Tăng trưởng kinh tế:

Thách thức từ chỉ tiêu tổng thể đến từng ngành, lĩnh vực

25/09/2023, 16:16
báo nói -

TCDN - Nền kinh tế vừa bước qua tháng 8 với nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục duy trì xu hướng tích cực hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, các thành phần của tổng cầu đều chịu ảnh hưởng tiêu cực, khiến mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 khó có thể đạt được.

kt8thang-nn

Tín hiệu khả quan

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng 2023 của Tổng cục Thống kê chỉ rõ, tiến độ thu hoạch lúa hè thu đạt kết quả tích cực, chăn nuôi phát triển ổn định. Nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan, xuất khẩu tôm đang có dấu hiệu phục hồi do nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường tăng.

Tính đến 15/8/2023, cả nước thu hoạch được 1.071,6 nghìn ha lúa hè thu, năng suất đạt 57,5 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha; sản lượng đạt 11 triệu tấn. Chăn nuôi trong tháng phát triển tương đối ổn định, sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng 8 ước tăng 3,8% so với cùng kỳ 2022; tính chung 8 tháng năm 2023 tăng 3,2%, trong đó tôm tăng 4,1%.

Sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng trưởng tích cực hơn so với tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2023 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ 2022.

Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm nhằm thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8/2023 ước đạt 1,2 triệu lượt người, gấp 2,5 lần cùng kỳ 2022; tính chung 8 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 7,8 triệu lượt người, gấp 5,4 lần.

Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2023 ước đạt 49,4% kế hoạch, tăng 23,1% so với cùng kỳ 2022, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện đầu tư công nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 8/2023 đã khởi sắc hơn tháng trước, có hơn 14 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 135,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 79,9 nghìn lao động, tăng 2,3% về số doanh nghiệp, tăng 6,6% về vốn đăng ký và tăng 1,2% về số lao động so với tháng 7/2023.

Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp và duy trì xu hướng giảm dần. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2023 tăng cao nhất với 4,89%; bình quân 3 tháng đầu năm tăng 4,18%; bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29%; đến nay bình quân 8 tháng tăng 3,1%.

Theo các chuyên gia, bức tranh chung đã ít nhiều tươi sáng hơn và cho thấy xu hướng ngày càng tích cực trong những tháng gần đây, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, các mục tiêu năm nay từ chỉ tiêu tổng thể như tăng trưởng GDP, tới các chỉ tiêu cụ thể cho mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều rất thách thức và không dễ đạt được. Bối cảnh thách thức, khó khăn đến từ cả bên ngoài và bên trong đã ảnh hưởng tiêu cực tới tất cả các thành phần của tổng cầu nền kinh tế, kéo theo đó là hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn. Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với nền kinh tế trong những tháng tới đây.

Trong phục hồi tổng cầu, cần tận dụng dù là các lĩnh vực nhỏ, giá trị “quy ra tiền” không phải quá lớn. Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nếu giảm được 1% nhập siêu dịch vụ sẽ làm GDP tăng 0,36 điểm phần trăm. Điều này cho thấy, xuất khẩu dịch vụ là nguồn thu lớn và mang lại nhiều tiềm năng kinh tế mới.

Theo chuyên gia này, Việt Nam mới chỉ chú trọng đến xuất, nhập khẩu hàng hóa mà chưa thực sự quan tâm đến xuất, nhập khẩu dịch vụ trong khi các ngành dịch vụ của Việt Nam như du lịch, tài chính - ngân hàng, logistics… đều có tiềm năng phát triển rất lớn.

“Nên trước mắt cần tập trung để giảm nhập siêu, hướng tới cân đối cán cân xuất, nhập khẩu dịch vụ và về lâu dài phải tăng được xuất khẩu dịch vụ để có được xuất siêu trong lĩnh vực này”, TS. Nguyễn Bích Lâm đề xuất.

