công dẫn ra hai cuốc xe đều với khoảng cách dưới 2km trước và sau ngày 5/12 - tức ngày Nghị định 126 có hiệu lực, nhưng trước ngày 5/12, tài xế nhận được thu nhập 9.600 đồng, còn sau ngày 5/12 chỉ nhận được có 8.727 đồng”!

Như vậy rõ ràng tài xế bị giảm thu nhập, ảnh hưởng đáng kể và họ cũng là người bị trừ VAT, sắc thuế họ không phải chịu đồng nào theo đúng những quy định hiện hành. Họ tức giận và phản đối hoàn toàn có lý do khi Tổng cục Thuế giải thích rõ ràng trách nhiệm kê khai và nộp thuế VAT là của Grab chứ không phải tài xế. Còn Grab thì hô hào trên truyền thông, đối tác kiêm tài xế chẳng mất mát đồng nào và khách hàng sẽ phải chịu toàn bộ!

Trước những điều không thể cãi, bên những chứng cứ khó thuyết phục hơn, bà Hoàng Thị Bích Hà - Giám đốc phát triển và kiểm soát chất lượng đối tác Grab Việt Nam phải thừa nhận rằng xét về lý thuyết việc tăng thuế VAT sẽ tính hoàn toàn vào khách hàng, nhưng Grab phải cân bằng cán cân lợi ích giữa các bên là đối tác tài xế - khách hàng - công ty thì mới cạnh tranh được, do vậy trên thực tế tài xế cũng bị giảm doanh thu từ 1 - 2% tính trên toàn bộ cuốc xe trong ngày.

Đấy là nói cách văn vẻ màu mè và biện bạch còn thật ra thuế VAT trên, thay vì khách hàng hay Grab nộp theo giải thích của bên thuế thì nó lại phi lý đổ lên đầu tài xế, ngoạm vào thu nhập ngày càng ít ỏi của họ. Người ta đang nghi ngờ Grab ngại trút hết cho khách hàng mức VAT 10% kia thì giá lên cao quá và lo ngại họ bỏ đi lên “san sẻ” cho tài xế còn Grab chẳng mất thêm xu nào.

Mức “tổn thất” 1-2% mà tài xế phải chịu vô lý thế này thật ra cũng chỉ trên lý thuyết chứ nhìn vào dẫn chứng của tài xế Công ở trên thì ít nhất 10% đã trôi tuột khỏi túi các bác tài. Kinh doanh tất nhiên ai cũng nghĩ đến lợi nhuận và túi tiền của mình. Nhưng tất cả phải trong khuôn khổ cho phép và thêm phần đạo đức làm ăn. Dường như cái đó xa lạ với việc hướng những giận dữ của dư luận, bức xúc của tài xế sang chính sách thuế của Nhà nước, một kiểu “ném đá giấu tay” mà chúng ta có quyền đặt dấu hỏi sau thừa nhận của đại diện Grab và thực tế của thị trường.

Tôi nghĩ xã hội lên tiếng, báo chí phản ánh, facebook sục sôi và tài xế tắt app không chỉ vì cước nhảy lên bất ngờ mà khá nhiều người nghi ngại về cái gọi là thiện chí và minh bạch của Grab. Để viết những dòng này, tôi đã đi 4 cuốc Grab trong những ngày qua và tất cả tài xế đều cho rằng họ chẳng dại gì mà tốn công, hao tiền, mệt sức đình công phản đối Grab nếu túi tiền không bị thâm thủng phi lý. Họ bảo rằng chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ điều vô lý.

Grab họ gánh chịu và buổi đối thoại chiều nay đã lộ ra việc ấy. Grab muốn khách hàng ủng hộ, cơ quan thuế xem lại chính sách thuế hay ngành chức năng xác định rõ ràng hơn họ là loại hình vận tải gì thì có lẽ nên ngừng “ném đá giấu tay” và rõ ràng minh bạch với tất cả.

Theo Cuộc sống an toàn

Bạn đang đọc bài viết Grab đang “ném đá giấu tay”? tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan