Schneider Electric Việt Nam trốn tránh trách nhiệm

10/04/2020, 16:10

TCDN - Mặc dù tịch thu điện thoại cá nhân, xâm hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của nhân viên trái quy định nhưng Schneider Electric Việt Nam vẫn trốn tránh trách nhiệm khi cơ quan chức năng vào cuộc.

Ngày 25/3, Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp đã phản ánh bài viết: “Schneider Electric Việt Nam “tịch thu” điện thoại nhân viên để lấy thông tin trái phép?”. Theo đó, nhân viên Schneider Electric Việt Nam đã khiếu nại lên cơ quan chức năng vì bị lãnh đạo công ty này có những hành động vi phạm luật pháp, xâm hại đến uy tín, danh dự của người khác.

Ông Lê Vũ Minh Quang (ngụ tại phường 14, quận 10, Tp.HCM) tố cáo lãnh đạo Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam có địa chỉ tại lầu 7, toà nhà Etown 1, 364 Cộng Hoà, quận Tân Bình, Tp.HCM đã tịch thu điện thoại cá nhân, xâm hại đến uy tín, danh dự. Sau đó, phía công ty này còn tịch thu máy tính làm việc, ra công văn tạm đình chỉ công việc và “đuổi” ông Quang ra khỏi công ty ngay lập tức. Từ ngày 22/10/2019 đến nay vẫn trì hoãn và không cho ông Quang làm việc theo hợp đồng đã ký kết.

Trước những hành vi trái quy định pháp luật của Công ty, anh Quang bức xúc cho rằng: “Tịch thu điện thoại cá nhân để lấy thông tin, điều này pháp luật Việt Nam không cho phép. Scheider Electric Việt Nam đối xử tôi như một tội phạm, áp tải tôi rời văn phòng, xúc phạm danh dự cá nhân. Họ không đưa ra bằng chứng gì để buộc tội tôi vi phạm nội quy công ty mà đình chỉ công việc tôi mấy tháng nay là sai quy định pháp luật’’.

Cho nhân viên nghỉ việc hơn 5 tháng, Schneider Electric Việt Nam lại cho rằng không trái quy định pháp luật

Cho nhân viên nghỉ việc hơn 5 tháng, Schneider Electric Việt Nam lại cho rằng không trái quy định pháp luật

Tính đến thời điểm này, ông Quang đã nhiều lần đến công ty khiếu nại, nhưng lãnh đạo Schneider Electric Việt Nam tìm cách né tránh và không hợp tác để giải quyết vụ việc đối với nhân viên của mình. Bức xúc trước thái độ xem thường pháp luật Việt Nam, ông Quang đã gửi đơn khiếu nại lên Sở Lao động Thương binh Xã hội Tp.HCM. Phía Thanh tra Sở Lao động Thương binh Xã hội Tp.HCM cũng gửi văn bản yêu cầu Schneider Electric Việt Nam giải trình vụ việc.

Sau đó, Schneider Electric Việt Nam đã gửi văn bản giải trình, nhưng vẫn không đề cập đến các vấn đề mà Thanh tra Sở Lao động Thương binh Xã hội Tp.HCM đã nêu. Theo đó, Schneider Electric Việt Nam cho rằng việc không cho ông Quang làm việc hơn 5 tháng qua là “không trái quy định”.

“Việc Công ty cho người lao động tạm thời nghỉ việc có hưởng lương là thoả thuận giữa công ty và người lao động, được pháp luật cho phép, hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và không phải là tạm đình chỉ công việc theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Lao động vì: Theo khoản 1, Điều 6, Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động có quyền “bố trí, điều hành, người lao động theo nhu cầu sản xuất kinh doanh”. Do đó, Công ty có quyền cho lao động tạm nghỉ có hưởng lương…”, trích từ văn bản Schneider Electric Việt Nam trả lời Thanh tra Sở Lao động Thương binh Xã hội Tp.HCM.

Liên quan đến việc này, ông Quang bức xúc cho rằng giữa ông và công ty không có thoả thuận nào cho người lao động tạm thời nghỉ việc có hưởng lương. “Schneider Electric Việt Nam đang cố tình chèn ép tôi. Bản thân tôi muốn đi làm và nhận lương như bao nhân viên khác.

Nếu Schneider Electric Việt Nam muốn chấm dứt hợp đồng lao động thì ra thông báo, nói rõ lý do. Còn như hiện giờ, họ không cho tôi đến công ty, không cho tiếp xúc công việc hơn 5 tháng qua là sai với quy định của Bộ Luật lao động. Nếu Schneider Electric Việt Nam không xử lý rõ ràng, tôi sẵn sàng kiện ra toà, buộc công ty bồi thường”, ông Quang nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Giám đốc công ty Luật Bình Chánh, thuộc đoàn Luật sư Tp.HCM) cho rằng Schneider Electric Việt Nam đang vi phạm nghiêm trọng pháp luật tại Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Giám đốc công ty Luật Bình Chánh, thuộc đoàn Luật sư Tp.HCM) cho rằng Schneider Electric Việt Nam đang vi phạm nghiêm trọng pháp luật tại Việt Nam.

Nói về việc này, Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Giám đốc công ty Luật Bình Chánh, thuộc đoàn Luật sư Tp.HCM) khẳng định: “Nếu đúng như nội dung sự việc mô tả nêu trên thì Công ty (Người sử dụng lao động) đã vi phạm pháp luật lao động vì đã đình chỉ công việc của người lao động không có lý do chính đáng và pháp luật lao động cho phép. Trong trường hợp này, người lao động có thể gửi đơn đến Cơ quan Thanh tra lao động, Sở lao động thương binh và xã hội. Nếu bị buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thì có thể khởi kiện ra Tòa án”.

Liên quan đến việc này, PV Tài chính Doanh nghiệp đã nhiều lần liên hệ Schneider Electric Việt Nam để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, Schneider Electric Việt Nam luôn tìm cách né tránh. Gần một tháng qua, Schneider Electric Việt Nam không phản hồi những vấn đề mà phóng viên đã đặt ra. Liệu rằng Schneider Electric Việt Nam có đang cố tình né tránh trách nhiệm liên quan đến sai phạm của đơn vị mình? 

Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Giám đốc công ty Luật Bình Chánh, thuộc đoàn Luật sư Tp.HCM) khẳng định: “Đối với hành vi của Công ty Schneider Electric Việt Nam tịch thu điện thoại, máy tính và các tài sản khác của người lao động thì hành vi này đã xâm phạm đến quyền tài sản của người khác.

Pháp luật lao động hiện nay không cho phép người sử dụng lao động có quyền tạm giữ hay tịch thu tài sản thuộc quyền sở hữu của người lao động, trừ trường hợp Cơ quan có thẩm quyền (Công an, Tòa án) ra quyết định tạm giữ tang vật phương tiện hoặc chứng cứ tài liệu trong một vụ án. Như vậy việc người nào chiếm giữ tài sản trái phép của người khác mà không được sự đồng ý của người đó thì đã phạm vào Điều 176 Bộ Luật Hình sự. Tội chiếm giữ trái phép tài sản:

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng,di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Nếu việc chiếm giữ đó mà có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của chủ sở hữu tài sản thì phạm tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 BLHS). Như vậy, người lao động đó có quyền nộp đơn gửi đến cơ quan công an nơi bị chiếm giữ trái phép tài sản để tố cáo hành vi của người đã chiếm giữ.

Còn đối với trường hợp cho cho nghỉ quá 90 ngày thì theo quy định tại điều 129 Bộ Luật Lao động thì người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ chỉ công việc của người lao động. Tuy nhiên không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt thì ko được quá 90 ngày, hết thời hạn này thì phải nhận người lao động trở lại làm việc.

Thái Minh
Bạn đang đọc bài viết Schneider Electric Việt Nam trốn tránh trách nhiệm tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan