Tăng cường xử lý nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)

30/10/2021, 15:16

TCDN - Với chủ trương tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, giúp xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu của các TCTD trong giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở tinh thần chỉ đạo tại các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, NHNN xác định việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về cơ cấu lại các TCTD yếu kém là nhiệm vụ trọng tâm.

129721457_3450288178423763_73719

Tóm tắt

Trong những năm qua, nợ xấu là vấn đề không tốt ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng, mà đã trở thành vấn đề đáng quan ngại của cả hệ thống ngân hàng - tài chính toàn cầu, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối năm 2008. Thuật ngữ “nợ xấu” đã trở thành chủ đề được đề cập đến tại nhiều nghiên ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc tăng cường xử lý nợ xấu tại Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) góp phần làm tăng hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chính thức hoạt động vào ngày 26/07/2013, là doanh nghiệp đặc thù, hoạt động của VAMC nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu của các tổ chức tín dung (TCTD) nhằm tạo điều kiện cho TCTD mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện thanh khoản và nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các TCTD, thị trường tiền tệ. VAMC hoạt động theo nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận; công khai, minh bạch; hạn chế rủi ro và chi phí trong xử lý nợ xấu.

Theo quan điểm của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) (2015) thì cho rằng nợ xấu là: “Một khoản cho vay được coi là không sinh lời khi tiền thanh toán lãi và hoặc tiền gốc đã quá hạn từ 90 ngày trở lên, hoặc các khoản thanh toán lãi đến 90 ngày hoặc hơn đã được tái cơ cấu hay gia hạn nợ, hoặc các khoản thanh toán dưới 90 ngày nhưng có nguyên nhân ghi ngờ về việc trả nợ sẽ được thực hiện đầy đủ”.

Khái niệm nợ xấu theo Nghị Quyết 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD là các khoản nợ không có khả năng thu hồi một phần hoặc toàn bộ nợ gốc, lãi khi đến hạn thanh toán, được phân loại vào nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (quá hạn trả lãi và/hoặc gốc từ 90 ngày đến 180 ngày), nợ nghi ngờ (quá hạn trả lãi và/hoặc gốc từ 181 ngày đến 360 ngày), nợ có nguy cơ mất vốn (quá hạn trả lãi và/hoặc gốc trên 360 ngày).

Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Đề án “Cơ cấu hệ lại thống TCTD gắn với xử lí nợ xấu giai đoạn 2016-2020” ban hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg.

Với chủ trương tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, giúp xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu của các TCTD trong giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở tinh thần chỉ đạo tại các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, NHNN đã xác định việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về cơ cấu lại các TCTD yếu kém là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này. Theo đó, NHNN đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” ban hành kèm theo Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 (Đề án 1058); đồng thời, ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 về việc thực hiện Nghị quyết số 42 thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Thông tư số 09/2017/TT-NHNN ngày 14/8/2017 về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC.

Theo quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP và Thông tư số 19/2013/TT-NHNN, sau khi mua nợ VAMC được thực hiện 7 biện pháp sau để xử lý thu hồi nợ: (i). Tổ chức đôn đốc, yêu cầu trả nợ, thu nợ từ khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ và bên bảo đảm; (ii). Cơ cấu lại khoản nợ xấu; (iii). Chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần để tham gia cơ cấu lại tài chính và hoạt động của khách hàng vay; (iv). Nhận chính tài sản bảo đảm của khoản nợ, thu hồi, thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm; (v). Bán nợ; (vi). Khởi kiện, thi hành án hoặc ủy quyền khởi kiện, thi hành án; (vii). Nộp đơn yêu cầu Tòa án tiến hành các thủ tục phá sản đối với khách hàng vay không có khả năng trả nợ.

Tuy nhiên trong suốt thời gian hoạt động, một số nghiệp vụ xử lý nợ của VAMC vẫn chậm triển khai như: Chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần để tham gia cơ cấu lại tài chính và hoạt động của khách hàng vay; Nhận chính tài sản bảo đảm của khoản nợ; Nộp đơn yêu cầu Tòa án tiến hành các thủ tục phá sản đối với khách hàng vay không có khả năng trả nợ.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục kéo dài cơ chế xử lý nợ xấu theo hướng Nghị quyết 42 là rất cần thiết. Việc không ban hành Luật sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ, hiệu quả xử lý nợ xấu của các TCTD, thiếu hụt cơ chế, chính sách khuyến khích để hỗ trợ TCTD/VAMC xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm, hỗ trợ tài chính cho việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng cũng sẽ kéo dài tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.

