Sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc bàn 4 nội dung lớn gỡ khó cho doanh nghiệp

27/03/2020, 20:05
báo nói -

TCDN - Dự kiến hội nghị sẽ ra vào 31/3, do Thủ tướng chủ trì có sự tham dự của bí thư, chủ tịch các tỉnh, các đồng chí bộ trưởng, các cơ quan có liên quan của Quốc hội để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công..

aB72I3363

Cần tổ chức một hội nghị toàn quốc bàn 4 nội dung lớn

Chiều 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuẩn bị tổ chức một hội nghị trực tuyến “4 trong 1” giữa Chính phủ với các địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp, với nền kinh tế đang hội nhập quốc tế sâu rộng, có độ mở lớn và liên kết chặt chẽ về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động,... với thế giới, Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng toàn diện tới nền kinh tế, cùng lúc chịu tác động “kép”, cả từ phía cung và cầu, tác động đến tất cả các thị trường đầu ra và thị trường đầu vào chủ lực, cả sản xuất và tiêu dùng. Cùng lúc Việt Nam đối mặt với khó khăn cả về tư liệu sản xuất và thị trường xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng điện tử, điện thoại, may mặc, da giày.

Du lịch, vận tải, hàng không, dịch vụ khách sạn, nhà hàng... cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giảm lượng khách du lịch cả trong và ngoài nước. Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh trong nước với năng lực tài chính, sản xuất còn nhiều hạn chế chịu nhiều tác động từ dịch.

Trước tình hình khó khăn hiện nay, Thủ tướng cho biết, cần thiết phải tổ chức một hội nghị toàn quốc bàn 4 nội dung lớn. Thủ tướng cho biết, Hội nghị sắp tới, dự kiến diễn ra vào 31/3, sẽ có sự tham dự của bí thư, chủ tịch các tỉnh trong toàn quốc, các đồng chí bộ trưởng, các cơ quan có liên quan của Quốc hội để cùng thảo luận. Hội nghị sẽ nghe các bộ trưởng trình bày chương trình hành động của mình để đóng góp xây dựng đất nước.

Giải ngân hết gần 700.000 tỷ đồng trong năm nay

Bốn nội dung được bàn trong hội nghị sắp tới dự kiến gồm: 

Thứ nhất là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp phải đình trệ sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực hàng không, du lịch. Năm nay, chúng ta dự kiến đón khoảng 20 triệu du khách mà chủ yếu đi bằng đường hàng không nhưng do dịch, lượng lớn du khách không thể đến Việt Nam trong thời gian qua; các khách sạn cũng phải đóng cửa.

Thủ tướng cho rằng, chúng ta gặp tình trạng yếu cả cung, yếu cả cầu, “chúng ta phải tìm thấy thị trường mới ở trong nước và thị trường lớn ở nước ngoài”, phải có biện pháp giữ ổn định sản xuất kinh doanh, nếu không, không thể giải quyết việc làm và tăng trưởng.

Về giải ngân, hiện ta đang có khoảng 30 tỉ USD vốn đầu tư công cần giải ngân năm nay, nhưng hiện số vốn chưa giải ngân theo kế hoạch còn rất lớn.

3 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng số vốn chưa giải ngân theo kế hoạch còn rất lớn. Câu hỏi đặt ra là làm sao giải ngân hết số vốn này, Thủ tướng nói, lần này có chế tài mạnh như thế nào để giải quyết dứt điểm vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, phải kỷ luật như thế nào, điều chuyển vốn như thế nào? Thủ tướng yêu cầu một số bộ, ngành, cơ quan sử dụng nhiều vốn đầu tư phải có biện pháp mạnh mẽ.

Thủ tướng nêu rõ cần giải ngân hết số vốn còn lại trong năm 2019 và kế hoạch năm 2020, gần 700.000 tỷ đồng (khoảng 30 tỷ USD), làm quyết liệt các dự án trọng điểm, có chế tài xử lý nghiêm minh. Thủ tướng nêu rõ, làm nhanh nhưng không được lợi dụng tham ô, tham nhũng. 

Sẽ có gói hỗ trợ tiếp theo?

Nội dung thứ 3 cần bàn tại hội nghị sắp tới là vấn đề an sinh xã hội khi mà tình trạng nghỉ việc không lương, thất nghiệp diễn ra trên toàn cầu và ở nước ta. "Biện pháp nào mạnh mẽ hơn, gói hỗ trợ nào để giải quyết vấn đề này" - Thủ tướng nêu vấn đề.

Thủ tướng đề nghị tinh thần lớn là nâng gói hỗ trợ của các đơn vị được báo cáo nhiều hơn, “số hiện nay còn quá ít”. Phải làm sao nhân dịp này tái cơ cấu lại doanh nghiệp và nền kinh tế, tái cơ cấu thị trường, tổ chức lại sản xuất, đào tạo… Chúng ta lo phát triển sản xuất và phải lo cả đời sống nhân dân, làm sao bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng hóa cho người dân trong lúc diễn ra dịch và sau dịch. Một số mặt hàng ảnh hưởng đến CPI phải được ổn định. Phải đổi mới cách làm nhanh hơn, như trong “thời chiến”, cải cách thủ tục, Thủ tướng nói. Càng khó khăn chúng ta càng quyết tâm, đoàn kết, nhất trí.

Về giải pháp tài khoá, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát gói hỗ trợ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác, tăng chi chống dịch, cắt giảm chi thường xuyên, tính toán tăng bội chi do giảm thu, tăng chi ngân sách nhà nước…

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm nguồn lực bổ sung cho ngân sách Nhà nước.

Về tiền tệ, Thủ tướng nêu rõ, thống nhất định hướng các giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện và đề xuất thời gian tới, lưu ý các giải pháp hỗ trợ vốn, giảm lãi suất, trong đó tiếp tục nghiên cứu việc cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0% hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động…

Thủ tướng cũng đề nghị tính toán, nghiên cứu một gói nữa từ trái phiếu Chính phủ để kích cầu.

Về gói hỗ trợ lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng thống nhất 6 điểm mà Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH kiến nghị, đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền.

Về vấn đề cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương cho người lao động, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thực hiện. 

Về tín dụng tiêu dùng, Thủ tướng thống nhất đề nghị của Bộ Công Thương, giao Bộ Công Thương cùng Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế cụ thể, “kích cầu lên mạnh mẽ hơn bằng giải pháp nào?”.

Nội dung thứ tư là bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội vì đời sống khó khăn sẽ dẫn tới những nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Bộ Công an cần có giải pháp không để tình trạng lộn xộn xảy ra.

Nước ta còn nghèo, còn nhiều khó khăn nhưng trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, chúng ta phải cố gắng giữ được nhịp độ phát triển, khắc phục mọi khó khăn, nhất là trong các quý tới, Thủ tướng nhấn mạnh, để làm sao như lò xo bị nén lại, sẵn sàng bật lên sau khi hết dịch. “Không để tình hình quá xấu rồi mà chúng ta rơi vào thế bị động”.

Ngay sau khi dịch kết thúc, chúng ta phải bắt tay vào việc thì mới vực dậy được nền kinh tế, nhất là khi những thị trường lớn có liên quan đến chúng ta đã phục hồi mà chúng ta không chuẩn bị tâm thế thì chúng ta thất bại.

Minh Tình
Bạn đang đọc bài viết Sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc bàn 4 nội dung lớn gỡ khó cho doanh nghiệp tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Chính phủ đặt mục tiêu nợ công không quá 60% trong 10 năm tới
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.