Sử dụng gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng như thế nào?

18/02/2022, 13:20

TCDN - Các chuyên gia đánh giá, gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sẽ giúp đột phá nền kinh tế. Tuy nhiên, việc sử dụng gói hỗ trợ này như thế nào còn nhiều băn khoăn.

Tại Tọa đàm đột phá để phát triển kinh tế cả nước và Tp.HCM, TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam khẳng định, chúng ta đã bắt đầu có tâm thế hoàn toàn mới trong công cuộc phục hồi và chống đại dịch Covid-19. Đó là từ tâm thế của cuộc chiến loại trừ Covid-19 bước sang tâm thế sống chung với dịch và đến nay là vượt qua dịch Covid-19. Vượt qua đại dịch là tâm thế tích cực hơn sống chung với đại dịch.

Theo ông Lộc có 5 giải pháp quan trọng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thứ nhất, mở cửa theo nghĩa rộng nhất, đỉnh cao là mở cửa kinh tế quốc tế, mở lại đường bay quốc tế, không hạn chế về tần suất khai thác của các hãng hàng không miễn là có nhu cầu của thị trường.

Thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc và quan tâm đến đối tượng yếu thế trước biến động của kinh tế. Thứ ba, duy trì sinh kế bằng cách thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh có động lực phục hồi nền kinh tế.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Thứ tư, nâng cấp hạ tầng thông qua đẩy mạnh hàng loạt dự án đầu tư công để thúc đẩy phát triển tăng trưởng trong ngắn hạn, tạo đà cho phát triển dài hạn. Thứ năm là tăng cường thể chế.

“Gói hỗ trợ quy mô 350.000 tỉ đồng chính là chất kích hoạt cho 5 giải pháp nêu trên. Điều quan trọng là phải thực hiện các giải pháp minh bạch, hiệu quả với tinh thần coi gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ là biện pháp lớn nhất để tạo sự khởi đầu cho giai đoạn đột phá của nền kinh tế”, ông Lộc nhấn mạnh.

Ở khía cạnh sử dụng gói hỗ trợ, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam băn khoăn làm sao xử lý được gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng một cách thống nhất.

Ông Thiên lấy dẫn chứng từ sân bay Long Thành, giữa tỉnh với các nhà đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu chưa có tính đồng bộ nên chưa triển khai được.

Theo ông Thiên, đối với Việt Nam, có 3 từ đi liền với nhau là quyết tâm, hành động là phải quyết liệt và mục tiêu phải quyết thắng - để hàm ý cho mỗi chủ thể là phải đạt mục tiêu cuối cùng. Ba từ này cho tất cả tuyến hành động, là phải đạt được cam kết đối với quốc gia, nhà đầu tư phải làm.

“Đi liền với đó, có mấy việc gắn với đồng bộ: do tắc nghẽn các đường dẫn nguồn lực, đường dẫn chính sách nên không thể triển khai. Ví dụ, nguồn lực như hiện nay là gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng, nhiều người cho rằng nền kinh tế không đủ khả năng hấp thụ. Nhưng, thế nào là không hấp thụ được? có phải doanh nghiệp yếu hay các đường dẫn nguồn lực không tới được doanh nghiệp? phải phân biệt rõ để có giải pháp tháo gỡ. Vì vậy, hiện nay tắc nghẽn ở các đường dẫn chính sách, thủ tục hành chính. Do đó, cần phải tháo gỡ thể chế có thể lại là một giải pháp đầu tiên để tạo ra sự đồng bộ trong việc lưu thông các nguồn lực”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh

Cùng với đó, ông Thiên cho rằng, nếu cứ duy trì lợi ích ngành, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ ở các địa phương thì sẽ rất khó để hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm ông Trần Đình Thiên, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia khẳng định, đây là chương trình rất quan trọng và phụ thuộc rất lớn vào quá trình thực thi của chúng ta. Chúng tôi đưa ra 2 kịch bản, trong kịch bản 1 chúng ta làm sao giải ngân được 40% và năm sau 50%, Việt Nam sẽ hoàn toàn đạt được GDP 6%-6,5% và năm sau cao hơn, đạt khoảng 7%.

Ở kịch bản tiêu cực hơn, trong 2 năm nếu tỉ lệ giải ngân khoảng 70%, tăng trưởng chỉ đạt 5%-5,5% năm 2022 và 6% năm 2023. Một năm cung tiền khoảng 160.000 - 170.000 tỉ đồng không phải quá lớn, và cần rất nhiều giải pháp cả bên trong và bên ngoài…

Để thực hiện điều này, ông Lực kiến nghị, Chính phủ nên ban hành Chương trình phòng chống dịch, cập nhật Nghị quyết 128, bởi hiện tại các địa phương đang chờ đợi chương trình phòng chống dịch bài bản hơn, trong đó chú trọng nâng cao năng lực y tế.

Các bộ, ngành, địa phương cần triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022-2025 nhưng cần một vài cập nhật, điều chỉnh, sau khi Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị quyết 11 vừa qua.

“Đây là cơ hội vàng để đẩy nhanh cải cách thể chế, nhất là môi trường đầu tư, kinh doanh. Cơ hội rất tốt để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, khi có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới Việt Nam sau những năm qua, vì vậy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là rất quan trọng”, TS Cấn Văn Lực chia sẻ.

Nam Yên
Bạn đang đọc bài viết Sử dụng gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng như thế nào? tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Chính phủ đã trình Quốc hội Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các chính sách tài khóa, tiền tệ cụ thể để tận dụng mọi cơ hội thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới.
Phó thủ tướng: Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả và công khai
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, tinh thần là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quan trọng phải được triển khai nhanh, kịp thời, khả thi, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.