Tồn tại trong công tác xử lý nợ xấu đã mua tại VAMC

Thứ nhất, VAMC chưa triển khai đủ 10 nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP. VAMC mới triển khai được 6/10 nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP còn 4/10 nhiệm vụ VAMC vẫn chưa triển khai hoặc mới đang nghiên cứu để triển khai. Đây là các nhiệm vụ cũng khá quan trọng trong việc xử lý nợ, việc chưa triển khai cũng ảnh hưởng tới hiệu quả xử lý nợ xấu của VAMC.

Thứ hai, kết quả mua nợ theo Giá trị thị trường của VAMC thấp, chưa thể hiện vai trò dẫn dắn của thị trường mua bán nợ. Theo Đề án tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án Cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017-2020, hướng tới 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 28/QĐ-NHNN ngày 05/01/2019 của Thống đốc NHNN, VAMC được giao mua nợ theo Giá trị thị trường tối thiểu đạt 20.000 tỷ vào năm 2020. Tuy nhiên, lũy kế đến 31/12/2019, VAMC mới mua nợ theo Giá trị thị trường đạt 8.207 tỷ đồng, mới đạt 41% chỉ tiêu được giao và là một con số rất nhỏ so với khối lượng nợ xấu cần xử lý của hệ thống.

Thứ ba, VAMC chưa phát huy được vai trò trong huy động các nguồn vốn khác để thực hiện mua nợ thị trường. Theo Quyết định số 618/QĐ-NHNN ngày 12/04/2016, nguồn vốn VAMC thực hiện mua nợ thị trường bao gồm: vốn điều lệ, phát hành trái phiếu và các nguồn huy động vốn khác.

Thứ tư, kết quả xử lý thu hồi nợ bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC chưa thể hiện đúng hiệu quả xử lý nợ của VAMC. Kết quả xử lý thu hồi nợ đạt được phần lớn là do xử lý và thu hồi từ TCTD, VAMC chỉ là đơn vị hỗ trợ, phối hợp cùng TCTD. Như vậy, với kết quả xử lý thu hồi các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt chưa thể hiện đúng bản chất kết quả xử lý thu hồi nợ của VAMC.

Thứ năm, VAMC chưa thể hiện được hiệu quả trong cơ cấu lại nợ và hỗ trợ khách hàng vay. Kết quả cơ cấu lại nợ của VAMC còn rất hạn chế, tỷ trọng dư nợ được cơ cấu cao trong một năm cũng chỉ chiếm 4% tổng nợ xấu mua về, trong đó nợ xấu VAMC tự thực hiện cơ cấu chỉ có 03 khách hàng. Đồng thời, biện pháp hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay, VAMC chưa thực hiện. Như vậy có thể thấy hiệu quả xử lý nợ xấu của VAMC đối với biện pháp cơ cấu nợ và hỗ trợ tài chính cho khách hàng cần phải được chú trọng triển khai trong thời gian tới.

Giải pháp tăng cường xử lý nợ xấu của VAMC trong thời gian tới

Thứ nhất: Hoàn thiện mô hình, cơ cấu tổ chức gồm: Sắp xếp, cơ cấu lại các Ban nghiệp vụ; Thành lập mới Chi nhánh Sàn Giao dịch nợ; Thành lập mới Trung tâm Chứng khoán hóa khoản nợ xấu;

Thứ hai: Triển khai đủ nhiệm vụ theo Nghị định số 53/2013/NĐ-CP và thêm các nhiệm vụ mới: Nên thêm nhiệm vụ dịch vụ thu hồi nợ xấu, qua đó cung cấp cho người mua khoản nợ xấu thêm một phương pháp để thu hồi nợ xấu mà họ đã mua; Chứng khoán hóa nợ xấu; Thi hành án dân sự và lệnh bàn giao tài sản;

Thứ ba: Xem xét bổ sung nguồn lực tài chính cho VAMC để khả năng xử lý các khoản nợ xấu, cụ thể như có thể tăng vốn điều lệ của VAMC theo lộ trình để bổ sung nguồn vốn mua nợ xấu theo giá trị thị trường, bổ sung cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và nâng cao năng lực tài chính, uy tín thị trường nhằm triển khai việc mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường có hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

1. Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” ban hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017);

2. Quốc hội (2017), Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.

3. Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

4. Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 06 tháng 9 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam

5. Thông tư số 09/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam : Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 06 tháng 9 năm 2013 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam

6. Báo cáo hoạt động của VAMC các năm 2013-2020

TS. Lê Toàn Thắng

Học viện Hành chính Quốc gia

Tạp chí in số tháng 10/2021
Bạn đang đọc bài viết Tăng cường xử lý nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Lãi suất và đạo lý trong kinh doanh
Làn sóng Covid-19 thứ tư chưa đến đỉnh, trong khi “sức khỏe” của doanh nghiệp đang dần kiệt quệ. Không có cách nào khác, các ngân hàng cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách giảm lãi suất cho vay.