Lãi suất và đạo lý trong kinh doanh

01/10/2021, 08:43

TCDN - Làn sóng Covid-19 thứ tư chưa đến đỉnh, trong khi “sức khỏe” của doanh nghiệp đang dần kiệt quệ. Không có cách nào khác, các ngân hàng cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách giảm lãi suất cho vay.

Lãi suất

Thực trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp Việt

Thực tế, con đường kinh doanh của đa số doanh nghiệp Việt nhìn chung vẫn luôn “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”, nhưng dịch Covid-19 cộng với những hạn chế cố hữu thực sự đã bào mòn “sức khỏe” của doanh nghiệp khiến cho họ ở vào một thời kì khó khăn chưa từng có kể từ khi có Luật Doanh nghiệp đến nay.

Theo kết quả của một cuộc khảo sát trong năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có 81% doanh nghiệp được hỏi gặp khó khăn do không có khách hàng, đơn hàng hoặc hợp đồng tiêu tụ sản phẩm, dịch vụ; 72% gặp khó khăn trong việc đảm bảo tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn; 53% số doanh nghiệp gặp khó khăn về trả lãi vay ngân hàng…

Hệ thống đăng ký doanh nghiệp của Bộ này cũng ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 đã giảm 23% so với cùng kì năm 2019 (trong khi đó ở tất cả các năm trước đó đều tăng với tốc độ cao); trong khi số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng mạnh. Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong đó 69,2% người bị giảm thu nhập số còn lại phải nghỉ việc hoặc giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên…

Thực tiễn cho thấy, theo Tổng cục Thống kê, trung bình mỗi tháng có tới 8.500 doanh nghiệp rút lui khởi thị trường. Còn theo báo cáo tác động của dịch Covid-19 với doanh nghiệp Việt Nam, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố mới đây, có tới 87,2% trong số 10.200 doanh nghiệp tham gia khảo sát chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” trước tác động của đại dịch.

Các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch Covid-19 xếp theo tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lần lượt là tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%) và chuỗi cung ứng (33%). Tại thời điểm này, mối quan tâm hàng đầu của các chủ doanh nghiệp là làm sao linh động, linh hoạt xây dựng các chương trình hành động trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thực tế, Covid-19 tác động tới toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội, ở mọi ngành nghề lĩnh vực làm cho nhiều doanh nghiệp kiệt quệ nhưng cũng tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số, có cách làm mới, sáng tạo, để đảm bảo hoạt động kinh doanh được thông suốt, liền mạch.

Lãi suất và đạo lý trong kinh doanh

Liên quan đến kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đáng chú ý có 53% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ gặp khó khăn về trả lãi vay ngân hàng, cả gốc và lãi. Trong khi đó, cả năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, một số ngân hàng vẫn báo lãi rất lớn, nổi lên như Vietinbank, Vietcombank, MSB, TPBank, SeABank… Hết quý I/2021, hàng loạt ngân hàng tiếp tục báo cáo lợi nhuận trước thuế tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận là một số ngân hàng vừa qua đã có thêm các mảng phi tín dụng như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, đầu tư chứng khoán... Nhưng đáng lưu ý hơn cả là nguyên nhân chính dẫn đến những khoản lãi “khủng” này là do lãi suất huy động đã giảm khá sâu, trong khi lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng. Đây là điều bất hợp lý, khó chấp nhận. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện tại, doanh nghiệp thì kiệt quệ không có nguồn thu như hiện nay mà các ngân hàng vẫn lãi lớn thì ngành ngân hàng chưa đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp!

Trung tuần tháng 6 vừa qua, chương trình đồng thuận giảm lãi suất cho vay đồng loạt để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt đại dịch Covid-19. Điều này mang đến hi vọng mới cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư đang diễn biến phức tạp tại khu vực kinh tế năng động nhất của Việt Nam.

Ở kì hạn vay 6 tháng và 1 năm, mức lãi suất giảm phổ biến từ 0,2% - 0,5%. Theo các chuyên gia tài chính, mức giảm như thế là ít và chậm hơn mức giảm lãi suất huy động. Nền kinh tế của Việt Nam có mức độ phụ thuộc vào vốn tín dụng rất lớn, xét cho cùng là phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, nhất là một số ngân hàng lớn có khả năng “cầm chịch” lãi suất. Cộng đồng doanh nghiệp thì đa phần nhỏ và chưa mạnh, luôn luôn là bên lép vế trong mối quan hệ giữa người đi vay và người cho vay.

Thông thường những cuộc “khủng hoảng” kinh tế gần đây xuất phát từ tài chính, rồi lan sang kinh tế. Nhưng lần này, điểm khác biệt là xuất phát từ y tế. Cú sốc y tế khiến cho dòng tiền bị hút sang những chỗ “trú ẩn” khác, bất động sản chẳng hạn, khiến cho vốn càng khan hiếm hơn và các ngân hàng càng chiếm thế thượng phong so với “thượng đế” của họ. Thế nhưng, dường như các ngân hàng đã quên mất rằng, trong những năm 2011-2015, khi “cơn bão” nợ xấu tàn phá ngành ngân hàng có lúc nợ xấu lên tới 15-17%, đẩy lãi suất cho vay lên cao đến mức sát thương (trên 20%/năm), thì doanh nghiệp và người dân đã cùng ngân hàng chia sẻ gánh nặng đó. “Cục máu đông” nợ xấu khiến cho nhiều ngân hàng đứng trên bờ vực phá sản thì Nhà nước (một cách gián tiếp) và doanh nghiệp - lực lượng gửi/vay tiền chủ yếu - đã gánh chịu phần lớn chi phí để giải tỏa, khắc phục hậu quả.

Ở đây, không thể bỏ qua khía cạnh đạo lí trong kinh doanh. Nếu cứ để tồn tại sự bất công quá lớn về thu nhập giữa khu vực ngân hàng với khu vực kinh tế trực tiếp sản xuất - kinh doanh thì rất khó để vực dậy nền kinh tế một cách bền vững. Chính phủ nên có chỉ đạo hợp lí buộc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay phù hợp với lãi suất huy động. Trong khi ngân hàng khó khăn thì cả xã hội đã chia sẻ và bây giờ chính là lúc ngân hàng cần làm điều ngược lại!

Liên quan đến sự phát triển “nóng” của thị trường chứng khoán thời gian qua không giúp ích gì nhiều cho các doanh nghiệp đang “khát vốn” sản xuất - kinh doanh. Bởi vì có rất ít doanh nghiệp IPO, mà chỉ có vốn thu về khi IPO mới là vốn thực sự “chạy” vào sản xuất - kinh doanh, còn phần lớn đều là loanh quanh mua đi bán lại trên thị trường để kiếm lời nhanh; trong đó có một tỷ lệ không nhỏ là vốn tín dụng. Để nền kinh tế phát triển mạnh khỏe, cần có những giải pháp để “nắn chỉnh” dòng vốn “chảy” vào khu vực sản xuất - kinh doanh thực sự, không để tín dụng “chảy” vào chứng khoán hay bất động sản. Còn cụ thể như thế nào ở thời điểm hiện nay phụ thuộc vào nghệ thuật điều hành của nhà quản lý, nhưng về lâu dài thì vẫn phải là giúp cho các doanh nghiệp lớn mạnh lên, trở nên hấp dẫn hơn và IPO thành công.

ThS. Trần Trọng Triết

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh An Giang

Tạp chí in số tháng 9/2021
Bạn đang đọc bài viết Lãi suất và đạo lý trong kinh doanh tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Đổi mới hoạt động tín dụng đầu tư của nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới
Để đạt được mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam dự kiến phải đạt bình quân khoảng 7%/năm, tổng vốn đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP.