Sửa quy định cân đối nguồn thu thuế VAT trong phân cấp ngân sách Trung ương và địa phương
TCDN - Trong phân cấp ngân sách trung ương và địa phương, dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) bổ sung quy định cân đối nguồn thu thuế VAT (bao gồm cả thuế VAT hàng nhập khẩu), sau khi trừ hoàn thuế VAT mới thực hiện phân chia ngân sách trung ương (30%) và ngân sách địa phương (70%).
Ưu tiên bố trí ngân sách cho khoa học, công nghệ
Tiếp tục Phiên họp thứ 44, chiều 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) sẽ tập trung giải quyết 4 vấn đề trọng tâm:
Thứ nhất, thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về NSNN.
Thứ hai, đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, đảm bảo vai trò chủ đạo của Ngân sách Trung ương (NSTW), tăng tính chủ động của Ngân sách địa phương (NSĐP).

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Thứ ba, dự thảo Luật phân định trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương, gắn với quyền và trách nhiệm của từng cấp theo phương châm cấp nào thực hiện hiệu quả, kịp thời nhất thì giao cho cấp đó thực hiện; địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp.
Thứ tư, dự thảo Luật sẽ cắt giảm, đơn giản quy trình, thủ tục trong quy trình NSNN. Thúc đẩy cơ cấu lại NSNN, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình như: cắt giảm các thủ tục liên quan đến quy trình xây dựng và thông báo số kiểm tra thu, chi ngân sách hằng năm và 3 năm; quy trình xây dựng và báo cáo kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm.
Dự thảo quy định mức dư nợ vay của chính quyền địa phương thu gọn từ 3 nhóm địa phương xuống còn 2 nhóm địa phương và nâng mức dư nợ vay so với quy định hiện hành. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc ưu tiên bố trí chi NSNN cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; quy định về quỹ thực hiện nhiệm vụ này. Dự thảo cũng quy định thêm một số nhiệm vụ chi NSNN được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên): công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; chi phí chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án, hoạt động quy hoạch…; điều chỉnh tăng mức bố trí dự phòng từ 2% đến 5%.
Bên cạnh việc sửa đổi, dự thảo quy định một số nội dung mới bao gồm bổ sung 1 điều về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong: quy định việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN năm sau; quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng bộ, cơ quan trung ương chi tiết chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên theo từng lĩnh vực và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quyết định phân bổ chi tiết đối với các khoản chưa phân bổ chi tiết; quyết định sử dụng dự phòng NSTW.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).
Phân chia các khoản thu
Trong phân cấp ngân sách trung ương và địa phương, dự thảo đã thay đổi căn bản phương thức phân chia các khoản thu. Cùng với đó, bổ sung quy định cân đối nguồn thu thuế VAT (bao gồm cả thuế VAT hàng nhập khẩu), sau khi trừ hoàn thuế VAT mới thực hiện phân chia NSTW (70%) và NSĐP (30%). Bổ sung quy định phần 30% thuế VAT sau khi trừ hoàn thuế phân bổ theo nguyên tắc, tiêu chí (dân số, diện tích...) và tính đến các yếu tố đặc thù của từng địa phương.
Liên quan đến phân cấp, phân quyền, dự thảo quy định thẩm quyền Quốc hội, HĐND các cấp ở địa phương quyết định dự toán chi NSNN, chi tiết theo chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, nhưng không quyết định chi tiết lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; quyết định phân bổ ngân sách cho các bộ, cơ quan trung ương, cơ quan, đơn vị và địa phương chi tiết chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Chính phủ được điều chỉnh dự toán thu, chi của một số bộ, cơ quan trung ương và một số địa phương. Thẩm quyền này hiện thuộc UBTVQH. Chính phủ cũng được điều chỉnh bội chi, mức vay nợ chính quyền địa phương Quốc hội đã quyết định trong phạm vi bội chi ngân sách nhà nước, vốn đang thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Thẩm tra về nội dung nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính có các ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất đề nghị giữ như quy định hiện hành. Lý do là việc quy định mức chi cụ thể đối với các lĩnh vực giáo dục- đào tạo và dạy nghề; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bảo đảm việc thể chế hóa các quy định tại các Nghị quyết của Trung ương về các lĩnh vực này. Đồng thời, việc quyết định mức chi cụ thể trong dự toán sẽ làm căn cứ, cơ sở pháp lý trong việc đánh giá kết quả thực hiện gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong việc chấp hành Nghị quyết của trung ương. Ý kiến khác lại nhất trí với dự thảo Luật để bảo đảm tính linh hoạt, chủ động của Chính phủ trong việc điều chỉnh dự toán chi giữa các lĩnh vực, phù hợp với điều kiện thực tế phát sinh trong năm.
Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính có các ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất đề nghị giữ như quy định hiện hành. Vì việc giao Chính phủ quyết định việc điều chỉnh dự toán (thuộc nhiệm vụ cơ quan lập pháp) dẫn đến sự chồng chéo trong chức năng nhiệm vụ, không bảo đảm tính độc lập, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật tài chính, không bảo đảm yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu đã được đặt ra trong văn kiện đại hội Đảng lần thứ XIII… Ý kiến khác nhất trí với dự thảo Luật nhằm thực hiện chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác giao nhiệm vụ thu, chi, tạo sự chủ động và tăng tính hiệu quả, kịp thời trong điều hành NSNN. Do vậy, việc tăng cường phân cấp, phân quyền cho Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương để quản lý, điều hành NSNN thuận lợi, kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.
Sửa đổi đáp ứng yêu cầu mới
Phát biểu giải trình thêm tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo chương trình trước đây, dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội trong tháng 10. Tuy nhiên, vừa qua có nhiều vấn đề cấp bách phát sinh, do đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính trình sớm tại Kỳ họp 9.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, vừa qua, các Nghị quyết, Kết luận của Đảng đã nêu, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã chỉ đạo tập trung sửa đổi, bổ sung các luật, trong đó có Luật NSNN để trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật NSNN, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 theo Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt là liên quan đến Nghị quyết 57, Bộ Chính trị chỉ đạo Chính phủ trình Quốc hội sửa tất cả các luật liên quan.
Việc thực hiện sắp xếp lại bộ máy hành chính địa phương từ 3 cấp còn 2 cấp, đi vào hoạt động ngay từ 1/7/2025 cũng đòi hỏi phải sửa luật này để điều chỉnh dự toán ngân sách theo mô hình chính quyền mới. “Bộ Tài chính sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, làm việc chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế và Tài chính để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo chất lượng cao nhất khi trình ra Quốc hội", Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, Luật NSNN đã được triển khai thực hiện nhiều năm nay, có tính ổn định cao so với các bộ luật khác. Tuy nhiên, thời gian qua đã phát sinh các yêu cầu về nhiệm vụ mới, các phân cấp mới theo chỉ đạo của Đảng. Do đó, cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899