Thanh Hóa chuẩn bị các điều kiện tốt, "đất lành" đón nhà đầu tư
TCDN - Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thanh Hóa chuẩn bị các điều kiện tốt, để trở thành “đất lành” đón các nhà đầu tư.
Dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa thu hút vào địa bàn còn ít
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp đẩy mạnh, thu hút công tác xúc tiến đầu tư thời gian tới.
Tại hội nghị, theo báo cáo đánh giá tình hình xúc tiến đầu tư của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua mà đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa nêu thì giai đoạn 2011 - 2020, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút 1.845 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 350.000 tỷ đồng (trong đó, có 109 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 4.185 triệu USD).
Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 138 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 14,475 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 103 dự án đầu tư trực tiếp, bằng 57,5% so với cùng kỳ (trong đó, có 11 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 24.701 tỷ đồng (tăng 17,2% so với cùng kỳ) và 155,25 triệu USD (bằng 61,5% so với cùng kỳ).
Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, tiếp đến là lĩnh vực văn hóa, xã hội và du lịch. Một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất, kinh doanh đã hoàn thành và đưa vào vận hành, sử dụng, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và tạo động lực tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh Thanh Hóa, đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và tăng thu ngân sách Nhà nước.
Cũng theo báo cáo này, thì công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Thanh Hóa còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, trong công tác nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng đầu tư còn bị động, chưa thực sự hiệu quả, thiết thực, thông tin và cơ sở dữ liệu xúc tiến đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Công tác xây dựng danh mục dự án mới đáp ứng về số lượng, nhưng các thông tin cơ bản để kêu gọi đầu tư còn thiếu như: Các thông tin về vị trí, quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất, mặt bằng,... Hiện tại thiếu quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, đặc biệt là quỹ đất dành cho các dự án lớn.
Hạ tầng kỹ thuật, xã hội tại một số KCN, CCN còn thiếu đồng bộ, chưa hoàn thiện. Công tác vận động, xúc tiến đầu tư còn chưa thực sự hiệu quả, thiết thực, số lượng dự án quy mô lớn, công nghệ cao, dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa thu hút vào địa bàn tỉnh còn ít. Việc triển khai thực hiện nội dung các thỏa thuận hợp tác đầu tư, các dự án được ký kết còn chậm, nhiều dự án triển khai chậm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
Phát biểu thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo, nhận định, phân tích thêm về giải pháp nâng cao, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư thời gian tới, nhiều đại biểu cho rằng nên tập trung vào xây dựng, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhận định, cần tập trung trong xúc tiến đầu tư như môi trường đầu tư cần đảm bảo minh bạch, an toàn, các điều kiện về đất đai, mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực... để sẵn sàng đón nhà đầu tư, đặc biệt là các điều kiện hạ tầng tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Chủ động hơn để làm thay đổi, làm tốt hơn
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh vai trò công tác xúc tiến đầu tư, đây là nhiệm vụ mang tính quyết định trong việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tất cả các giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành phải nêu cao trách nhiệm, tập trung hơn, quyết liệt hơn, chủ động hơn để làm thay đổi, làm tốt hơn, hiệu quả hơn công tác xúc tiến đầu tư. Phải tập trung các điều kiện tốt để Thanh Hóa trở thành “đất lành”, “nam châm”, có sức hút đối với các nhà đầu tư, có sự quan tâm đặc biệt để Thanh Hóa có tính lợi thế, cạnh tranh hơn so với các địa phương khác.
Ông Tuấn nhấn mạnh quan điểm về công tác thu hút đầu tư, đối với một số ngành phải tập trung thu hút như sau lọc hóa dầu, nông nghiệp công nghệ cao, logistics, ... đối với một số ngành cần kích hoạt “bộ lọc”, chọn lựa nhà đầu tư hợp lý như lĩnh vực du lịch. Cần có sự đồng bộ, thống nhất trong công tác chỉ đạo, thông tin về xúc tiến đầu tư. Đối với nhiệm vụ thời gian tới về công tác quy hoạch phải đẩy nhanh hoàn thành quy hoạch của tỉnh, các quy hoạch phân khu như phân khu trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Sau khi có Quy hoạch chung của tỉnh, giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Thương mại nghiên cứu xây dựng “mô hình” quy hoạch của tỉnh để khi nhà đầu tư đến có thể hình dung được các quy hoạch chung của tỉnh.
Về xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa chủ trì phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu trình UBND tỉnh Thanh Hóa. Giao Sở Ngoại vụ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, làm tốt công tác đối ngoại, hợp tác, quan hệ với các tổ chức quốc tế, các địa phương trên thế giới.
Về công tác tuyên truyền, giao Đài Phát thanh và Truyền hình xây dựng 02 clip trong đó một clip chung về điều kiện tự nhiên, tiềm năng thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa và một clip về thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng bộ tài liệu về danh mục chung về các dự án đầu tư, danh mục chi tiết hơn về các khu vực, dự án ưu tiên đầu tư; cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư của tỉnh, từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hoàn thành, báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa vào tháng 4/2022.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá về tỉnh Thanh Hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Giao Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn tham mưu, nghiên cứu xây dựng quy trình thực hiện công tác đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Giao Sở Xây dựng, Kế hoạch, Nghi Sơn đề xuất UBND tỉnh nghiên cứu, tham mưu rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, thủ tục đầu tư đối với các dự án lớn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
Tiếp đến, ông Tuấn giao Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan lựa chọn một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp tham mưu cơ chế chính sách thực hiện công tác GPMB trước, san lấp, đầu tư hạ tầng... làm điểm thu hút cho tỉnh để đón nhà đầu tư. Đối với các dự án trọng điểm, có quy mô lớn, dự án ưu tiên, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác hỗ trợ công tác GPMB, giải quyết thủ tục đầu tư cho dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Thương mại tỉnh Thanh Hóa là đơn vị đầu mối liên hệ, hướng dẫn cụ thể nhà đầu tư. Yêu cầu Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Thương mại rà soát kiện toàn bộ máy, nâng cao trình độ chuyên môn về ngoại ngữ, trang bị cập nhật kiến thức về điều kiện kinh tế, chính sách, quy hoạch chung… của tỉnh; đảm bảo nguồn nhân lực đủ trình độ, kiến thức có thể giải đáp thắc mắc của các nhà đầu tư. Giao Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp chọn nhân sự là đấu mối liên hệ xúc tiến đầu tư.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899