Sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng: Xây dựng trái phép, chính quyền không thể vô can
TCDN - Chiều 23/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Cần quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương
Trình bày ý kiến trực tuyến, Đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng tình trạng xây dựng trái phép đang ngày càng diễn ra phức tạp, nhất là tại các đô thị lớn. Nhiều trường hợp chủ đầu tư xây lố tầng để trục lợi dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng. “Vẫn biết sau khi sự việc vỡ lở, chủ đầu tư bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng hệ lụy là thất thu ngân sách nhà nước, người dân chịu thiệt hại lớn khi bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua căn hộ tại các công trình vi phạm” - ông Thưởng nói.
Cùng với đó, cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng. “Vì hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rõ rách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp cơ sở đối với lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng. Việc xác định rõ người, việc đi liền với trách nhiệm, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng” - Đại biểu Thưởng nói.
Ông Thưởng cũng cần phải sửa đổi quy định pháp luật hình sự và các văn bản pháp luật theo hướng quy trách nhiệm liên đới đối với cơ quan cấp phép xây dựng, tăng mức xử phạt đối với tội xây dựng trái phép. Đồng thời tăng mức phạt vi phạm hành chính liên quan đến hành vi xây dựng không phép, sai phép.
Ông Thưởng cho rằng trong việc sửa đổi Luật, cần tránh tình trạng phạt rồi cho tồn tại, vì hình thức này sẽ không có tính răn đe. Nhất là với mức phạt hiện nay quy định cao nhất cho hành vi này là 1 tỉ đồng. Theo ĐB Thưởng, nếu xây dựng vượt thêm một tầng, phạt 1 tỉ trong khi chủ đầu tư có thể có thêm vài chục căn hộ, thu về cả trăm tỉ đồng. Chủ đầu tư sẵn sàng bỏ ra 1 tỉ đồng để thu về cả trăm tỉ đồng, sẵn sàng chịu phạt để hợp thức hóa sai phạm của mình.
Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, một trong những nguyên nhân của nạn vi phạm trật tự xây dựng là do bất cập trong quy trình cấp phép xây dựng. Theo ông Hòa, quy trình cấp phép xây dựng hiện nay lẽ ra phải bao gồm ba khâu: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay Luật Xây dựng đang tách ra ba khâu riêng biệt, vừa đẻ thêm thủ tục hành chính, vừa kéo dài thời gian cấp phép xây dựng, chủ đầu tư phải đi lại rất nhiều cơ quan. Do đó, Đại biểu Hòa đề nghị cần phải rà soát lại các hết các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động xây dựng, sửa đổi, lược bỏ các công đoạn không cần thiết.
Trong báo cáo giải trình, ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường đánh giá, quản lý trật tự xây dựng là một trong những vấn đề được xã hội hết sức quan tâm và có quan hệ trực tiếp với hoạt động cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng không chỉ gắn liền với pháp luật về xây dựng mà còn liên quan đến pháp luật về đất đai, quy hoạch, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, tổ chức chính quyền địa phương...
Cần quản lý chặt cấp phép xây dựng ở nông thôn
Góp ý cụ thể vào dự án luật, một số đại biểu cho rằng tình trạng một số khu chung cư không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy đã gây ra nhiều nguy cơ. Do vậy, việc sửa đổi Luật Xây dựng lần này là cơ hội để bổ sung các điều khoản nghiêm ngặt về phòng cháy chữa cháy trong nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của đầu tư xây dựng.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho biết, trung bình một năm có trên 30 vụ cháy lớn, công tác phòng cháy chữa cháy cần phải được đảm bảo tối đa, tuyệt đối để ứng phó kịp thời khi tình huống xảy ra.
Có ý kiến ĐBQH đề nghị cấp phép xây dựng ở nông thôn cần quản lý chặt chẽ hơn. Đề nghị miễn giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực miền núi, hải đảo.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ hơn đối với việc cấp giấy phép cho công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn cho phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển đất nước. Theo đó, dự thảo Luật quy định không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; nhà ở riêng lẻ thuộc vùng miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu nhất trí với thẩm quyền cấp phép xây dựng do UBND tỉnh và UBND huyện. Song đề nghị, cần bổ sung thẩm quyền UBND cấp tỉnh đối với những công trình cấp huyện nhưng nằm trên địa bàn 2 huyện vì đã xảy ra những tình huống khá lúng túng không xác định được thẩm quyền thuộc UBND huyện nào cấp phép.
Liên quan đến nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, một số ý kiến bày tỏ lo ngại việc mất kiểm soát trong xây dựng ở nông thôn, đề nghị cần có các quy định cụ thể hơn, tránh sự mất kiểm soát trong xây dựng ở nông thôn như xây dựng trên đất nông nghiệp, xây dựng vi phạm hành lang an toàn đường bộ, an toàn điện, bảo vệ nguồn nước…
Một số ý kiến đại biểu nêu thực tế quá trình quản lý, một số tổ chức, cá nhân đã vận dụng việc miễn giấy phép xây dựng tại khu vực nông thôn, tự ý xây dựng nhiều công trình với quy mô, diện tích lớn, sử dụng với nhiều mục đích khác, có thể gây mất trật tự, khó khăn trong công tác quản lý. Do đó, đề nghị cần có quy định về giới hạn quy mô xây dựng công trình đối với khu vực nông thôn.
Một số ý kiến cho rằng, vẫn còn sự mâu thuẫn, chồng chéo với một số luật hiện hành cũng như một số dự thảo đang xây dựng; đề nghị cần tiếp tục rà soát, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của luật này với các luật đang dự thảo cũng như các luật trong hệ thống pháp luật nói chung.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tiếp thu ý kiến của các ĐBQH trong việc hoàn thiện dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi. Trước đó, nhiều ý kiến của ĐBQH đã được ban soạn thảo tiếp thu, sửa đổi trong dự thảo sửa đổi Luật Xây dựng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899