"Siêu công ty" 144.000 tỷ đồng bỗng âm thầm... biến mất

03/05/2020, 19:51

TCDN - Công ty USC Interco đăng ký thành lập ngày 17/1 với số vốn 144.000 tỷ đồng, tương đương 6,3 tỷ USD hiện không còn tồn tại với thông tin nguồn vốn chỉ là do "ghi nhầm".

Theo ông Nguyễn Bích Lâm (Tổng cục trưởng Thống kê) cho biết Công ty USC Interco đăng ký thành lập ngày 17/1 với số vốn 144.000 tỷ đồng, tương đương 6,3 tỷ USD hiện không còn tồn tại.

Lý giải về điều này, Tổng cục trưởng Thống kê cho hay luật quy định khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, sau 90 ngày (thời hạn góp vốn), doanh nghiệp phải thực hiện góp vốn đúng theo cam kết. Tuy nhiên, đã 90 ngày từ 17/1, USC Interco chưa góp đủ vốn.

Cận cảnh địa chỉ doanh nghiệp bất động sản vốn 144.000 tỷ đồng.

Cận cảnh địa chỉ doanh nghiệp bất động sản vốn 144.000 tỷ đồng.

Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đã phân cấp cho các sở kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), phòng đăng ký kinh doanh địa phương. Khi thông tin về doanh nghiệp trên chuyển lên Bộ KH&ĐT, Cục Đăng ký kinh doanh đã rà soát, trao đổi lại với Sở KH&ĐT và phát hiện ra điểm bất cập, kịp thời chấn chỉnh.

Ông Lâm cho rằng trường hợp về doanh nghiệp đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng là điểm cần rút kinh nghiệm trong quá trình đăng ký doanh nghiệp, để loại trừ những doanh nghiệp tạm gọi là “doanh nghiệp ma”.

Trước đó, cuối tháng 2/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội xác nhận cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho một doanh nghiệp ở Hoài Đức có vốn điều lệ là 144.000 tỷ đồng trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng.

Số vốn này chiếm gần 54% tổng vốn đăng ký lập mới cả nước. Số vốn đăng ký này cao hơn cả Viettel và chỉ đứng sau hai tập đoàn Nhà nước là PVN và EVN.

Khi cấp giấy chứng nhận, cán bộ đăng ký kinh doanh thấy bất thường vì số vốn quá lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp khẳng định là không nhầm và cam kết sẽ góp đủ số vốn điều lệ này trong vòng 90 ngày theo đúng quy định.

USC Interco đặt trụ sở chính tại huyện Hoài Đức, Hà Nội - nhà riêng bà Kim Thị Phương. Trong ba cổ đông, ông Nguyễn Hoàn Sơn góp 57.600 tỷ, bà Kim Thị Phương và ông Trần Gia Phong mỗi người góp 43.200 tỷ đồng. 

Giám đốc công ty là ông Trần Gia Phong, sinh năm 1979 có số thẻ căn cước 001079018541. Nhưng theo thông tin từ Tổng cục thuế, số căn cước này thuộc về một cá nhân khác tên Lê Văn Dũng. Cả ông Phong và cổ đông còn lại Nguyễn Hoàn Sơn hiện đều trong tình trạng không thể liên lạc được.

Sự kiện sau đó còn gây xôn xao dư luận khi cổ đông của công ty này lại tiết lộ, thông tin nguồn vốn chỉ là do "ghi nhầm" và không có thật.

Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp có quyền đăng ký số vốn điều lệ theo mong muốn. Sau đó, cơ quan quản lý không thẩm định số vốn góp ngay tại thời điểm đăng ký mà sẽ theo dõi việc các cổ đông phải góp đủ vốn trong vòng 90 ngày từ ngày được cấp giấy đăng ký doanh nghiệp. Nếu cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, doanh nghiệp điều chỉnh số vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được trả đủ.

Pháp luật cấm và có chế tài xử phạt việc khai khống đăng ký doanh nghiệp nhưng trên thực tế không dễ để áp dụng và đủ chứng cứ chứng minh. Kể cả bị xử phạt về khai khống mức tối đa chỉ 15 triệu đồng.

Việc chứng minh góp đủ vốn cũng khá lỏng lẻo, chỉ cổ đông là tổ chức mới phải góp vốn bằng chuyển khoản ngân hàng. Còn cổ đông cá nhân không bắt buộc qua tài khoản ngân hàng mà có thể góp vốn bằng tiền mặt hoặc các cách khác (tài sản). Do đó, chỉ cần công ty lập chứng nhận góp vốn bằng tiền mặt và đưa vào hồ sơ sổ sách kế toán.

Bích Thảo (t/h)
Bạn đang đọc bài viết "Siêu công ty" 144.000 tỷ đồng bỗng âm thầm... biến mất tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan