Sở Du lịch Tp.HCM đề xuất các giải pháp ứng phó với dịch Covid-19
TCDN - Nhằm kịp thời ứng phó với đại dịch Covid-19 đang hoành hành, Sở Du lịch Tp.HCM đã có văn bản đề xuất các Bộ, ngành du lịch nhanh chóng triển khai 4 biện pháp nhằm tháo gỡ khó khan cho ngành du lịch của thành phố trong thời gian tới.
Sở Du lịch Tp.HCM vừa có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cùng Tổng cục Du lịch đề xuất các nhiệm vụ, các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid - 19.
Qua nghiên cứu các giải pháp đề xuất của Ngân hàng Thế giới và qua triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ về phát triển ngành du lịch cũng như thực hiện công tác phòng, chống và giảm thiểu tác động do dịch Covid-19 gây ra đối với ngành du lịch, Sở Du lịch đề nghị Bộ VHTTDL báo cáo với Thủ tướng Chính phủ sử dụng gói hỗ trợ khẩn cấp của WB để thực hiện các chương trình hỗ trợ cụ thể như.
Thứ nhất, hỗ trợ về cải cách thể chế và cải cách hành chính trên lĩnh vực du lịch. Thứ hai, hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch (xây dựng mô hình chuyển đổi hóa dữ liệu điện tử cho doanh nghiệp du lịch làm cơ sở để phục vụ quản lý nhà nước cũng như xây dựng giải pháp phát triển ngành du lịch, cung cấp phần mềm điều hành cho doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch, cung cấp các nền tảng giao dịch thương mại điện tử cho các doanh nghiệp du lịch kinh doanh trực tuyến).
Thứ ba, hỗ trợ chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch (bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng về quản lý du lịch cho lực lượng quản lý nhà nước về du lịch, lực lượng quản lý doanh nghiệp về du lịch, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho lực lượng lao động trực tiếp trong ngành du lịch và cộng đồng dân cư đang làm du lịch).
Thứ tư là hỗ trợ chương trình kích cầu du lịch (tổ chức các Chương trình kích cầu du lịch nội địa, chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành tổ chức các Chương trình kích cầu du lịch cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp).
Theo thống kê mới nhất từ Sở Du lịch thành phố cho biết: “Trong tháng 3 vừa qua lượng khách quốc tế đến Thành phố ước đạt 117.000 lượt khách, giảm 84,23% so cùng kỳ năm trước (tháng 3 năm 2019 đạt 742.142 lượt). Tổng lượt khách 3 tháng đầu năm, tới thành phố là hơn 1,3 triệu lượt, đạt 14,49% kế hoạch năm và giảm 42,26% so với cùng kỳ (3 tháng đầu năm 2019, Tp.HCM đón hơn 2,2 triệu lượt khách quốc tế).
Với số lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, tổng thu từ du lịch của thành phố trong tháng 3 ước đạt 3.496 tỉ đồng, giảm 65,26% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 3 năm 2019 đạt 10.064 tỉ đồng). Và trong 3 tháng đầu năm, doanh thu mà du lịch Tp.HCM thu về khoảng 25.591 tỉ đồng, đạt 18,28% kế hoạch năm 2020, giảm 26% so với cùng kỳ (3 tháng 2019 thu đạt 34.602 tỉ đồng).
Ngoài Tp.HCM thực hiện các giải pháp ứng phó với dịch Covid-19 thì tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Trà Vinh cũng tiến hành các báo cáo về kế hoạch phát triển du lịch, cùng biện pháp phòng – chống dịch bệnh Covid-19 liên quan đến ngành Du lịch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Bằng việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của các địa phương,…để đạt mục tiêu đến năm 2025, thông qua mô hình phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh góp phần thu hút khoảng 37,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 28,92 triệu lượt khách tham quan, 8,78 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch tham quan đạt khoảng 41.085 tỷ đồng.
Còn tại Trà Vinh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã có những kế hoạch như phối hợp Sở Y tế tỉnh Trà Vinh tổ chức cuộc họp để triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh có biện pháp miễn giảm thuế,… nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của tỉnh trong tình hình khó khăn hiện nay.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899