Scheider Electric Việt Nam “tịch thu” điện thoại nhân viên để lấy thông tin

25/03/2020, 14:42

TCDN - Tịch thu điện thoại cá nhân, xâm hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm… là những việc làm mà Công ty TNHH Scheider Electric Việt Nam đối xử với nhân viên “cán bộ lão thành”.

Mới đây, Tài chính Doanh nghiệp đã nhân được đơn tố cáo của ông Lê Vũ Minh Quang (ngụ tại phường 14, quận 10, Tp.HCM) liên quan đến Công ty TNHH Scheider Electric Việt Nam có địa chỉ tại lầu 7, toà nhà Etown 1, 364 Cộng Hoà, quận Tân Bình, Tp.HCM.

Theo đơn tố cáo thì anh Quang đã làm nhân viên cho Scheider Electric Việt Nam từ năm 2011 đến nay. Anh Quang giữ vị trí trưởng phòng kinh doanh phụ trách thị trường toà nhà – khách sạn, nhà máy công nghiệp và cơ sở hạ tầng giao thông. Ngày 22/10/2019, Scheider Electric Việt Nam hẹn anh Quang lên công ty để họp. Vừa lên đến công ty, nhân viên này bị các các lãnh đạo thẩm vấn và tự nhiên bị tịch thu điện thoại cá nhân trái phép.

Công ty Scheider Electric Việt Nam thu giữ điện thoại cá nhân của anh Quang từ từ 11h30 đến 14h cùng ngày. Khi anh Quang cần công việc gấp, công ty mới trao trả lại điện thoại. Sau đó, phía công ty này còn tịch thu máy tính làm việc, ra công văn tạm đình chỉ công việc và “đuổi” anh Quang ra khỏi công ty ngay lập tức.

Người lao động phản ánh việc làm sai trái của Scheider Electric Việt Nam đến Sở Lao động Thương binh Xã hội Tp.HCM

Người lao động phản ánh việc làm sai trái của Scheider Electric Việt Nam đến Sở Lao động Thương binh Xã hội Tp.HCM

Đến ngày 21/1/2020, Scheider Electric Việt Nam tiếp tục gửi Email mới thông báo anh Quang vẫn tiếp tục bị đình chỉ công tác và chờ có thông báo mới. Theo anh Quang, tuy không cho làm việc, từ đó đến nay, Scheider Electric Việt Nam vẫn chuyển lương và các khoản trợ cấp đầy đủ.

Trước những hành vi trái quy định pháp luật của Công ty, anh Quang bức xúc cho rằng: “Tịch thu điện thoại cá nhân để lấy thông tin, điều này pháp luật Việt Nam không cho phép. Scheider Electric Việt Nam đối xử tôi như một tội phạm, áp tải tôi rời văn phòng, xúc phạm danh dự cá nhân. Họ không đưa ra bằng chứng gì để buộc tội tôi vi phạm nội quy công ty mà đình chỉ công việc tôi mấy tháng nay là sai quy định pháp luật’’.

‘’Một công ty nước ngoài, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam mà không tuân thủ pháp luật. Tôi lên án những hành động trên của Scheider Electric Việt Nam. Tôi quyết theo đuổi vụ việc đến cùng, để lấy lại danh dự nhân phẩm của mình. Scheider Electric Việt Nam phải xin lỗi tôi vì những hành động trên”, anh Quang bức xúc. 

Theo tìm hiểu của PV, ngày 13/2/2020, anh Quang có làm đơn gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tp.HCM phản ánh vụ việc trên. Phía Sở Lao động Thương binh và Xã hội Tp.HCM cũng đã làm việc với anh Quang về vụ việc Scheider Electric Việt Nam cho người lao động nghỉ làm quá 90 ngày mà không lý do là trái quy định pháp luật.

Scheider Electric Việt Nam “tịch thu” điện thoại nhân viên để lấy thông tin trái phép?

Scheider Electric Việt Nam “tịch thu” điện thoại nhân viên để lấy thông tin trái phép?

