Sớm gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam

09/09/2020, 08:59

TCDN - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để sớm đạt được những biện pháp mà Ủy ban châu Âu (EC) đặt ra, gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo IUU) tính đến ngày 31/8, số lượng tàu cá cả nước đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 24.851/30.851 tàu từ 15 m trở lên, đạt tỉ lệ 80,61%. Tuy nhiên, còn thực trạng rất nhiều tàu khi ra khơi gỡ bỏ thiết bị giám sát bỏ xuống biển, còn tàu thì di chuyển ra chỗ khác để đánh bắt. 

Về tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, từ đầu năm 2020 đến ngày 31/8, đã xảy ra 57 vụ/92 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý so với cùng kỳ năm 2019, giảm 53 vụ/89 tàu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để có thể gỡ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để có thể gỡ "thẻ vàng" cho khai thác thủy sản.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Sau gần 3 năm bị EC phạt thẻ vàng, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị, các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp, Việt Nam đã hoàn thành được khối lượng công việc lớn theo 4 nhóm mà EC khuyến nghị. 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Ủy ban châu Âu đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, song vẫn chưa đồng tình cao, vì 6 tháng vừa qua vẫn còn ngư dân vi phạm vùng đánh bắt hải sản. EC nói, nếu còn vi phạm thì kiên quyết không gỡ “thẻ vàng”.

"Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để sớm đạt được thực thi những biện pháp mà EC đặt ra, gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam; bảo đảm các kết quả này là vững chắc, thực chất" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực vùng biển chống lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước. Phối hợp với chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá trước khi xuất, cập bến, kiên quyết ngăn chặn các tàu cá không có giấy tờ, trang thiết bị theo quy định, đặc biệt là thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS).

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng kiên quyết  điều tra, xử lý dứt điểm các vụ việc có dấu hiệu môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm, có nhiều vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp quốc tế trong quá trình điều tra, xử lý vi phạm.

Về lâu dài, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần giảm khai thác, tăng nuôi trồng, trong đó có nuôi trồng biển, do đó phải đổi mới, tái cơ cấu ngành. Không tái cơ cấu ngành thủy hải sản, đổi mới nâng cao đời sống người dân thì không xử lý được tận gốc vấn đề đánh bắt trái phép. Với bờ biển dài, ngành nuôi trồng cũng là tiềm năng, lợi thế của Việt Nam không chỉ trong nội địa mà còn nuôi trồng biển. Tương lai phải hướng đến xây dựng đây là ngành kinh tế mũi nhọn.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Sớm gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Khai thác thủy sản đạt khoảng 1,18 triệu tấn
4 tháng đầu năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản đạt khoảng 1,18 triệu tấn. Trong khi đó, theo kế hoạch khai thác cá năm 2020, sản lượng cả nước đạt khoảng 3,9 triệu tấn. Giá trị sản xuất năm 2020 khoảng 250.000 tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tỉ USD.