Tăng chi tiêu công và giảm thuế

Các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, một trong những động lực đóng góp lớn nhất để phục hồi tổng cầu lúc này nằm ở chính sách tài khóa. Do vậy, chính sách tài khóa nghịch chu kỳ cần được tiếp tục đẩy mạnh và mục tiêu đạt được tăng trưởng ổn định của chính sách tài khóa nghịch chu kỳ được thực hiện qua hai công cụ: Tăng chi tiêu công và giảm thuế. Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, việc giảm thuế cần áp dụng đúng đối tượng, đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế. Lưu ý, các quy định về thuế đối với từng nhóm đối tượng cần nhất quán, tránh mâu thuẫn như giảm thuế giá trị gia tăng nhưng lại tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Mặc dù giải ngân vốn đầu tư công đã có những chuyển biến rất tích cực gần đây nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn cần những giải pháp quyết liệt hơn để tháo gỡ vướng mắc một cách căn cơ. Theo đó, cần có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng giảm vướng mắc trong tất cả các khâu quản lý dự án, từ quy hoạch, đến chuẩn bị và triển khai thực hiện, như nghiên cứu thêm trường hợp có thể chủ động sử dụng một số khoản kinh phí hợp pháp ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (kể cả nguồn vốn chi thường xuyên) để lập dự án, chuẩn bị đầu tư trước.

Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các quy định về điều kiện phân bổ kế hoạch vốn hàng năm cho các nhiệm vụ chuẩn bị và quy hoạch nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp cận được vốn cho nhiệm vụ chuẩn bị và chủ động lập các kế hoạch đầu tư.

Ngoài ra, các dự án đầu tư công luôn gắn chặt với vấn đề giải phóng mặt bằng. Để dự án được nhanh chóng thực hiện, cần giải quyết các vấn đề cốt lõi của khâu giải phóng mặt bằng như: Nguồn kinh phí bồi thường; Chính sách, pháp luật đất đai về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Chính sách hỗ trợ người dân ổn định đời sống, chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định sinh kế…

Cùng với gia tăng và dựa nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước, yếu tố cầu xuất khẩu vẫn là một động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Vấn đề phát triển xuất khẩu bền vững gắn liền với đa dạng hóa thị trường và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý là câu chuyện đã được bàn thảo lâu nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Việt Nam vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào một số thị trường xuất khẩu lớn. Do đó điều hiển nhiên khi các đối tác lớn này rơi vào khủng hoảng, nhu cầu sụt giảm thì lập tức tác động rất mạnh đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, thậm chí đối mặt với những cú sốc lớn và bị gián đoạn như đã thấy thời gian qua.

Từ thực tế này, một trong các giải pháp được các chuyên gia nhấn mạnh là cần mở rộng giao thương với các thị trường trong các FTA đã ký kết thay vì chỉ tập trung sâu một số thị trường lớn. Một ví dụ tiêu biểu là với EVFTA, phần lớn doanh nghiệp Việt hiện chủ yếu giao thương với chỉ 5-6 quốc gia trong 27 nước thành viên thuộc EU, "bỏ qua" tiềm năng từ hơn 20 quốc gia còn lại. Điều tương tự cũng đang diễn ra ở FTA thế hệ mới khác như CPTPP và RCEP. Điều này cho thấy việc khai thác thị trường thông qua các FTA vẫn còn tiềm năng rất lớn và cần các giải pháp cụ thể để hiện thực hóa.

Mặt khác, các nhà sản xuất tại Việt Nam hiện cũng đang gặp nhiều thách thức khi sản phẩm chưa đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh - sạch, sản xuất cacbon thấp, vật liệu bền vững, sản xuất thân thiện môi trường… từ các thị trường nhập khẩu. Do đó, cần sớm rà soát và ban hành tiêu chuẩn khung pháp lý về sản xuất xanh làm căn cứ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm dịch vụ định hướng xuất khẩu, chuyển đổi xanh. Cùng với đó, khung pháp lý liên quan đến cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh cũng cần được sớm hoàn thiện để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn và để các tổ chức tín dụng có thể thuận lợi hơn trong công tác cấp tín dụng xanh.

Hoàng Nam

Tạp chí in số tháng 9/2023
Bạn đang đọc bài viết Thách thức từ chỉ tiêu tổng thể đến từng ngành, lĩnh vực tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam, dẫn đến mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trở nên khó khăn. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp kịp thời để phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới, thay vì lệ thuộc vào độ trễ của chính sách.