Ngày 26/2, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Tp.HCM đã gửi công văn đến Scheider Electric Việt Nam yêu cầu Công ty này báo cáo giải trình việc tạm đình chỉ công việc của người lao động.

“Nay Thanh tra Sở đề nghị Công ty báo cáo giải trình bằng văn bản về nội dung phản ánh trên và gửi có đính kèm hồ sơ về Thanh tra Sở Lao động Thương binh Xã hội Tp.HCM (664-668 Điện Biên Phủ, phường 11, quận 10) trước ngày 5/3/2020 để Thanh tra Sở đánh giá tình hình thực hiện pháp luật lao động của Công ty và có cơ sở trả lời cho người lao động”, trích từ văn bản Sở Lao động Thương binh Xã hội Tp.HCM gửi Scheider Electric Việt Nam.

Liên quan đến vụ việc này, PV Tài chính Doanh nghiệp đã liên hệ Scheider Electric Việt Nam để xác minh thông tin. Tuy nhiên, phía Công ty không trả lời và yêu cầu để lại câu hỏi để trả lời sau. Sau khi để lại những câu hỏi liên quan đến vụ việc này, vài ngày sau có một cá nhân nào đó gửi mail tự nhận mình là truyền thông Scheider Electric Việt Nam.

“Thay mặt Schneider Electric, mình là Vũ Tuân từ công ty Tequila – đại diện truyền thông của Schneider Electric Việt Nam, gửi lời cảm ơn sự quan tâm của Quý báo về công ty. Phía chúng tôi đã nhận được thư của Quý báo và muốn khẳng định rằng Schneider Electric là một tập đoàn toàn cầu, luôn kinh doanh và hoạt động tuân thủ theo pháp luật địa phương và các thủ tục ban hành tại các nước sở tại, hàng năm đều có kiểm toán tài chính, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ và đúng hạn. Chúng tôi xin phép không chia sẻ thêm về các thông tin chi tiết của công ty”, trích từ mail của một cá nhân nào đó tự nhận là truyền thông Schneider Electric Việt Nam gửi mail đến PV.

Đến thời điểm hiện tại, Schneider Electric Việt Nam vẫn chưa trả lời các thông tin mà PV đặt ra.

Liên quan đến vụ việc này, Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Giám đốc công ty Luật Bình Chánh, thuộc đoàn Luật sư Tp.HCM) khẳng định: “Đối với hành vi của Công ty Scheider Electric Việt Nam tịch thu điện thoại, máy tính và các tài sản khác của người lao động thì hành vi này đã xâm phạm đến quyền tài sản của người khác.

Pháp luật lao động hiện nay không cho phép người sử dụng lao động có quyền tạm giữ hay tịch thu tài sản thuộc quyền sở hữu của người lao động, trừ trường hợp Cơ quan có thẩm quyền (Công an, Tòa án) ra quyết định tạm giữ tang vật phương tiện hoặc chứng cứ tài liệu trong một vụ án. Như vậy việc người nào chiếm giữ tài sản trái phép của người khác mà không được sự đồng ý của người đó thì đã phạm vào Điều 176 Bộ Luật Hình sự. Tội chiếm giữ trái phép tài sản:

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng,di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Nếu việc chiếm giữ đó mà có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của chủ sở hữu tài sản thì phạm tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 BLHS). Như vậy, người lao động đó có quyền nộp đơn gửi đến cơ quan công an nơi bị chiếm giữ trái phép tài sản để tố cáo hành vi của người đã chiếm giữ.

Còn đối với trường hợp cho cho nghỉ quá 90 ngày thì theo quy định tại điều 129 Bộ Luật Lao động thì người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ chỉ công việc của người lao động. Tuy nhiên không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt thì ko được quá 90 ngày, hết thời hạn này thì phải nhận người lao động trở lại làm việc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Thái Minh
Bạn đang đọc bài viết Scheider Electric Việt Nam “tịch thu” điện thoại nhân viên để lấy thông tin tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan